Ai Cập nỗ lực đẩy mạnh các dự án sản xuất năng lượng tái tạo

Trong nỗ lực khuyến khích khu vực tư nhân tham gia các dự án sản xuất năng lượng tái tạo nhằm thoát khỏi cuộc khủng hoảng năng lượng dẫn đến việc cắt điện thường xuyên hiện nay, Bộ Điện lực và Năng lượng Ai Cập đã công bố mức thuế đặc biệt đối với việc mua điện mặt trời và gió do các công ty tư nhân sản xuất.

Các dự án này có sự tham gia của Quỹ nhà nước thông qua vốn vay ưu đãi của Bộ Tài chính với lãi suất 4%. Phát ngôn viên của Bộ Điện lực - Mohammed al-Yamani cho biết, kế hoạch của chính phủ nhằm mục đích sản xuất 20% năng lượng của Ai Cập từ các nguồn năng lượng tái tạo, 12% trong số đó sẽ là năng lượng gió, từ nay đến năm 2020.

Hiện nay, năng lượng tái tạo của Ai Cập mới chỉ đạt 1% tổng nguồn cung năng lượng. Các dự án hiện tại ở quy mô nhỏ chỉ đủ cung cấp ánh sáng cho các tòa nhà của chính phủ và một số trường đại học.

Theo Bộ trưởng Điện lực và Năng lượng - Mohamed Shaker, chính phủ nước này sẽ giảm bớt các thủ tục pháp lý để khuyến khích đầu tư và tạo thuận lợi cho quá trình xin giấy phép xây dựng cho nhà máy điện sử dụng năng lượng tái tạo.

Ai Cập đã nhận được hồ sơ dự thầu từ các công ty tư nhân trong nước và quốc tế để thực hiện 20 dự án sản xuất năng lượng mặt trời với nguồn vốn 30 tỷ USD. Chỉ trong hai năm, các dự án này sẽ bổ sung thêm 20.000 MW cho hệ thống điện lưới quốc gia.

Báo cáo nghiên cứu khả thi của các nhà máy năng lượng mặt trời tại khu vực Kom Ombo ở tỉnh Aswan và tại thành phố Hurghada đã được hoàn thành. Dự kiến, những nhà máy này sẽ được xây dựng vào năm 2017.

Ai Cập cũng đang cố gắng để tái thúc đẩy dự án năng lượng mặt trời Desertec nối Bắc Phi, khu vực Địa Trung Hải thuộc các nước Arập với phần còn lại của châu Âu để thu hút đầu tư toàn cầu cho sản xuất và xuất khẩu năng lượng tái tạo từ Ai Cập.

Báo cáo "Năng lượng sạch từ sa mạc" của tổ chức Desertec Foundation đánh giá cuộc khủng hoảng năng lượng ở Ai Cập xảy ra do tốc độ tăng trưởng dân số cao, nhu cầu năng lượng ngày càng tăng và thiếu tiềm năng để sản xuất điện từ các nguồn thông thường dựa vào dầu mỏ và khí đốt. 

Theo báo cáo này, Ai Cập không có khả năng tăng sản lượng điện từ đập nước Aswan do vấn đề hạn ngạch nước từ sông Nile và không có giải pháp thay thế ngoài việc mở rộng nguồn điện mặt trời. Báo cáo cũng chỉ rõ nếu được xuất khẩu, năng lượng tái tạo có thể mang lại nguồn thu đáng kể cho Ai Cập.


  • 22/10/2014 02:07
  • Theo TTXVN
  • 2783


Gửi nhận xét