Xoay quanh việc chủ động nhập khẩu than cho sản xuất điện

PV Tạp chí Điện lực đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Khắc Sơn - Tổng giám đốc Tổng công ty Phát điện 1 (EVNGENCO 1) - đơn vị đầu tiên của EVN được phép nhập khẩu than.

PV: Nhiệt điện Duyên Hải 3 là nhà máy đầu tiên thuộc EVNGENCO 1 được chủ động nhập khẩu than. Ông có thể cho biết rõ hơn lý do?

Ông Nguyễn Khắc Sơn: Trước yêu cầu cấp bách, đảm bảo đủ nhiên liệu cho Nhà máy Nhiệt điện Duyên Hải 3, kịp thời bổ sung nguồn điện cho các tỉnh, thành phía Nam, Thủ tướng Chính phủ đã cho phép EVN được chủ động nhập khẩu than.

Công nghệ, thiết bị của Nhiệt điện Duyên Hải 3 phù hợp với than của Indonesia và Australia. Tuy nhiên, Indonesia có lợi thế hơn vì gần Việt Nam, chi phí vận chuyển thấp và có khả năng cung cấp than với khối lượng lớn. Là chủ đầu tư Nhà máy, EVNGENCO 1 đã chủ động nhập than từ Indonesia phục vụ cho quá trình chạy thử nghiệm và vận hành thương mại. Hiện nay, EVNGENCO 1 đã nhập khoảng 2,350 triệu tấn than và thời gian tới sẽ nhập khẩu thêm khoảng 1 triệu tấn than.

Như vậy, Nhiệt điện Duyên Hải 3 là nhà máy đầu tiên thuộc EVNGENCO 1 được chủ động nhập khẩu than với khối lượng lớn. 

PV: Là đơn vị đầu tiên của EVN trực tiếp được nhập khẩu than, vậy trong quá trình đàm phán, EVNGENCO 1 gặp khó khăn gì? 

Ông Nguyễn Khắc Sơn: Hiện nay, Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam (TKV) và Tổng công ty Đông Bắc là hai đầu mối được Chính phủ cho phép khai thác và nhập khẩu than cung cấp cho các nhà máy điện. Vì vậy, trình tự, thủ tục, cơ sở pháp lý cho việc nhập khẩu than chưa có quy định riêng áp dụng cho các đơn vị khác.

Bên cạnh đó, EVNGENCO 1 lại chưa có kinh nghiệm và hiểu biết sâu về thị trường than thế giới cũng như các thông lệ quốc tế trong lĩnh vực giao thương. Khi tiến hành đàm phán mua than của Indonesia, các quy định của Indonesia và Việt Nam cũng có nhiều khác biệt, nên EVNGENCO 1 gặp rất nhiều khó khăn. Quá trình đấu thầu, đàm phán được tiến hành qua nhiều khâu và đều báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Ngoài ra, Cảng than Duyên Hải đang trong quá trình nạo vét. Vì vậy, việc sử dụng tàu có tải trọng lớn hay nhỏ còn phụ thuộc vào tiến độ nạo vét. Đây cũng là khó khăn đặt ra cho cả các đơn vị mời thầu và tham dự thầu. 

Đảm bảo cấp đủ than cho các nhà máy điện được đặt ra cấp bách

PV: EVNGENCO 1 đã giải quyết những khó khăn trên như thế nào?

Ông Nguyễn Khắc Sơn: Trên cơ sở kế hoạch chạy thử nghiệm, vận hành thương mại và các thông số kỹ thuật của Nhà máy, EVNGENCO 1 xác định nguồn than và số lượng than cần nhập khẩu. Đồng thời, trên cơ sở phân tích biến động của thị trường than thế giới, hồ sơ mời thầu và các vấn đề liên quan khác, Tổng công ty sẽ  xác định chi phí cần thiết để tiến hành các thủ tục nhập khẩu than. 

Theo đó, các trình tự, thủ tục nhập khẩu than cho Nhà máy Nhiệt điện Duyên Hải 3 được thực hiện theo hình thức đấu thầu quốc tế. Trong suốt quá trình đàm phán, đấu thầu, EVNGENCO 1 thường xuyên báo cáo Tập đoàn, xin ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, kịp thời giải quyết khó khăn, vướng mắc đảm bảo nhập đủ than chạy thử nghiệm và vận hành thương mại. 

Điều quan trọng là phải lựa chọn được nhà cung cấp than phù hợp, giá cả ổn định, đảm bảo an ninh cũng như các vấn đề khác có thể xảy ra trong quá trình cung cấp than. Nói một cách cách ngắn gọn, là phải chọn nhà thầu đủ năng lực nhập khẩu than.

PV: Nếu thời gian tới, EVN được hoàn toàn chủ động nhập khẩu than, theo ông, cần bổ sung những quy định gì về mặt pháp lý?

Ông Nguyễn Khắc Sơn: Việc EVN được chủ động nhập khẩu than là cần thiết, nhưng quan trọng là cách làm như thế nào. Nếu tất cả đơn vị, nhà máy, tổng công ty thuộc EVN trực tiếp nhập khẩu than thì sẽ lãng phí nguồn nhân lực và gây xáo trộn thị trường. Vì vậy, phải thành lập một đơn vị chịu trách nhiệm nhập khẩu than và cung cấp cho các nhà máy điện của EVN. Khi đó, việc mua than nhập khẩu của EVN sẽ đơn giản và chủ động hơn. 

Tuy nhiên, theo quy định, việc nhập khẩu than hiện nay chủ yếu giao cho ngành Than. Vì vậy, nếu EVN được phép chủ động nhập khẩu than thì các quy định, cơ sở pháp lý của Nhà nước cũng cần phải bổ sung, điều chỉnh kịp thời, phù hợp với thông lệ quốc tế.

PV: Xin cảm ơn ông! 


  • 10/05/2017 09:18
  • Theo TCĐL Chuyên đề Quản lý và Hội nhập
  • 16867