Không nên phó thác hết cho ngành Điện!

Mặc dù đã có đầy đủ hệ thống văn bản quy định rõ ràng, kết hợp tuyên truyền về bảo vệ hành lang an toàn lưới điện cao áp (HLATLĐCA), thế nhưng, hàng năm các vụ vi phạm HLAT vẫn không hề thuyên giảm. Vì sao?

Lưới điện luôn bị đe dọa 

Theo báo cáo của Tập đoàn Điện lực Việt Nam, mùa nắng nóng cũng là thời điểm có nhiều hiện tượng thời tiết cực đoan như giông lốc, mưa bão. Để bảo đảm hệ thống lưới điện vận hành an toàn, đáp ứng nhu cầu cao về điện cho sản xuất, sinh hoạt, giảm sự cố mất điện, công tác bảo vệ HLATLĐCA là vô cùng quan trọng.

Dù đã chủ động xây dựng kế hoạch, thường xuyên phối hợp với chính quyền, đoàn thể địa phương thực hiện tuyên truyền đến từng đối tượng như học sinh, khu dân cư, đặc biệt là vào thời điểm các cháu học sinh nghỉ hè; ký quy chế phối hợp, cắm biển cảnh báo... nên về cơ bản hành lang an toàn được bảo đảm. Tuy nhiên, chỉ cần một chút lơ là, HLATLĐ có thể sẽ bị xâm phạm. Thống kê của NGC cho thấy, trong năm 2015, chỉ tính riêng các vụ vi phạm HLATLĐ gây sự cố lên tới 44 vụ, chiếm gần 15% tổng số vụ sự cố của đơn vị.

Theo ông Nguyễn Phúc Thịnh, việc vi phạm hành lang không chỉ gây thiệt hại về kinh tế (chi phí mua thiết bị, nhân công, phương tiện thay thế...) mà còn gây nguy hại, an toàn sức khỏe, tính mạng của người dân, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp, trong khi công tác xử lý vi phạm gặp nhiều khó khăn.

Bảo vệ an toàn hành lang lưới điện là trách nhiệm của cả cộng đồng

Đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao trách nhiệm 

Theo thống kê của cơ quan chức năng, cho đến thời điểm này, số vụ vi phạm hành lang lưới điện nói chung, lưới điện cao áp nói riêng vẫn còn rất lớn, mỗi tỉnh có tới trên dưới nghìn vụ và hầu như năm nào cũng có phát sinh mới. Các hành vi vi phạm phổ biến là xây dựng, sửa chữa nhà cửa, công trình hạ tầng giao thông; trồng, chặt cây làm gãy đổ lưới điện; đốt nương làm rẫy; thả diều, câu cá, vận hành các phương tiện vướng vào đường dây....

Đơn cử như ở Quảng Trị, năm 2015, toàn tỉnh phát hiện mới 141 vụ vi phạm HLATLĐCA, trong đó xử lý hoàn tất 65 vụ; số vụ tồn tại là 2.322 vụ. Tương tự ở Nghệ An vẫn còn 336 vụ, Hà Nội gần 900 vụ...

Nhiều chuyên gia cho rằng, sở dĩ các vụ vi phạm HLATLĐCA vẫn còn nhiều là do chính quyền địa phương chưa thực sự vào cuộc mà phó thác hết cho ngành Điện. Một số nơi còn chưa thành lập Ban chỉ đạo bảo vệ HLATLĐ theo quy định của Chính phủ hoặc thiếu quyết liệt trong xử lý; nhiều vụ vi phạm được ngành Điện chủ động phát hiện nhưng chính quyền hoặc chủ công trình không hợp tác.

Được biết, để bảo đảm tốt mục tiêu vận hành ổn định trong mùa hè 2016, bên cạnh công tác bảo dưỡng, sửa chữa, cải tạo, khắc phục các khiếm khuyết của lưới điện, các đơn vị đã làm tốt công tác phối hợp với địa phương, đẩy mạnh tuyên truyền bằng nhiều hình thức giúp người dân hiểu về an toàn trong quá trình sinh sống gần các đường dây dẫn điện cao áp, sử dụng điện an toàn và cách phòng tránh…

Tuy nhiên, về lâu dài rất cần sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền địa phương nơi có đường dây đi qua.

Để giảm thiểu và không phát sinh mới các vụ vi phạm HLATLĐCA, ngoài nỗ lực của ngành Điện, rất cần sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan, địa phương trong việc nghiêm túc thực thi các quy định của pháp luật về Luật Điện lực cũng như các văn bản hướng dẫn khác về an toàn lưới điện.

 


  • 22/04/2016 09:05
  • Theo Báo Công Thương
  • 9184


Gửi nhận xét