Niềm vui có điện của người dân Pắc Danh, Nà Coóc

Sau gần 50 năm sống trong cảnh đèn dầu, đầu năm 2017, người dân hai thôn Pắc Danh, Nà Coóc (xã Thanh Tương, huyện Na Hang, Tuyên Quang) đã được sử dụng nguồn điện quốc gia.

Ước mơ bấy lâu của bà con nơi đây đã thành hiện thực. Có điện cũng đồng nghĩa với việc đồng bào có thêm con đường để phát triển, mở ra nhiều hy vọng về một cuộc sống mới, thoát khỏi cái đói, cái nghèo đã từng đeo bám nhiều thế hệ người dân nơi đây. 

Đến với đồng bào hai thôn trong những ngày này, những niềm vui có thể cảm nhận được từ thành quả của mạng lưới đường bê tông trải dài từ những thửa ruộng đồng xanh mướt. Vui hơn nữa là từ những trụ điện thẳng tắp, những đường điện giăng tỏa khắp núi đồi đã và đang mang ánh sáng văn minh đến từng mái nhà, mang đến cuộc sống tươi sáng hơn cho đồng bào sau bao năm không có điện. 

Sống đã đến cái tuổi "gần đất xa trời" nhưng chỉ cách đây hơn một tháng, bà Bàn Thị Nải, thôn Pắc Danh, xã Thanh Tương mới được xem ti vi... Dù tai đã không còn nghe rõ nhưng ngày nào bà Bàn Thị Nải cũng bật ti vi để xem các chương trình. Các con bà bảo từ ngày có ti vi, nó như "người bạn già" giúp bà có thêm niềm vui trong cuộc sống. 

Bà Nải tâm sự: "Thôn được thành lập từ năm 1968, từ đó đến nay việc thắp sáng của mọi gia đình chủ yếu là dùng đèn dầu, cuộc sống gặp nhiều khó khăn, không có điều kiện mà xem ti vi nên cũng chẳng biết bên ngoài như thế nào. Bây giờ được Nhà nước kéo điện về tận nhà ai cũng vui vẻ, phấn khởi". 

Từ khi có điện, cùng với niềm vui của những người già như bà Nải, gần 150 hộ dân ở thôn Pắc Danh, Nà Coóc, xã Thanh Tương cũng như được thổi thêm sức sống mới, nhiều hộ gia đình đã mua ti vi, nồi cơm điện, tủ lạnh, máy giặt… để phục vụ cuộc sống, nhiều kế hoạch phát triển kinh tế được vạch ra. Giờ đây, người dân đã được tiếp cận với thông tin, với khoa học kỹ thuật, để học hỏi áp dụng những cách làm hay, qua đó thay đổi cuộc sống của gia đình. 

Cách đây gần hai tháng, anh Long Văn Mạnh, thôn Pắc Danh đã mạnh dạn đầu tư hơn 30 triệu mua chiếc máy xay xát để phục vụ nhu cầu của gia đình và người dân trong thôn. Anh Mạnh chia sẻ: Trước đây chưa có điện phải sử dụng máy xay xát bằng dầu, chi phí cao trong khi làm rất vất vả. Đi lên huyện thấy nhiều máy móc cũng muốn mua về nhưng khổ nỗi không có điện nên không dùng được. Vì vậy ngay khi thôn được kéo điện về anh đã đầu tư lắp máy chạy bằng điện. Việc vận hành lại đơn giản hơn nhiều, trong khi chi phí cho mỗi lần xát lúa rẻ hơn trước nên mọi người đến xay xát rất đông. 

Anh Mạc Hùng Việt, thôn Nà Coóc cho biết, sau bao năm sống dưới ánh đèn dầu, rồi có điều kiện chuyển sang dùng điện nước mini nhưng cũng chỉ sử dụng được vài giờ thắp sáng. Nay có điện lưới Quốc gia, cuộc sống thực sự như sang một trang mới. Những chiếc tủ lạnh, nồi cơm điện là cái mốc đầu tiên đánh dấu sự phát triển mới của gia đình. Có điện, việc học tập của trẻ em ở hai thôn Bắc Danh, Nà Coóc cũng bớt phần khó khăn. Sắp tới, cùng với phòng học mới được xây, điện sẽ được kéo về về thắp sáng lớp học. Các em học sinh không còn lo cảnh phải học trong điều kiện thiếu ánh sáng nữa. 

Điện, đường, trường, trạm là 4 yếu tố được tập trung đầu tư để phát triển hạ tầng nông thôn. Trong đó điện được xem là yếu tố đầu tiên quan trọng nhất, bởi có điện, mới có thể tiếp nhận được nhiều nguồn thông tin, mở mang tri thức... Hiểu được điều đó nên ngay khi có điện lưới Quốc gia, gia đình ông Nông Văn Sông, Trưởng thôn Nà Coóc đã sắm ngay một chiếc ti vi và hàng ngày ông đều dành thời gian để xem các chương trình thời sự, cập nhật, nắm bắt tin tức, kiến thức mới để tuyên truyền cho bà con trong thôn về những đường lối, chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Ông cũng không phải đi từng nhà để thông báo mỗi khi thôn có công việc cần phổ biến. 


  • 21/04/2017 08:54
  • Theo TTXVN
  • 8331