2 năm EVN thí điểm tiết kiệm năng lượng theo mô hình ESCO: Đem lại lợi ích gì cho khách hàng?

Mô hình ESCO đã được thực hiện thành công tại nhiều nước trên thế giới, nhưng mới được EVN thí điểm từ cuối năm 2014. Mô hình này đem lại lợi ích gì và vì sao vẫn chưa được đông đảo khách hàng quan tâm?

Ông Trần Viết Nguyên - Phó Trưởng ban Kinh doanh EVN

Ông Trần Viết Nguyên - Phó Trưởng ban Kinh doanh, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã trao đổi với Thế giới điện về những vấn đề trên.

PV: Ông có thể cho biết kết quả ban đầu sau gần 2 năm EVN thí điểm mô hình ESCO ?

Ông Trần Viết Nguyên: Mặc dù ESCO còn rất mới tại Việt Nam nói chung và EVN nói riêng. Tuy nhiên, Tổng công ty Điện lực miền Nam (EVNSPC) – đơn vị được EVN giao triển khai thí điểm đã thu được những kết quả khả quan ban đầu.

Cụ thể, EVNSPC đã phối hợp với đối tác là Công ty CP Đầu tư và Phát triển Năng lượng Mặt trời Bách Khoa (Solar BK) tổ chức nhiều hội thảo giới thiệu về các giải pháp, lợi ích mà ESCO mang lại cho khách hàng. Các hội thảo đã thu hút hơn 500 khách hàng lớn trên địa bàn 21 tỉnh, thành phố phía Nam tham gia; trong đó EVNSPC đã tiếp cận được hơn 100 khách hàng và chính thức ký kết được 4 hợp đồng cung cấp dịch vụ nước nóng bằng năng lượng mặt trời (NLMT) cho doanh nghiệp. Hiện nay, EVNSPC và SolarBK đang tiếp xúc và chờ quyết định của hơn 10 khách hàng.

Như vậy, mục tiêu phát triển được 8-10 khách hàng trong giai đoạn 2014-2016 mà Tập đoàn giao cho EVNSPC là khả thi.

PV: Là một dịch vụ còn khá mới, trong quá trình triển khai, EVN và EVNSPC gặp khó khăn gì, thưa ông?

Ông Trần Viết Nguyên: Khó khăn lớn nhất là khách hàng chưa thực sự quan tâm và tin tưởng về những lợi ích mà ESCO mang lại. Do đó, khi tiếp xúc, chúng tôi mất nhiều thời gian thuyết phục.

Bên cạnh đó, tìm nguồn vốn cũng là “bài toán” khá nan giải, do các công ty ESCO thiếu vốn đầu tư các giải pháp tiết kiệm năng lượng (TKNL). Hiện nay, EVN đang chủ động hợp tác chặt chẽ với các công ty ESCO trong nước, hỗ trợ và tìm các giải pháp tháo gỡ.

PV: Theo ông, vì sao một số khách hàng chưa tích cực sử dụng ESCO dù dịch vụ này mang lại lợi ích lớn cho doanh nghiệp trong TKNL, tối ưu hóa chi phí sản xuất, kinh doanh?

Ông Trần Viết Nguyên: Thực tế, đa số khách hàng vẫn còn thiếu thông tin và cảm thấy xa lạ với mô hình ESCO. Trong khi đó, việc tuyên truyền, quảng bá về TKNL theo mô hình ESCO ở Việt Nam vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu, chủ yếu là do các công ty ESCO thực hiện và chưa tiến hành quảng bá rộng rãi đến mọi đối tượng khách hàng. Các cơ quan quản lý nhà nước chưa có các giải pháp mang tầm chiến lược, chưa xây dựng được chương trình tuyên truyền tổng thể về ESCO trên các phương tiện thông tin đại chúng trong cả nước.

Bên cạnh đó, nhận thức về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả của một số doanh nghiệp, cơ quan… còn hạn chế, chưa tích cực, chủ động tìm kiếm các giải pháp TKNL nói chung và TKNL thông qua mô hình ESCO nói riêng.

PV: Thời gian tới, EVN sẽ nhân rộng mô hình ESCO trên phạm vi toàn quốc. Vậy giải pháp nào để khách hàng tin tưởng và sử dụng ESCO, thưa ông?

Ông Trần Viết Nguyên: Nhằm đẩy mạnh việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, giai đoạn 2016-2020, EVN đang xây dựng kế hoạch nhân rộng mô hình ESCO trên phạm vi toàn quốc. Tối thiểu, mỗi Tổng công ty điện lực sẽ triển khai 10 dự án trong năm 2016.

EVN và các đơn vị thành viên sẽ đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, quảng bá. Đặc biệt, chúng tôi sẽ phối hợp với những khách hàng đang sử dụng ESCO để họ chia sẻ về hiệu quả sau quá trình triển khai. Đây là lời thuyết phục hiệu quả nhất với khách hàng mới.

EVN cũng sẽ kiến nghị với Văn phòng TKNL của Bộ Công Thương có những hướng dẫn, chỉ đạo các Sở Công Thương các tỉnh, thành phố trên cả nước, hỗ trợ thêm trong công tác tuyên truyền, quảng bá về ESCO...

PV: Hiện mô hình ESCO của EVN đang tập trung chủ yếu vào dịch vụ cung cấp nước nóng bằng NLMT. Thời gian tới, Tập đoàn có hướng đến các loại hình khác không, thưa ông?

Ông Trần Viết Nguyên: TKNL thông qua hệ thống cấp nước nóng bằng NLMT là giải pháp mà EVN đã triển khai nhiều năm nay và rất thành công. Do vậy, khi triển khai ESCO, chúng tôi thí điểm trên nền tảng những kinh nghiệm đã có để đạt hiệu quả tốt nhất.

Tuy nhiên, tiềm năng TKNL thông qua ESCO có thể triển khai được rất nhiều lĩnh vực. Thời gian tới, EVN sẽ mở rộng sang các lĩnh vực khác như: Tiết kiệm điện trong chiếu sáng, trong hệ thống làm mát, làm lạnh, năng lượng mới và năng lượng tái tạo...

PV: Xin cảm ơn ông!

ESCO là gì:

- Là công ty dịch vụ năng lượng, hoạt động theo nguyên tắc chia sẻ lợi ích giữa ESCO và khách hàng sau khi thu được hiệu quả

- Doanh nghiệp thụ hưởng có thể không bỏ ra bất cứ chi phí nào khi tham gia dự án và chỉ phải thanh toán lại nếu thu được hiệu quả sau khi đầu tư như cam kết của ESCO.

- ESCO có trách nhiệm khảo sát, tư vấn, xác định khoản tiết kiệm và thời gian hoàn vốn; đầu tư lắp đặt và bàn giao thiết bị cho khách hàng để đảm bảo mang lại hiệu quả TKNL.

Mô hình ESCO tại Công ty CP Xuất nhập khẩu Thủy sản Cần Thơ (Caseamex):

- EVNSPC và SolarBK (liên doanh ESCO) đầu tư 100% chi phí lắp đặt hệ thống nước nóng NLMT.

- Hàng tháng, Caseamex chia sẻ 30% chi phí tiết kiệm điện cho liên doanh ESCO.

- Quy mô cung cấp 23.000 lít nước nóng/ngày.

- Vận hành chính thức: Tháng 12/2015.

- Hiệu quả tính đến tháng 3/2016: Tiết kiệm được khoảng 21.000 - 22.000 kWh/tháng, tương đương 30-40 triệu đồng/tháng.

- Thời gian hợp đồng: 4 năm (sau 4 năm, Caseamex được quyền sở hữu toàn bộ hệ thống nước nóng NLMT).

- Dự kiến thời gian thu hồi vốn: 4 năm.

 


  • 17/06/2016 08:49
  • Theo Chuyên đề Thế giới điện
  • 8936