“Lính” bảo vệ…đường dây điện

Những ngày theo chân thợ Đội truyền tải điện Chà Vàl (Công ty Truyền tải điện 2), huyện miền núi Nam Giang, tỉnh Quảng Nam giáp biên giới Lào mới thấu hiểu được sự cực nhọc của những người “lính" truyền tải điện vất vả bảo vệ đường dây, duy trì sự ổn định của lưới điện.

Công nhân kĩ thuật Đội truyền tải điện Chà Vàl sửa chữa trên lưới 

Vượt núi, lội suối

Anh thợ người Cơtu Đinh Khương Thanh Sơn (29 tuổi) hỏi chúng tôi có đủ sức theo đội trước khi khăn gói vào rừng. Cung đoạn đường dây 220 kV, 500 kV Đội truyền tải điện Chà Vàl quản lý phần lớn đi qua khu rừng nguyên sinh của Khu bảo tồn thiên nhiên sông Thanh và rừng phòng hộ Nam Sông Bung, cây rừng rậm rạp phải phát cây mà đi. Nhiều đoạn đường dây vượt qua nhiều sông suối, khe vực sâu hiểm trở nên "lính" truyền tải phải vượt núi, lội suối đến trụ.

Anh Sơn kể, đoạn đường dây điện này nhiều vị trí vào mùa mưa thì bị chia cắt không vào được nên rất khó nhọc để tiếp cận trụ, phát tuyến. Có nhiều khu vực là côn trùng độc hại gây bệnh, rắn độc, thú dữ nên ai ai vào rừng cũng cảnh giác, bảo hộ thân thể và dựa vào kinh nghiệm đi rừng để ứng phó.

Một số đoạn tuyến nằm xa đường QL14D, có vị trí độ cao trên 1.000m so với mực nước biển nên đường vào chỗ này có độ dốc lớn, khí hậu lại khắc nghiệt, sương mù. Anh Sơn nói, giao thông độc đạo, cự ly di chuyển xa, đường xấu lại có nhiều đoạn hư hỏng, uốn khúc quanh co, đèo dốc khó đi lại nên để đi vào nơi phát tuyến phải mất 4 giờ. 

Đội trưởng Nguyễn Huy Giang cho biết, đội có 14 người đều là trẻ (23-35 tuổi), ¾ là người miền núi nên khỏe, nhiệt huyết với công việc, khó khăn cũng giảm đi, nhất là vào mùa mưa, đường trơn trượt, dễ xảy ra sạt lở đất gây tắc đường nên chỉ có anh em địa phương có kinh nghiệm đi núi mới vào được.

Cực khó là vậy nhưng những tuyến đường dây điện huyết mạch của đất nước chưa bao giờ được thôi quan tâm. Anh Đoàn Viết Cường (32 tuổi) cho biết, khó khăn thế nào nhưng để bảo vệ đường dây vận hành an toàn, anh em phải tiếp cận đường dây, kiểm tra tuyến. Đặc biệt là mưa lớn kéo dài dễ gây tình trạng sạt lở đất nhưng đội cũng phải tăng cường tần suất kiểm tra các vị trí xung yếu.

Sau hơn 3 giờ lội rừng, 4 cán bộ kĩ thuật Đội truyền tải điện Chà Vàl mới đến được trụ điện 220 kV. Người thì kiểm tra khu vực đất xung quanh móng cột, mương thoát nước, kè móng. Người khác thì nạo vét, khơi thông lòng mương thoát nước và lắp đặt ống dẫn nước ra xa khu vực móng cột để giảm xói trụ móng, che chắn các điểm sạt lở và đất yếu.

Công nhân nọ thì phát quang hành lang tuyến, nhất là xử lý những cây cao nguy cơ ngã đổ vào đường dây, chặt ngọn tỉa cành những cây khác. Còn các kỹ sư thì kiểm tra hệ thống đường dẫn tiếp địa chống sét. 

Đo kiểm tra phát hiện mối nối, mối tiếp xúc trên đường dây, sửa chữa thiết bị trên lưới đường dây. "Chỉ mới một trụ điện 220kV thôi mà rất nhiều việc phải làm. Toàn tuyến có hơn 200 cột nhưng những năm qua được bảo vệ an toàn, chưa có sự cố nào xảy ra", Cường kể.

 Ngủ tạm, ăn sống

Từ trung tâm huyện Nam Giang, đi thêm 60 km đường miền núi mới tới được Đội truyền tải điện Chà Vàl nằm bên vệ đường QL14D. Một căn nhà gỗ rộng chừng 40m2 tềnh toàng, dưới là nơi làm việc, gác xếp ở trên là nơi ăn, ở của 14 người thợ, cả xếp lẫn lính. 

Anh Huy Giang tâm sự, do tất cả anh em ở xa nên phải trú tạm ở đây làm việc, trụ sở đội là ngôi nhà gỗ tạm này được thuê của dân nên điều kiện ăn ở, sinh hoạt cho mọi người còn nhiều khó khăn.

Trụ sở bằng gỗ, lại nhỏ nên công tác quản lý, bảo dưỡng vật tư, dụng cụ thi công,…hạn chế dẫn đến việc triển khai sản xuất gặp khó khăn. Trụ sở nằm ở khu vực biên giới, dân cư thưa thớt, đa số là đồng bào Cơtu, Tà Riềng nên ảnh hưởng đến công tác tuyên truyền phòng chống cháy rừng, bảo vệ hành lang an toàn lưới điện cao áp.

 "Do tập quán canh tác sản xuất nên việc phát nương đốt rẫy, trồng rừng vi phạm hành lang tuyến. Đội phải làm mọi cách tuyên truyền, vân động để bà con hiểu, cùng nhau bảo vệ an toàn lưới điện", Đội trưởng Huy Giang kể.

Đoàn Viết Cường vỗ tay báo hiệu anh em tập hợp ăn cơm khi kim giờ đồng hồ chỉ qua số 12. Hôm nay trời tạnh ráo nên cà mèn cơm của họ còn hơi ấm, loe ngoe vài miếng thịt, quả trứng, rau luộc để qua bữa. Một vài ngụm nước xong thì ai nấy lại bắt đầu với công việc để trở ra khỏi rừng trước 4g chiều, trước khi ánh mặt trời miền núi sụp xuống khu rừng. 

Cường kể, nhiều lũ thời tiết mưa bất ngờ và kéo dài, không ra khỏi rừng được thì anh em phải đốt lửa, ngủ võng, ăn mỳ sống để qua bữa. Hành trang của mỗi người kiểm tra tuyến luôn phải có lương thực, thuốc chống vắt, cảm, đau bụng, bạt cao su, ...để dựng lều nghỉ qua đêm trong rừng.

Tại buối thăm, làm việc, kiểm tra ngày 18/10, ông Đặng Phan Tường, Chủ tịch HĐTV Tổng công ty Truyền tải điện Quốc cho rằng, khu vực lưới điện Đội Truyền tải điện Chà Vàl quản lý đi qua nhiều vùng rừng núi, đèo dốc cheo leo hiểm trở, nằm trong vùng thời tiết khắc nghiệt nhưng cán bộ, nhân viên đội đã rất nỗ lực, vượt nhiều khó khăn đảm bảo vận hành an toàn lưới điện truyền tải.

Địa bàn quản lý rộng, việc đi lại mất thời gian dài, áp lực cung cấp điện lớn, công suất truyền tải điện trên các đường dây 500 kV, 220 kV cao nhưng các đơn vị đã hoàn thành nhiệm vụ, bảo đảm vận hành lưới điện an toàn, hiệu quả.

Đội truyền tải điện Chà Vàl được giao quản lý vận hành: Đường dây 500 kV, gồm 2 cung đoạn nhánh rẽ đấu nối trạm biến áp 500 kV Thạnh Mỹ dài 3,6km gồm 10 vị trí cột; Đường dây 220kV, gồm 4 cung đoạn dài 131,4km gồm 195 vị trí cột, trong đó có 45,9km mạch kép Xekaman 3 (Lào) đến Trạm 500kV Thạnh Mỹ.


  • 30/10/2017 08:34
  • Theo tuoitre.vn
  • 10335