Doanh nghiệp đã có chuyển biến mạnh mẽ trong việc sử dụng năng lượng

Đó là nhận xét của ông Trịnh Quốc Vũ – Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ & tiết kiệm năng lượng (TKNL), Tổng cục Năng lượng – Bộ Công Thương khi trao đổi với tietkiemnangluong.vn.

Ông Trịnh Quốc Vũ - Vụ trưởng Vụ KHCN&TKNL, Tổng cục Năng lượng, Bộ Công Thương - Ảnh: Ng.Tuấn.

PV: Thưa ông, sau 5 năm triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm & hiệu quả giai đoạn 2011-2015 đã thu được những kết quả gì?

Ông Trịnh Quốc Vũ: Sau 5 năm triển khai chương trình đã thu được nhiều kết quả tích cực. 585 dự án, nhiệm vụ đã được triển khai trong khuôn khổ chương trình; Chương trình nhãn năng lượng đã triển khai thành công, hơn 10 ngàn mẫu sản phẩm thuộc 15 nhóm sản phẩm mục tiêu đã được dán nhãn năng lượng, tạo được thói quen tiêu dùng, mua sắm các sản phẩm hiệu suất cao, tiết kiệm năng lượng.

Các chương trình truyền thông cộng đồng về tiết kiệm năng lượng đã được triển khai, truyền tải bằng nhiều hình thức đa dạng trên tất cả các loại hình báo chí, tới mọi tỉnh, thành của cả nước. Thông qua các chương trình truyền thông, tuyên truyền về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, chương trình đã tác động tới người dân, cộng đồng, tạo được thói quen thực hiện tiết kiệm năng lượng một cách tự nguyện nhất…

PV: Ông đánh giá thế nào về việc sử dụng năng lượng ở doanh nghiệp hiện nay?

Ông Trịnh Quốc Vũ: Theo thống kê chỉ riêng trong khuôn khổ Chương trình mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm & hiệu quả, Bộ Công Thương đã hỗ trợ kiểm toán cho hơn 700 doanh nghiệp. Từ việc hỗ trợ kiểm toán năng lượng này, Bộ Công Thương đã đưa ra các giải pháp tiết kiệm năng lượng cho doanh nghiệp, rất nhiều doanh nghiệp đã áp dụng triển khai các giải pháp tiết kiệm năng lượng mà Bộ đưa ra. Việc áp dụng các giải pháp này giúp doanh nghiệp giảm chi phí, tiêu thụ năng lượng, qua đó tăng khả năng cạnh tranh và phát triển bền vững hơn. Nhìn chung, hầu hết các doanh nghiệp đã quan tâm, đầu tư đến việc sử dụng năng lượng sao cho tiết kiệm, hiệu quả nhất.

PV: Nói như vậy có nghĩa là các doanh nghiệp không gặp phải những khó khăn, rào cản trong việc tiết kiệm năng lượng trong sản xuất?

Ông Trịnh Quốc Vũ: Trên thực tế thì không phải vậy, tôi muốn nhấn mạnh ở đây là doanh nghiệp hiện đã có những chuyển biến mạnh mẽ trong việc sử dụng năng lượng tại doanh nghiệp mình chứ không phải không có những rào cản và khó khăn.

Có thể nói rào cản lớn nhất của các doanh nghiệp hiện nay để thúc đẩy các hoạt động tiết kiệm năng lượng đó là rào cản về tài chính và rào cản về mặt nhận thức.

Nhiều doanh nghiệp không có khả năng thu xếp tài chính và tiếp cận tài chính trong việc đầu tư vào các giải pháp tiết kiệm năng lượng, cũng như việc thay thế dây chuyền công nghệ lạc hậu bằng dây chuyền công nghệ hiệu suất cao. Do việc đầu tư vào các giải pháp tiết kiệm năng lượng luôn là bài toán đặc thù của các doanh nghiệp, nhiều  tổ chức tài chính và ngân hàng còn do dự khi cho vay đầu tư.

Về mặt nhận thức, không ít doanh nghiệp còn thực hiện theo kiểu đối phó với các yêu cầu theo quy định của Luật, Nghị định, Thông tư và các Quyết định đã ban hành. Nhiều doanh nghiệp vẫn còn hồ nghi về kết quả kiểm toán cũng như các giải pháp tiết kiệm năng lượng. Trong giai đoạn tới, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục thúc đẩy các hoạt động tiết kiệm năng lượng về chiều sâu và dỡ bỏ dần những rào cản về nhận thức để thực hiện các giải pháp tiết kiệm năng lượng phát huy hiệu quả.

PV: Những giải pháp mà Bộ Công Thương sẽ thực hiện trong thời gian tới là gì, thưa ông?

Ông Trịnh Quốc Vũ: Hiện Bộ Công Thương đã triển khai các dự án nhằm cung cấp các công cụ tài chính cho các doanh nghiệp thực hiện tiết kiệm năng lượng. Có thể kể đến như Dự án chuyển hóa carbon thấp trong lĩnh vực tiết kiệm năng lượng do Chính phủ Đan Mạch tài trợ.

Dự án này nhằm mục tiêu hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ và được thí điểm trong 3 ngành cụ thể là gạch, gốm và chế biến thực phẩm. Dự án chuyển hóa carbon thấp đã tạo ra được một Quỹ hỗ trợ 1 khoản tiền là 6 triệu USD, trong đó Quỹ này sẽ dùng 1 phần tiền để bảo lãnh vốn vay 50% cho các doanh nghiệp, nếu các doanh nghiệp đề xuất các dự án đầu tư tiết kiệm năng lượng mà được thẩm định và có hiệu quả thì dự án sẽ bảo lãnh vốn vay 50% như vậy cũng đã giảm được áp lực với các ngân hàng ngoại thương khi cho vay, cũng như giảm rủi ro cho ngân hàng.

Các doanh nghiệp vừa và nhỏ khi đầu tư vào những dự án tiết kiệm năng lượng còn được trả thưởng từ phía Bộ Công Thương nếu dự án đó đạt được thẩm định kết quả của các chuyên gia năng lượng. Mức trả thưởng tối đa là 30% của tổng vốn vay. Bộ Công Thương hy vọng thời gian tới sẽ thu hút được thêm những nguồn lực khác từ các nhà tài trợ khác và ngân sách nhà nước để mở rộng ngành nghề thúc đẩy các hoạt động tiết kiệm năng lượng trong khối doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Đối với các doanh nghiệp lớn tiêu thụ năng lượng trọng điểm, Bộ Công Thương đang phối hợp với Ngân hàng Thế giới xây dựng một cơ chế tài chính cho vay với quy mô 200 triệu USD, cơ chế này dự kiến được triển khai vào cuối quý 1/2016. Chúng tôi mong muốn thông qua dự án này chúng tôi sẽ tạo ra được cơ chế tài chính đủ mạnh để thúc đẩy các hoạt động tiết kiệm năng lượng đi vào chiều sâu.


  • 14/12/2015 11:17
  • Ngọc Tuấn (thực hiện)
  • 2794


Gửi nhận xét