Năng lượng tái tạo sẽ có triển vọng khả quan

Đó là ý kiến của ông Ingmar Stelter - Tân cố vấn cao cấp về Năng lượng tái tạo của Tổ chức Hợp tác Quốc tế Đức (GIZ) trong cuộc trò chuyện cùng evn.com.vn.

Phóng viên: Với vai trò Tân cố vấn cao cấp về Năng lượng tái tạo GIZ Đức, ông thấy sao về tình hình năng lượng tái tạo, trong đó có điện gió ở Việt Nam?

Ông Ingmar Stelter: Nhìn vào bối cảnh toàn cầu, chúng ta có thể thấy rằng sự am hiểu về năng lượng tái tạo đã thay đổi đáng kể trong vòng 10 năm trở lại đây. Kế hoạch của Chính phủ Việt Nam trong việc gia tăng tỷ trọng năng lượng tái tạo để phát điện là một cách tiếp cận phù hợp và sáng suốt, đảm bảo tương lai cho ngành năng lượng Việt Nam.

Lý do vì sao tôi nói vậy? Đó là bởi nhu cầu điện của Việt Nam ngày càng tăng nhanh. Năng lượng tái tạo có thể triển khai  nhanh hơn so với các dạng năng lượng truyền thống. Bên cạnh đó, năng lượng tái tạo, đặc biệt là năng lượng mặt trời phù hợp với mô hình tiêu thụ điện của Việt Nam.

Không những vậy, công nghệ năng lượng tái tạo ngày càng trở nên hoàn thiện hơn trong những năm gần đây. Trong khí đó, giá cả đang trong xu hướng ngày càng giảm.

Lý do cuối cùng, đó là, năng lượng tái tạo đang đóng vai trò quan trọng trong phát triển công nghiệp, nông thôn và tạo công ăn việc làm tại Việt Nam. Với các lý do trên, tôi hoàn toàn tin tưởng ngành năng lượng tái tạo tại Việt Nam sẽ có một triển vọng khả quan. Và GIZ thay mặt cho Bộ hợp tác và phát triển kinh tế CHLB Đức đã sẵn sàng hỗ trợ chính phủ Việt Nam trong phát triển ngành năng lượng tái tạo.

Theo ông Ingmar Stelter: Địa điểm dự án gió trên bờ tốt sẽ được ưu tiên phát triển trước vì có tiềm năng kinh tế và ít rủi ro hơn. Ảnh: Vương Thủy.

Phóng viên: Trong hội thảo sửa đổi quyết định 37/ 2011/QĐ - TTg về phát triển điện gió gần đây, có một báo cáo: Ngân hàng Thế giới WB dự đoán Việt Nam có tiềm năng về điện gió vào khoảng 513.360 MW, nhưng con số thực tế khác quá xa với tiềm năng, ông đánh giá ra sao về sự khác biệt này?

Ông Ingmar Stelter: Điều bạn đề cập mô tả tiềm năng khả thi kỹ thuật với tốc độ gió trên 6 m/s tại độ cao 65 m. Điều này chỉ là tiềm năng lý thuyết chứ không phải tiềm năng khả thi về mặt kinh tế. Tiềm năng khả thi về mặt kinh tế nói chung thường thấp hơn rất nhiều và sẽ là con số được các nhà đầu tư xem xét khi lập kế hoạch đầu tư dự án.

Bên cạnh đó, nghiên cứu cũng chỉ ra: Việt Nam có tiềm năng về điện gió vào khoảng 513.360 MW. Chúng ta cũng phải nhớ rằng nghiên cứu được đề cập ở trên được thực hiện vào năm 2001. Xem xét đến sự phát triển công nghệ từ năm 2001, con số về tiềm năng này có thể được giả định còn lớn hơn con số đã công bố.

Phóng viên: Với địa hình của Việt Nam theo ông nên phát triển điện gió trên biển hay gần bờ sẽ tốt hơn?

Ông Ingmar Stelter: Trong giai đoạn này, chúng ta cần tập trung hỗ trợ các nhà đầu tư phát triển dự án, đảm bảo nguồn tài chính phù hợp cho các dự án, thu hút các nhà sản xuất tuabin gió đến Việt Nam, tập huấn đào tạo đầy đủ đội ngũ nhân sự cho công tác dịch vụ, bảo trì,…

Theo kinh nghiệm của chúng tôi, địa điểm dự án gió trên bờ tốt nhất nên được ưu tiên phát triển trước vì địa điểm này có tiềm năng kinh tế và ít rủi ro hơn.

Phóng viên: Theo ông Lê Tuấn Phong, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Năng lượng: "Giá điện tiệm cận với giá thị trường là cơ hội tốt để phát triển điện gió". Còn theo ông, giá điện gió ở Việt Nam nên là mức bao nhiêu để nhà đầu tư hài lòng và người tiêu dùng chấp nhận ?

Ông Ingmar Stelter: Việt Nam đã ban hành giá hỗ trợ điện gió là 7,8 cents/kWh vào năm 2011 nhưng giá hỗ trợ này chưa đủ hấp dẫn để khuyến khích đầu tư vào ngành điện gió. Cho đến nay chỉ mới có 50 MW công suất được lắp đặt trong khi công suất mục tiêu là 1 GW vào năm 2020.

Trong nghiên cứu mà chúng tôi thực hiện hỗ trợ Tổng cục Năng lượng (Bộ Công thương), chúng tôi đề ra mức giá từ  9 – 12,5 cents/kWh cho dự án gió trên bờ và từ 10 – 13 cents/kWh cho dự án gió gần bờ. Mức giá này sẽ thu hút thêm nữa vốn đầu tư vào thị trường điện gió Việt Nam. Mức giá này tùy thuộc vào loại hình nhà đầu tư mà chính phủ muốn thu hút phát triển thị trường. Tuy nhiên, kinh nghiệm từ các quốc gia khác chỉ ra rằng việc tập trung khuyến khích một loại nhà đầu tư sẽ không khả thi để xây dựng thị trường điện gió và đạt mục tiêu tăng trưởng quốc gia.

Ngoài ra, điều kiện khung được cải thiện sẽ giúp làm giảm rủi ro cho các đầu tư. Ví dụ như quy trình cấp phép, biên bản thỏa thuận về nối lưới và mua bán điện cần khẩn trương hơn hay các cơ hội nhận được miễn giảm thuế của các nhà đầu tư điện gió chẳng hạn.

Xin cám ơn ông đã dành thời gian cho cuộc trò chuyện!

Deutsche Gesellschaft für Internationale Zusammenarbeit (GIZ) là một tổ chức thuộc chính phủ Đức. Tổ chức hỗ trợ Chính phủ Đức hoàn thành các mục tiêu của mình trong lĩnh vực hợp tác quốc tế, hướng tới phát triển bền vững.

Từ năm 1993, GIZ đã và đang triển khai tích cực các hoạt động tại Việt Nam trong các lĩnh vực ưu tiên của hợp tác phát triển: Phát triển kinh tế bền vững và đào tạo nghề, chính sách môi trường, nguồn tài nguyên thiên nhiên và phát triển đô thị.

Các hoạt động của GIZ được thực hiện dưới sự ủy quyền của Bộ Hợp tác Kinh tế và Phát triển CHLB Đức (BMZ), Bộ Môi trường, Bảo tồn Thiên nhiên và An toàn Hạt nhân CHLB Đức (BMU).

Bên cạnh đó, GIZ cũng hợp tác với Cơ quan Phát triển Quốc tế Australia (AusAID), Liên minh Châu Âu (EU) và Ngân hàng KfW của Đức.

 


  • 23/09/2014 02:53
  • Vương Thủy (thực hiện)
  • 27296


Gửi nhận xét