Ứng dụng KHCN trong Điện lực: Khách hàng nói gì?

Với mong muốn mang đến nhiều tiện ích cho khách hàng sử dụng điện, thời gian qua, EVN đã đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ (KHCN) vào sản xuất - kinh doanh. Những nỗ lực của EVN liệu đã làm hài lòng khách hàng? Chúng ta cùng lắng nghe ý kiến từ phía khách hàng.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng

Ông Nguyễn Mạnh Hùng - Phó Chủ tịch thường trực, kiêm Tổng thư kí Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam: 

Ngành Điện đã bắt nhịp cùng thời đại công nghệ cao

Trong lúc Chính phủ nỗ lực phục vụ người dân kể cả trong sản xuất, kinh doanh và sinh hoạt hằng ngày, việc ngành Điện triển khai các ứng dụng KHCN vào sản xuất, kinh doanh là rất phù hợp với xu thế, được người tiêu dùng đồng tình.

Nếu trước đây, khi muốn được cấp điện mới, khách hàng phải đến phòng giao dịch của Điện lực làm thủ tục. Nay, với công nghệ mới, người tiêu dùng dù ở bất cứ đâu, chỉ cần gọi một cuộc điện thoại, hoặc đăng kí thông qua các thiết bị điện tử, vừa giảm thời gian đi lại, vừa giảm chi phí lại được phục vụ ngay. Đặc biệt, khách hàng còn có thể theo dõi tiến độ cấp điện trên website của ngành Điện.

Với việc ứng dụng KHCN, người dân và nhân viên Điện lực cũng không cần thường xuyên gặp nhau, từ đó cũng giảm bớt các hiện tượng tiêu cực. Đồng thời, ngành Điện cũng giảm bớt những hiểu lầm không đáng có với khách hàng. Đơn cử, nếu trước đây, làm thủ tục trực tiếp, khi khách hàng thiếu giấy tờ, nhân viên Điện lực sẽ yêu cầu bổ sung. Vì người dân có khi phải đi lại nhiều lần, dễ dẫn đến hiểu lầm, cho rằng nhân viên Điện lực nhũng nhiễu. 

Ngoài ra, việc EVN phối hợp với các ngân hàng, các tổ chức trung gian để thanh toán tiền điện… không chỉ tạo thuận lợi cho khách hàng, mà còn thể hiện, ngành Điện đã bắt kịp được xu hướng tiêu dùng của thời đại. Tuy ở đâu đó vẫn còn tình trạng “con sâu làm rầu nồi canh”, nhưng nhìn nhận một cách công bằng, khách quan, những đổi mới của EVN trong công tác kinh doanh, phục vụ khách hàng rất đáng được trân trọng và cần tiếp tục phát huy. 

Ông Trương Viễn Phương, số 431A, đường Hoàng Văn Thụ, phường 4, quận Tân Bình, TP.HCM:  

Nếu được chấm điểm, tôi chấm ngành Điện 9/10 điểm

Trước kia, mỗi khi Điện lực tiến hành sửa chữa lưới điện, thường cắt điện một buổi, thậm chí cả ngày. Nhưng thời gian gần đây tôi thấy đã có sự tiến bộ vượt bậc, khi sửa chữa điện, hầu như không phải cắt điện, không làm ảnh hưởng đến hoạt động của cơ quan và sinh hoạt của người dân. Hiện nay, thời gian mất điện rất ít, trừ những sự cố bất khả kháng như mưa, bão, gây ngập úng. Đây chính là điều làm tôi hài lòng nhất. 

Mỗi khi mất điện, khách hàng gọi điện, điện lực luôn biết rất rõ địa chỉ ở đâu và chỉ sau 10-15 phút đã có mặt xử lý sự cố. Nếu có cắt điện theo kế hoạch, chúng tôi đều được nhắn tin thông báo trước. Tôi còn thấy, điểm tích cực của ngành Điện chính là lắp đặt công tơ mới. Trước đây, để lắp đặt một công tơ mới phải mất rất nhiều thời gian, làm nhiều thủ tục. Bây giờ, chỉ cần ngồi nhà gọi điện, ngày hôm sau đã có nhân viên Điện lực đến khảo sát và hướng dẫn thủ tục.

Tôi rất hài lòng với các dịch vụ trong lĩnh vực kinh doanh điện năng hiện nay của ngành Điện. Nếu được chấm điểm, tôi nghĩ ngành Điện phải được chấm 9/10 điểm.

Bà Nguyễn Thị Đối

Bà Nguyễn Thị Đối - Tổ trưởng Tổ dân phố số 7, thị trấn Quế, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam:

Ai cũng mừng vì điện “mạnh” rồi!

Trước đây, chất lượng điện ở tổ dân phố số 7 này kém lắm. Vào giờ cao điểm, nấu cơm cũng khó chín, chứ chưa nói gì đến việc sử dụng tủ lạnh hay máy giặt. Từ ngày được Điện lực đầu tư, lắp đặt thêm TBA, bà con ai cũng sung sướng, vì điện “mạnh” rồi! Cơm giờ nấu là chín, quạt bật là chạy vù vù, tủ lạnh cũng đã hoạt động liên tục 24/24h… 

Không chỉ đảm bảo điện cho sinh hoạt, điện cũng đóng góp tích cực vào hoạt động sản xuất gốm mỹ nghệ của Tổ dân phố. Trước đây, do điện yếu và thiếu, phần lớn các hộ làm gốm đều nung gốm bằng than, gas; việc thái đất cũng phải thực hiện thủ công... Bây giờ điện đã “khỏe”, các hộ gia đình đã đầu tư máy móc, thiết bị để thái đất, làm gốm, nhờ đó nghề gốm ở đây phát triển mạnh.

Đặc biệt, Điện lực còn nhắn tin thông báo về số điện năng tiêu thụ hàng tháng và số tiền phải nộp, giúp chúng tôi chủ động trong khâu nộp tiền điện. Nếu có thắc mắc về tiền điện cũng như các dịch vụ điện năng khác, đã có số điện thoại đường dây nóng dán ở công tắc điện trong nhà, có thể gọi, trao đổi trực tiếp. Tôi đã từng gọi điện hỏi về thủ tục tách công tơ, được tư vấn rất nhiệt tình và chuyên nghiệp. 

Ông Nguyễn Quốc Dũng - Giám đốc Phụ trách Kỹ thuật Tòa nhà 63 Lý Thái Tổ, Hoàn Kiếm, Hà Nội:

Ngành Điện đã có nhiều đổi mới tích cực

Thời gian qua, EVN đã có nhiều đổi mới tích cực, tạo thuận lợi cho khách hàng sử dụng điện. Điển hình là việc ứng dụng công tơ điện tử với công nghệ đo xa. Trước đây, hàng tháng, nhân viên Công ty Điện lực Hoàn Kiếm đều phải xuống trực tiếp Tòa nhà để chốt chỉ số công tơ, sau đó xuất hóa đơn và gửi lại chúng tôi. Tuy nhiên, từ ngày áp dụng công nghệ đo xa, việc theo dõi chỉ số công tơ được thực hiện từ xa. Mọi dữ liệu đều đảm bảo chính xác. 

Không chỉ thuận lợi cho ngành Điện giảm thời gian đi lại, giảm nhân lực, công nghệ đo xa cũng tạo rất nhiều tiện ích cho khách hàng. Cụ thể, chúng tôi có thể trực tiếp kiểm tra sản lượng điện tiêu thụ trên website của EVNHANOI, mà không cần phải kiểm tra trực tiếp tại công tơ. Ngoài ra, trên website này, chúng tôi có thể theo dõi, thống kê lượng điện tiêu thụ hàng tháng, hàng quý, tra cứu lượng điện tiêu thụ của năm trước để so sánh, từ đó kịp thời đưa ra những giải pháp tiết kiệm điện phù hợp.

Hiện nay, phần lớn dịch vụ của Điện lực đã được thực hiện trực tuyến, mọi thắc mắc đều có thể gọi lên tổng đài để được tư vấn, giải đáp, khách hàng không phải đi lại nhiều lần như trước… Những thay đổi tích cực này đã giúp chúng tôi có những cái nhìn mới, thân thiện hơn về ngành Điện. Hi vọng rằng, thời gian tới, ngành Điện lực sẽ tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng KCHN vào sản xuất, kinh doanh, từng bước bắt kịp với công nghệ tiên tiến trên thế giới. 


  • 24/10/2017 04:50
  • Theo TCĐL chuyên đề Quản lý & Hội nhập
  • 11719