Phát triển nhiệt điện than: Giải bài toán cân bằng trong phát triển

Dự báo, đến năm 2030, tỷ lệ nhiệt điện than ở Việt Nam sẽ đóng vai trò chủ yếu trong hệ thống điện. Nếu điện hạt nhân vẫn lui tiến độ thì nhiệt điện than vẫn phải coi là phương hướng phát triển chủ đạo. Tuy nhiên, việc đảm bảo môi trường cần được quan tâm đúng mức.

Tại hội thảo Phát triển nhiệt điện than và các giải pháp bảo vệ môi trường ở Việt Nam, do Ủy ban Khoa học, công nghệ và môi trường của Quốc hội phối hợp cùng Hội Khoa học Kỹ thuật Nhiệt Việt Nam (VTA) tổ chức tại Hà Nội ngày 29/8, PGS.TS Trương Duy Nghĩa, Chủ tịch Hội Khoa học Kỹ thuật Nhiệt Việt Nam (VTA) cho rằng, Việt Nam và nhiều nước Đông Nam Á đang ở thời kỳ đầu của giai đoạn hai về phát triển điện năng. Trong giai đoạn này, nếu không đáp ứng đủ điện, nền kinh tế không phát triển được. Các số liệu cho thấy, nhu cầu điện năng của Việt Nam trong các năm qua tăng cao hơn rất nhiều so với các nước khác trong khu vực.

Khẳng định nhiều ý kiến nêu ra trên báo chí trong vòng một năm qua là không đúng, ông Nghĩa cho rằng, hiện nhiều người bày tỏ sự lo lắng với khí thải từ các nhà máy máy nhiệt điện than mà lờ đi hoàn toàn những thay đổi về tiến bộ của công nghệ cũng như những vấn đề khí thải của các dự án, cụm dự án sản xuất công nghiệp, các nhà máy khác tại nhiều vùng trên cả nước hiện chưa có tiêu chuẩn giám sát chặt chẽ.  

Nhiệt điện than vẫn giữ vai trò quan trọng trong việc đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia - Ảnh: Thành Trung

“Hiện có sự không công bằng với nhiệt điện than khi nhiều đơn vị không có sự đánh giá đầy đủ, khách quan về mọi mặt mà chỉ nhằm vào những vấn đề từng xảy ra trong quá khứ mà đến nay các dự án nhiệt điện than đã khắc phục”, ông Nghĩa cho hay và khẳng định những thông tin nhiệt điện than làm chết hàng nghìn người là những thông tin gây hoang mang nhưng khó có thể chứng minh thực tế.

Về việc Trung Quốc mới đây cho đóng cửa 103 nhà máy nhiệt điện than và 1 nhà máy nhiệt điện than lớn nhất ở Bắc Kinh khiến báo chí xôn xao, theo Chủ tịch VTA, đây đều là những nhà máy điện hết niên hạn sử dụng. Thực tế, từ cách đây 15 năm, Trung Quốc đã có lệnh cấm đầu tư nhà máy nhiệt điện công suất dưới 200 MW và nhà máy ở Bắc Kinh phải đóng cửa do hết thời hạn hoạt động. Thực tế không ai bỏ ra tiền tỷ USD để đầu tư nhà máy nhiệt điện than rồi đóng cửa cả.

“Hàn Quốc hiện là một trong 10 nước sản xuất nhiều điện nhất thế giới với tỷ lệ nhiệt điện than chiếm tới 43,2% và là nước nhập than nhiều thứ 4 thế giới, đứng sau Trung Quốc, Ấn Độ Và Nhật Bản. Vì sao một nước phát triển như vậy nhưng tỷ lệ nhiệt điện than của họ cao như thế trong khi điện tái tạo chỉ chiếm 0,6%”, ông Nghĩa đặt câu hỏi.

Giải bài toán cân bằng trong phát triển

Ông Trần Văn Lượng, Cục trưởng Cục An toàn, kỹ thuật công nghiệp, Bộ Công Thương cũng cho hay, các nước đều dùng nhiệt điện than để đáp ứng nhu cầu điện năng trong phát triển kinh tế sau khi đã khai thác triệt để các nguồn thủy điện. Thời gian gần đây nhiều người đặt vấn đề vì sao không phát triển năng lượng sạch?

Tuy nhiên, theo lãnh đạo Cục An toàn - Kỹ thuật công nghiệp, điện mặt trời và điện gió cũng đang đặt nhiều vấn đề về độ che phủ mặt đất, ảnh hưởng đến phát triển của mặt đất, cây cối. Chưa kể các vấn đề về xử lý pin sau khi hết hạn sử dụng. Tính toán hiện nay cho thấy với mỗi 1 MW điện mặt trời cần diện tích che phủ hết 1 ha đất. Tương tự 1 MW điện gió là một cột với tỉ lệ chiếm đất 3 cột/ha. Đặc biệt hệ số sử dụng chưa thật sự hữu dụng khi điện gió và điện mặt trời ở Việt Nam một năm chỉ hoạt động được 1.800 – 2.000 giờ.

“Không có giải pháp nào hoàn hảo cả trong bối cảnh Việt Nam đã tạm dừng điện hạt nhân. Cũng cần nhìn nhận một cách chính xác về xu hướng ủng hộ phát triển điện gió, điện mặt trời hiện nay cũng như những vấn đề ảnh hưởng về môi sinh. Vấn đề đảm bảo môi trường các nhà máy nhiệt điện than cần được quan tâm đúng mức”, ông Lượng nói.

Đồng quan điểm, PGS. TS Trương Duy Nghĩa cho rằng, với Việt Nam, chỉ khi đất nước đã trở nên giàu có mới nghĩ đến phát triển các dạng năng lượng khác như điện tái tạo và bắt đầu hạn chế dần phát triển nhiệt điện than.

Chia sẻ về những vấn đề liên quan phát triển nhiệt điện than, sau khi Việt Nam không làm điện hạt nhân nữa và các nguồn thủy điện lớn đã hết, ông Lê Hồng Tịnh, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ, Môi trường của Quốc hội cho rằng, nhiệt điện than là việc bắt buộc tiếp tục phải làm ở Việt Nam, không có cách nào, lựa chọn nào khác. Vấn đề là quản lý thế nào và giám sát các nhà đầu tư đảm bảo môi trường ra sao.

“Theo tính toán, nếu tăng trưởng kinh tế trên 7% thì điện năng sẽ thiếu hụt, đặc biệt trong bối cảnh các nguồn thủy điện lớn đã cạn kiệt. Ai cũng muốn môi trường thật tốt nhưng không phát triển kinh tế được thì xử lý thế nào. Đây là bài toán về cân bằng trong phát triển”, ông Tịnh nói.

Hiện Trung Quốc là nước có tỷ lệ nhiệt điện than rất cao (79%), trong khi trung bình thế giới là 41,2%. Ngoài Trung Quốc, Mỹ, những nước trên thế giới có tỷ lệ nhiệt điện than cao phải kể đến như Nam Phi (93,8%), Ba Lan (86,7%), Úc (71,2%), Đức (45%), Hàn Quốc (43,2%), Hồng Kông - Trung Quốc (71,2%). Tính theo sản lượng, nhiệt điện than bằng xấp xỉ 2 lần nhiệt điện khí, gấp 3 lần thủy điện, gấp 4 lần điện hạt nhân và cao hơn xấp xỉ 10 lần điện tái tạo. 


  • 31/08/2017 01:56
  • Theo Tiền phong
  • 8241