Ứng dụng khoa học, công nghệ giúp EVN thành công

Với ngành Điện lực, để phát triển mạnh mẽ, phục vụ đắc lực cho mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước thì ứng dụng khoa học và công nghệ (KH&CN) phải đi trước một bước. Năm 2017, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã tiên phong ứng dụng KH&CN trong quản lý, điều hành và mang lại những kết quả thiết thực. Phóng viên Báo Quân đội nhân dân có cuộc trao đổi với ông Ngô Sơn Hải, Phó tổng giám đốc EVN về nội dung này.

Ông Ngô Sơn Hải

Phóng viên (PV): Năm 2017, EVN đã rất thành công trong đẩy mạnh ứng dụng KH&CN vào quản lý, vận hành hệ thống điện. Thưa ông, hiệu quả của việc làm này như thế nào?

Ông Ngô Sơn Hải: Năm 2017, EVN đã chọn ra một số nội dung ưu tiên để tăng cường ứng dụng KH&CN, làm tiền đề cho sự tiếp nối trong các năm sau. Vì vậy, EVN quyết định chọn nội dung chủ đề của năm 2017 là “Đẩy mạnh KH&CN”.

Trước hết, hạ tầng công nghệ thông tin của EVN đã được tăng cường bảo đảm an ninh, an toàn thông tin. Cùng với đó, các ứng dụng công nghệ trong sản xuất và đầu tư cũng được đẩy mạnh. EVN đã hoàn thiện và triển khai áp dụng nhân rộng hệ thống quản lý kỹ thuật và vận hành nhà máy điện, lưới điện tại tất cả đơn vị, áp dụng phần mềm quản lý dự án đầu tư xây dựng. Các đơn vị đã tăng cường trang thiết bị hiện đại cho vận hành, sửa chữa và thí nghiệm lưới điện; triển khai các trạm biến áp (TBA) không người trực vận hành, ứng dụng công nghệ sửa chữa không cắt điện (live-line hay hotline). Những hoạt động này giúp giảm thời gian mất điện do bảo dưỡng, sửa chữa lưới điện. 

EVN cũng hoàn thành nâng cấp hệ thống thông tin quản lý khách hàng dùng điện; hoàn thiện các hệ thống ứng dụng phục vụ hoạt động chăm sóc khách hàng của trung tâm chăm sóc khách hàng ở tất cả các tổng công ty điện lực, quyết toán giao nhận điện năng hằng tháng trên kho dữ liệu đo đếm điện năng, thu thập dữ liệu đo đếm từ xa cho 100% TBA công cộng và chuyên dùng.

PV: Ông có thể cho biết tiến độ triển khai mô hình TBA không người trực và những lợi ích mang lại cho ngành điện lực?

Ông Ngô Sơn Hải: Năm 2017, EVN đưa vào vận hành 104 TBA 110 kV không người trực vận hành trong tổng số 616 trạm (chiếm 16,9%); 264 TBA 110 kV khác (chiếm 42,9%) đã chuyển sang chế độ điều khiển toàn bộ các thao tác trong trạm từ xa, từng bước rút dần người trực để trở thành trạm không người trực vận hành; 18 TBA trong tổng số 108 trạm 220 kV (chiếm 16,7%) cũng đã được điều khiển từ xa.

Như vậy, mục tiêu đến năm 2020, 100% số trạm 110 kV, 60% số trạm 220 kV được điều khiển từ xa và không có người trực vận hành sẽ chắc chắn đạt được. Việc chuyển các TBA sang không người trực vận hành làm tăng đáng kể năng suất lao động của các đơn vị trực thuộc EVN, chuyển đổi phương thức vận hành lưới điện linh hoạt hơn trong chế độ vận hành bình thường và khi có sự cố, việc khôi phục sẽ nhanh chóng hơn, góp phần nâng cao độ ổn định và tin cậy cho khách hàng.

PV: Lưới điện thông minh được xem là giải pháp quan trọng nhằm giảm tổn thất điện năng. Đề nghị ông cho biết các dự án về lưới điện thông minh của Tập đoàn đã triển khai đến đâu?

Ông Ngô Sơn Hải: EVN đang tích cực triển khai Đề án tổng thể phát triển lưới điện thông minh theo quyết định của Bộ Công Thương. Trong đó, Đề án Nghiên cứu phát triển hệ thống giám sát, lưu trữ và điều khiển (gọi tắt là SCADA) trong hệ thống điện Việt Nam đã được thực hiện và mang lại hiệu quả trong công tác điều độ hệ thống điện, tạo ra các lợi ích: Vận hành hệ thống điện theo thời gian thực để tăng cường độ an toàn, tin cậy, ổn định, đồng thời góp phần điều hành hệ thống điện một cách tối ưu và hiệu quả. Tự động hóa việc điều chỉnh điện áp, tần số của hệ thống điện bảo đảm chất lượng điện năng. Giảm lượng điện năng không cung cấp được cho khách hàng tạo thêm doanh thu cho EVN. Giảm truyền tải xa và tối ưu tổn thất lưới điện truyền tải. Ngoài các lợi ích về công tác vận hành hệ thống điện, hệ thống SCADA góp phần rất hữu hiệu cho công tác vận hành thị trường điện cạnh tranh hiện nay,...

Đề án tổng thể phát triển lưới điện thông minh đang được EVN thực hiện có hiệu quả, đạt được các mục tiêu và đáp ứng đúng lộ trình phát triển lưới điện thông minh tại Việt Nam theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!


  • 29/01/2018 03:14
  • Theo Báo điện tử Quân đội nhân dân
  • 12738