15 quốc gia dẫn đầu thế giới về năng lượng mặt trời năm 2022

Tập đoàn dầu khí đa quốc gia Anh BP đã công bố báo cáo BP Statistical Review of World Energy (Đánh giá thống kê năng lượng thế giới) trong đó có danh sách 15 quốc gia dẫn đầu về công suất năng lượng mặt trời 2022.

Theo Cơ quan Năng lượng tái tạo Quốc tế (IRENA), thế giới sẽ đạt được các mục tiêu chuyển đổi năng lượng nếu mỗi năm có 700 tỷ USD được ưu tiên cho mục tiêu này. Quang điện mặt trời được coi là công nghệ số một được triển khai trên toàn cầu để sản xuất năng lượng, tăng công suất lắp đặt lên 75% cho đến năm 2027, tức bổ sung thêm 2.400 GW trong giai đoạn nói trên.

Báo cáo của IEA cũng cho biết, việc mở rộng năng lượng tái tạo chiếm 90% lượng bổ sung theo kế hoạch, riêng năng lượng mặt trời chiếm hơn 60% tổng lượng mở rộng công suất dự báo cho số lượng bổ sung hàng năm đến năm 2027. Công suất PV tích lũy tăng gần gấp ba lần trong dự báo của IEA, tăng 1.500 GW và vượt khí đốt tự nhiên vào năm 2026 và than đá vào năm 2027.

Ngoài ra, chi phí giảm, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia và tăng cường khả năng phục hồi khí hậu cũng là mục tiêu và động lực thúc đẩy năng lượng sạch phát triển. Theo dự báo của Cơ quan Năng lượng tái tạo Quốc tế (IRENA), thế giới sẽ cần 5,2 TW công suất  điện mặt trời vào năm 2030 và 14 TW vào giữa thế kỷ này để đảm bảo mức tăng nhiệt độ trung bình toàn cầu trong thế kỷ này trong giới hạn 1,5 độ C.

Đánh giá thành tích sản xuất năng lượng tái tạo, đặc biệt là phân khúc năng lượng mặt trời năm 2022, BP đã công bố danh sách 15 quốc gia dẫn đầu thế giới về công suất năng lượng mặt trời năm 2022:

1) Trung Quốc – 306,4 GW

2) Hoa Kỳ – 93,71 GW

3) Nhật Bản – 74,19 GW

4) Đức – 58,6 GW

5) Ấn Độ – 49,34 GW

6) Ý – 22,69 GW

7) Úc – 19,07 GW

8) Hàn Quốc – 18,16 GW

9) Việt Nam – 16,66 GW

10) Pháp – 14,71 GW

11) Hà Lan – 14,25 GW

12) Vương quốc Anh – 13,69 GW

13) Tây Ban Nha – 13,65 GW

14) Brazil – 13,05 GW

15) Ukraina – 8,06 GW

Năm 2022, Trung Quốc dẫn đầu top 15 quốc gia về năng lượng mặt trời theo bình chọn của BP. Nguồn:Reuters

 

Theo Báo cáo Triển vọng chuyển đổi năng lượng thế giới của IRENA, thế giới cần phải lắp đặt 450GW công suất năng lượng mặt trời mới mỗi năm, hầu hết là ở quy mô tiện ích trong những năm còn lại của thập kỷ này. Trung Quốc và Ấn Độ dẫn đầu châu Á chiếm khoảng một nửa công suất PV được lắp đặt trên thế giới vào năm 2030. Ở những nơi khác, Bắc Mỹ sẽ cần lắp đặt 90 GW năng lượng mặt trời mỗi năm để chiếm 14% thị phần các tấm quang điện hoạt động của thế giới vào cuối thập kỷ này và 19% thị phần của Châu Âu sẽ cần 55 GW bổ sung công suất năng lượng mặt trời hàng năm.

IRENA nhấn mạnh thêm, thế giới cần phải đầu tư 5,7 nghìn tỷ USD mỗi năm cho quá trình chuyển đổi năng lượng cho những năm còn lại của thập kỷ này để đạt được các mục tiêu nói trên. Điều này sẽ khả thi nếu 700 tỷ USD mỗi năm được dùng cho nhiên liệu hóa thạch phải chuyển ngay lập tức sang cho quá trình chuyển đổi năng lượng sạch mà thế giới hiện đang theo đuổi. Riêng đầu tư công trong quá trình chuyển đổi phải tăng gấp đôi càng nhanh càng tốt để thu hút số tiền còn lại cần thiết từ khu vực tư nhân, vì phân khúc này đang cần vốn.  

“Ngoài các vấn đề ở trên, còn rất nhiều việc phải làm để sớm đạt mục tiêu Net Zero như đã đề ra, trong đó có vai trò của các nhà hoạch định chính sách, tính linh hoạt kết nối lưới điện quốc tế; đào tạo; pin quy mô tiện ích; quản lý nhu cầu điện năng; công cụ kỹ thuật số; sở hữu cộng đồng đối với năng lượng tái tạo; biểu giá năng lượng theo thời gian sử dụng; và hệ thống thanh toán ròng… cũng cần được thực hành đồng bộ”, Francesco La Camera, Tổng giám đốc của IRENA bổ sung thêm.


  • 22/12/2022 05:35
  • Khắc Nam (Theo PMAC-12/2022)
  • 7116