Phụ nữ EVN thời 4.0: Chủ động thích nghi, không ngừng sáng tạo

Thời đại công nghệ số đã mở ra nhiều cơ hội để nữ CBCNV toàn Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) học tập nâng cao tri thức; biết cách cân bằng giữa hạnh phúc gia đình và sự nghiệp, chăm sóc bản thân và sẵn sàng dành thời gian để sống với đam mê.

"Xông pha” trong thời đại mới

Trong sự phát triển của ngành Điện nói chung, EVN nói riêng không thể không kể đến sự đóng góp của những lao động nữ. Họ là những nữ cán bộ, công nhân viên, làm việc trong môi trường mà “thế mạnh không thuộc về phụ nữ”. Tuy nhiên, các chị đã luôn phấn đấu, nỗ lực hết mình để hoàn thành nhiệm vụ được giao, đồng thời không ngừng học hỏi, sáng tạo để đóng góp cho sự phát triển của đơn vị nói riêng, EVN nói chung.

Hiện nay, toàn Tập đoàn có 20.643 lao động nữ, chiếm tỷ lệ 20,6% tổng số lao động toàn ngành. Dù chiếm tỷ lệ không cao nhưng các chị được bố trí trong tất cả nhóm ngành nghề lao động của EVN, từ những việc khó khăn như đền bù giải phóng mặt bằng, thiết kế giám sát, thi công các công trình điện, quản lý dự án, các vị trí trong dây chuyền sản xuất vận hành, ca kíp vận hành, công tác kinh doanh, tài chính kế toán, tổ chức nhân sự, văn phòng... cao hơn nữa là các vị trí quản lý các cấp. Tuy vậy, dù ở vị trí nào, công việc nào, các chị cũng hoàn thành tốt, xuất sắc nhiệm vụ được giao. Lực lượng lao động nữ đa phần ở trong các lĩnh vực kinh doanh, tài chính kế toán, tổ chức nhân sự, truyền thông… đã phát huy đặc tính nữ, có nhiều đóng góp trong công tác sản xuất kinh doanh của Tập đoàn. Thực tế, nhiều vị trí công việc, người ta chỉ nghĩ có thể là nam giới, nhưng chị em vẫn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao như Trưởng ban Kỹ thuật hay Phó giám đốc Kỹ thuật. Trong lĩnh vực môi trường, nhiều chị đã có những sáng kiến để giảm thiểu “bụi thải xỉ”- Nhiệt điện Vĩnh Tân hay “Vườn nuôi chim tự nhiên”- Nhiệt điện Phả Lại... 

Đặc biệt, trong kỷ nguyên số và xu thế chuyển dịch năng lượng hiện nay, với sự tạo điều kiện của lãnh đạo Tập đoàn, lãnh đạo các đơn vị, những hiệu quả tích cực từ các hoạt động bình đẳng giới, phụ nữ EVN đã được tiếp xúc với các công nghệ mới, tăng cường khả năng quản lý, chủ động nâng cao các kỹ năng cần thiết trong công việc như kỹ năng làm việc nhóm, quản lý thời gian, giải quyết vấn đề, tư duy sáng tạo… Những lợi thế này đã giúp nhiều chị em vươn lên giữ những vị trí quản lý cấp cao, đóng góp nhiều thành tích vào công tác lãnh đạo chỉ đạo và hoạt động sản xuất kinh doanh của đơn vị và của EVN. 

Tính đến tháng 10/2023, cán bộ nữ làm công tác quản lý từ cấp phòng/ ban/ phân xưởng/ đội đơn vị cấp III trở lên là 1.685 người, chiếm 13,05% tổng số cán bộ lãnh đạo, quản lý; tăng 63 người so với cuối năm 2022. Hiện nay, Tập đoàn có 04 Tổng công ty đã có nữ cán bộ trong Ban lãnh đạo bao gồm: 01 Chủ tịch Hội đồng thành viên của EVNNPC, 02 Hội đồng thành viên của EVNHCMC và EVNGENCO3, 02 Phó Tổng giám đốc của EVNGENCO3 và EVNCPC.

Theo ông Võ Quang Lâm - Phó Tổng giám đốc, Trưởng ban Vì sự tiến bộ phụ nữ Tập đoàn Điện lực Việt Nam, EVN đã đưa ra mục tiêu tổng quát đến năm 2025 tiếp tục thu hẹp khoảng cách giới trong các lĩnh vực (tăng tỷ lệ nữ trong các nhóm ngành nghề, đặc biệt là nhóm ngành nghề quản lý); nâng cao năng lực của cả nam và nữ để đáp ứng được yêu cầu của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, tiến trình chuyển đổi số. Trong đó, EVN sẽ tập trung vào một số mục tiêu như tăng cường bình đẳng giới trong lãnh đạo quản lý, trong lĩnh vực lao động việc làm, thu nhập; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nữ; đảm bảo cân bằng cuộc sống và nâng cao đời sống vật chất tinh thần của CBCNV...

Cũng theo ông Võ Quang Lâm, mỗi chị em phụ nữ EVN cũng cần phải tự vượt lên chính mình, gạt bỏ sự tự ti so với nam giới và xóa bỏ tư tưởng tự bằng lòng với bản thân, phấn đấu vươn lên, không ngừng học tập nâng cao trình độ, tạo được sự tin tưởng của lãnh đạo khi giao việc, nếu không sẽ khó đáp ứng được xu thế thời đại. 

Lao động nữ chiếm tỷ lệ 20,6% trong tổng số lao động toàn Tập đoàn Điện lực Việt Nam

Học tập, sáng tạo và đổi mới tư duy 

Trong lực lượng lao động nữ toàn Tập đoàn hiện nay, nữ CBCNV làm việc đông đảo nhất trong lĩnh vực kinh doanh - dịch vụ khách hàng, văn thư lưu trữ. Đây cũng là những bộ phận phải tiếp cận với công nghệ thông tin thường xuyên, đòi hỏi các chị phải không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ. 

Chia sẻ về điều này, chị Nguyễn Thị Minh Châu làm công tác Văn thư tại Công ty Điện lực Quảng Trị cho biết: “Tôi làm việc trong EVN đã lâu năm. Thời gian đầu, việc tiếp cận công nghệ thông tin khiến tôi gặp trở ngại. Nhưng sự yêu thích công việc đã cho tôi thêm động lực để tiếp thu nhanh hơn những cái mới. Bây giờ, tôi thấy công việc trở nên hiệu quả và tiện ích hơn rất nhiều nhờ vào chuyển đổi số.”

Ở lĩnh vực công nghệ thông tin, dù chiếm tỷ lệ không lớn nhưng các chị em đã triển khai mạnh mẽ phần mềm ERP đến tất cả các đơn vị trong Tập đoàn.

Trước việc thay đổi từ cách làm truyền thống sang hệ thống vận hành và theo dõi hiện đại, nữ CBCNV EVN đã không ngại xông pha để học tập và đổi mới tư duy làm việc, đồng thời tiếp cận và chia sẻ, giúp đỡ nhau trong công việc, để chị em nào cũng hòa mình với chuyển đổi số, tạo sự thuận lợi và tăng năng suất lao động. Điển hình như tại cuộc thi Phụ nữ EVN sáng tạo được tổ chức hai năm một lần, mỗi lần tổ chức đã có hơn 100 giải pháp, sáng kiến của chị em được công nhận và áp dụng vào sản xuất, kinh doanh tại các đơn vị. Trong đó, đa phần các sáng kiến đề được thực hiện bởi nhóm các tác giả nữ, cho thấy sự sáng tạo, tinh thần đồng đội và sự phối hợp “ăn ý” của phụ nữ EVN tại nhiều đơn vị.

Đặc biệt, nhiều sáng kiến được xây dựng công phu trên nền tảng công nghệ cao, đòi hỏi tác giả phải dày công đầu tư trí tuệ và thời gian để hoàn thiện sản phẩm, góp phần hiện đại hóa công tác quản trị, vận hành hệ thống điện, tiết kiệm chi phí, nâng cao năng suất lao động. Có thể kể đến như: giải pháp "Xây dựng hệ thống gửi thông báo tập trung đến khách hàng" của các tác giả Phạm Ngọc Trà My, Lê Thị Phi Hoàng thuộc Tổng công ty Điện lực miền Trung; sáng kiến "Xây dựng chương trình phần mềm tính toán, hỗ trợ công tác cân đảo pha lưới điện 400V giảm tổn thất điện năng, chống quá tải máy biến áp phân phối" của các chị Nguyễn Thị Thu Minh, Nguyễn Thị Hiền Lương, Trịnh Thị Thu Hiền thuộc Tổng công ty Điện lực miền Bắc; phần mềm Quản lý đối tác quốc tế của các chị Bùi Trà Nhã Trúc, Lê Thị Luyến, Lê Trọng Thiên Hương, Lê Mai Phương, Nguyễn Bích Trâm thuộc Tổng công ty Điện lực TP Hồ Chí Minh,...

Chị Lê Thị Phi Hoàng (Tổng công ty Điện lực miền Trung) khẳng định: “Phụ nữ EVN dám đổi mới, dám đối mặt thách thức, luôn suy nghĩ tích cực, sáng tạo, có tinh thần cầu tiến, sẵn sàng học hỏi, dám đề xuất ý kiến, dám thử nghiệm, tận dụng tối đa mọi cơ hội để phát triển bản thân và vượt qua chính mình. Đó cũng là lý do tôi và những đồng nghiệp của mình đã trăn trở và xây dựng sáng kiến tham dự chương trình Phụ nữ EVN sáng tạo”.

Còn đối với chị Lê Thị Kim Chi, Trạm trưởng Trạm biến áp 220kV Phố Nối, Công ty Truyền tải điện 1, cán bộ nữ nói chung và cán bộ nữ của EVN nói riêng ngoài điều kiện cần là phải có tâm huyết và năng lực thì còn phải chủ động thích ứng và nắm bắt cơ hội mà CMCN 4.0 đưa lại. “Chúng ta phải thực sự chủ động, thay đổi nếp tư duy cũ, thay đổi phong cách sống, thay đổi thói quen lạc hậu và không ngừng học hỏi, tự bồi dưỡng, học tập và trải nghiệm, chủ động tiếp thu và ứng dụng một cách sáng tạo, hiệu quả thành tựu của CMCN 4.0 để giải quyết những vấn đề cụ thể” - chị Kim Chi chia sẻ. 

Có thể thấy, phụ nữ EVN luôn trau dồi kiến thức, kỹ năng bằng mọi hình thức để hoàn thiện bản thân mỗi ngày, góp phần xóa bỏ định kiến giới. Bên cạnh đó, thách thức với lao động nữ trong cuộc sống hiện đại là vừa phải hoàn thành công việc cơ quan, lại phải đảm đương vai trò người vợ, người mẹ với vô vàn những việc không tên. Nhiều vất vả, gian truân và cả những hi sinh, thế nhưng các chị vẫn luôn mạnh mẽ, cống hiến hết mình vì dòng điện tỏa sáng. 
 


  • 06/03/2024 10:05
  • Nguồn: Chuyên đề Quản lý & Hội nhập Tạp chí Điện lực
  • 3650