'Không còn con đường nào khác là phát triển nhiệt điện than'

Đó là khẳng định của ông Lê Hồng Tịnh – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội tại Hội thảo “Phát triển nhiệt điện than và các giải pháp bảo vệ môi trường” vừa diễn ra tại Hà Nội. Cũng theo ông Tịnh, phát triển nhiệt điện than phải gắn với bảo vệ môi trường.

Hội thảo do Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội phối hợp với Hội Khoa học Kỹ thuật Nhiệt Việt Nam tổ chức - Ảnh: PT

Ông Lê Hồng Tịnh cho biết, Quy hoạch điện VII điều chỉnh được phê duyệt cho thấy vai trò của các nhà máy nhiệt điện than là hết sức quan trọng.

Tỷ lệ nhiệt điện than trong cơ cấu nguồn điện giai đoạn 2016 – 2030 dự báo luôn ở mức cao. Đến năm 2020, sản lượng điện sản xuất từ nhiệt điện than chiếm khoảng 49,3%, năm 2025 chiếm 55% và năm 2030 chiếm khoảng 53,2% trong tổng sản lượng điện của cả nước.

Thời gian qua, vấn đề phát triển nhiệt điện than và công tác bảo vệ môi trường tại các nhà máy nhiệt điện đã thu hút sự quan tâm rất lớn của dư luận. Vì vậy, nội dung của Hội thảo tập trung vào: Tình hình sử dụng nhiệt điện than trên thế giới và sự phát triển về công nghệ nhiệt điện hiệu suất cao; Vai trò của nhiệt điện than trong Quy hoạch phát triển điện lực Việt Nam, sự lựa chọn công nghệ và các giải pháp bảo vệ môi trường; Nhu cầu cung cấp than cho sản xuất điện; Thực trạng về phát thải và các vấn đề môi trường của nhiệt điện than; Xử lý khói thải của các nhà máy nhiệt điện; Sử dụng tro xỉ của các nhà máy nhiệt điện làm vật liệu xây dựng.

Cũng theo ông Lê Hồng Tịnh, phát triển nhiệt điện than để đảm bảo an ninh năng lượng cho phát triển kinh tế của đất nước và đời sống nhân dân là rất cần thiết. Trong quá trình phát triển nhiệt điện than cần phải ưu tiên lựa chọn công nghệ có hiệu suất cao để giảm tiêu thụ năng lượng, giảm phát thải khí nhà kính, đáp ứng các tiêu chuẩn, quy định của Việt Nam và quốc tế.

Từ thực tế hoạt động của các nhà máy nhiệt điện than hiện nay, các cơ quan quản lý nhà nước cũng cần xem xét, điều chỉnh các quy định, tiêu chuẩn cho phù hợp đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, đáp ứng các quy định về sử dụng năng lượng hiệu quả, bảo vệ môi trường.

Đồng thời, tạo môi trường thuận lợi cho các doanh nghiệp tham gia đầu tư các dự án nhiệt điện than, đáp ứng nhu cầu điện năng, giải quyết các vấn đề nước thải, tro xỉ và sử dụng vật liệu xây dựng hiện nay.

Sự phối hợp giữa các bộ ngành, chính quyền và người dân địa phương cũng sẽ tạo điều kiện để các chủ đầu tư tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong đầu tư phát triển các dự án nhiệt điện than. Trên cơ sở đó tìm ra giải pháp để đầu tư các dự án nhiệt điện than đúng tiến độ, đảm bảo hiệu suất cao, đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường.

Hội thảo đã thu hút sự tham gia đông đảo các Hội đồng, Ủy ban của Quốc hội; các Bộ, ngành, hiệp hội; các Tập đoàn trụ cột về năng lượng như EVN, PVN, Vinacomin; chính quyền các địa phương và chủ đầu tư dự án nhiệt điện trên cả nước…


  • 29/08/2017 02:55
  • Phan Trang
  • 10434