Vẫn cần phát triển nhiệt điện than

Đến năm 2030, dự kiến khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) sẽ có khoảng 16 nhà máy nhiệt điện than (NMNĐT) trên tổng số 57 NMNĐ của cả nước. Theo các chuyên gia, việc phát triển NMNĐT là hết sức cần thiết, đảm bảo đủ nguồn điện phục vụ phát triển kinh tế - xã hội khu vực phía Nam.

Chưa cân đối được nhu cầu điện nội miền

Tại khu vực ĐBSCL hiện có 3 cụm nhiệt điện là: Duyên Hải, Long Phú và Sông Hậu. Trong đó, chỉ có nhà máy Duyên Hải I và III (tổng công suất lắp đặt là 2.490 MW) đã được đưa vào vận hành.

Dự kiến, đến năm 2020 các nhà máy nhiệt điện Long Phú 1,2; Sông Hậu 1,2; Duyên Hải III mở rộng sẽ chính thức phát điện. Từ năm 2020 – 2030, sẽ có thêm 9 nhà máy nhiệt điện được đưa vào sử dụng, nâng tổng công suất nguồn nhiệt điện than khu vực Miền Nam lên 18.225 MW.

Lý giải về sự cần thiết phải phát triển các NMNĐ ở khu vực này, ông Trần Viết Ngãi - Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam cho biết, phụ tải điện ở khu vực ĐBSCL nói riêng, khu vực Nam bộ nói chung đang phát triển rất mạnh. Trong khi đó, miền Nam vẫn chưa thể cân đối được nhu cầu điện nội miền. Thời gian qua, để bù đắp sản lượng điện tại chỗ thiếu hụt, EVN phải thực hiện truyền tải điện công suất cao qua các đường dây 500 kV từ miền Bắc và miền Trung vào miền Nam.

Theo dự báo, thời gian tới, nhu cầu phụ tải điện ở phía Nam sẽ tiếp tục tăng cao, nhất là khi có nhiều doanh nghiệp nước ngoài đầu tư. Theo tính toán cân đối cung - cầu điện toàn quốc, trong giai đoạn 2017 – 2020, miền Nam sẽ không thể tự cân đối cung - cầu nội miền, cần hỗ trợ từ Miền bắc và Miền Trung khoảng 4000 MW, tương đương khoảng 25% tổng nhu cầu. 

“Trong khi năng lượng tái tạo chưa phát triển, thủy điện qui mô lớn đã khai thác hết, năng lượng hạt nhân đã tạm dừng… việc phát triển nhiệt điện than là yêu cầu bắt buộc, đảm bảo có đủ điện phục vụ phát triển kinh tế, xã hội của ĐBSCL cũng như toàn khu vực Nam bộ”, ông Trần Viết Ngãi cho biết.

Việc phát triển các NMNĐ than tại chỗ cũng góp phần giảm tổn thất điện năng trên lưới điện truyền tải. Nguyên tắc tối ưu trong hệ thống điện là nguồn điện ở đâu, phụ tải ở đó. Vì vậy, trước mắt vẫn phải xây dựng các NMNĐ ở miền Nam.

Tại Hội thảo “Sử dụng tro, xỉ, thạch cao của các NMNĐ làm nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng tại khu vực ĐBSCL” được tổ chức vào tháng 10/2017, Thứ trưởng Bộ Công Thương - Hoàng Quốc Vượng cũng khẳng định: “Để đảm bảo an ninh năng lượng, đáp ứng nhu cầu điện ổn định phục vụ sản xuất và tiêu dùng với chi phí hợp lý, việc phát triển nhiệt điện than là cần thiết và phải được quan tâm đúng mức”. 

Phải giải quyết được vấn đề môi trường

Một trong những vấn đề được đặc biệt quan tâm khi phát triển các NMNĐT, đó là vấn đề môi trường, cụ thể là xử lý tro, xỉ. Hiện nay, ở khu vực ĐBSCL, hàng năm các NMNĐT đang hoạt động thải ra khoảng 1,8 triệu tấn tro, xỉ; dự kiến đến năm 2030, khi tổng công suất phát điện đạt 18.225 MW, lượng tro xỉ thải ra là khoảng 13,67 triệu tấn/năm. Đây cũng chính là vấn đề cần sớm nghiên cứu giải quyết dứt điểm.

Trên thế giới hiện nay, tro xỉ thải ra từ các NMNĐ được sử dụng rất rộng rãi làm vật liệu xây dựng, san lấp, lót nền đường. Một số quốc gia lớn trong khu vực như, Nhật Bản, Hàn Quốc… có những bãi xỉ lớn, nhưng gần như không có xỉ, vì lượng tro xỉ thải ra bao nhiêu được tiêu thụ hết ngay đến đó.

Ở Việt Nam, tro xỉ của NMNĐT cũng đã được sử dụng làm phụ gia bê tông; làm phụ gia xi măng; làm vật liệu gia cố nền; san lấp; làm gạch không nung, gạch bê tông nhẹ, gạch bê tông đặc… Đặc biệt, ngày 12/4/2017, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 452/QĐ-TTg phê duyệt “Đề án đẩy mạnh xử lý, sử dụng tro, xỉ, thạch cao của các nhà máy nhiệt điện, hóa chất, phân bón, làm nguyên liệu  sản xuất VLXD và sử dụng trong các công trình xây dựng”. 

Theo các chuyên gia, ở khu vực ĐBSCL, nếu sử dụng tro xỉ của các NMNĐT làm nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng, đặc biệt là san lấp, gia cố nền đường trong các dự án giao thông, sẽ mang lại hiệu quả kinh tế cao. Bởi trên thực tế, các công trình giao thông, nhất là các công trình đường bộ tại ĐBSCL đang phải nhập cát từ Campuchia với giá rất cao.

Thêm vào đó, rất nhiều khu vực làm đường bộ, có cấu tạo địa chất rất yếu, nhất là các tuyến đi qua khu vực đồng bằng bị ngập nước, các khu vực hồ ao... Chi phí để xử lý, gia cố nền đất cũng rất tốn kém. Nhu cầu về vật liệu thay thế cho cho vật liệu tự nhiên (khi đắp nền) hoặc thay thế một phần chất liên kết vô cơ (khi gia cố nền đường) là vô cùng cần thiết đối với lĩnh vực đường bộ. Đây chính là thị trường có tiềm năng lớn về tiêu thụ tro, xỉ NMNĐT.

Theo ông Bùi Phạm Khánh - Thứ trưởng Bộ Xây dựng: Hiện nay, chúng ta đang dùng cát từ các lòng sông để san lấp nền đường của ĐBSCL. Điều này gây lãng phí lớn. Chúng tôi đang rất kì vọng, Đề tài “Ứng dụng tro xỉ trong xây dựng công trình nền mặt đường ô tô” của Trường Đại học Xây dựng sẽ sớm được ứng vào trong thực tế, mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần bảo vệ môi trường”. 

Các NMNĐT Việt Nam cũng đang ứng dụng rộng rãi công nghệ khử các chất độc hại, gây ảnh hưởng xấu đến môi trường như khí NOX, SOX. Đặc biệt, các NMNĐ còn thực hiện quan trắc và giám sát online 24/24 giờ về mức độ ô nhiễm không khí. Các cơ quan nhà nước, chính quyền và nhân dân quanh khu vực nhà máy có thể giám sát, theo dõi, kiểm tra kết quả trực tiếp... 

Với các NMNĐT sẽ được xây dựng trong những tới, theo ông Trần Viết Ngãi, cần sử dụng công nghệ tiên tiến trên thế giới như, công nghệ trên siêu tới hạn, với hệ thống lò hơi khử được các chất độc làm ảnh hưởng đến môi trường; đồng thời đạt hiệu quả đốt than cao, giảm lượng tro, xỉ thải ra.

Với sự vào cuộc đồng bộ của Nhà nước, các bộ, ngành, địa phương và cả chính các doanh nghiệp, các NMNĐ đang thực hiện nhiều giải pháp gắn sản xuất với bảo vệ môi trường và phát triển bền vững, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng và tạo niềm tin trong cộng đồng. 


  • 10/01/2018 03:13
  • Theo TCĐL chuyên đề Quản lý & Hội nhập
  • 14337