TPHCM: Người dân phớt lờ cảnh báo

Bất chấp biển báo nguy hiểm chết người, nhiều người dân thản nhiên buôn bán, treo quần áo, câu cá... ngay dưới trụ điện cao thế.

Dọc mương thoát nước trên đường song hành từ sông Sài Gòn đến giao lộ Nguyễn Hoàng - xa lộ Hà Nội (phường An Phú, quận 2) dài hơn 1 km, mỗi ngày có hàng chục người ngồi câu cá ở trụ điện cao thế gần cầu Trắng, bất chấp các biển cảnh báo với nội dung: “Khu vực không câu cá, phía trên có điện cao thế nguy hiểm chết người”.

Chẳng ngán “tử thần”

Đa phần người câu sử dụng cần câu máy, mỗi lần phóng cần câu lên xuống, đoạn cước dính nước chỉ cách đường dây cao thế khoảng 1-2 mét. Khi được hỏi, nhiều người đáp: “Cấm thì cấm, ở đâu có nhiều cá thì câu thôi, có sao đâu. Dây điện nằm trên cao, giật gì được?”.

Ngoài câu cá, phổ biến nhất là tình trạng người dân chiếm dụng khoảng trống dưới chân trụ điện để buôn bán, phơi quần áo, giữ xe, trồng cây cảnh..., bất chấp nguy cơ rò rỉ điện từ các trụ.

Dọc đường Bùi Minh Trực - đoạn qua phường 5 và phường 6 (quận 8) nhiều trụ điện bị người dân trưng dụng. Trụ điện trước nhà số 260 Bùi Minh Trực là nơi kê bàn ghế của một quán ốc; trụ điện trước nhà 100A Bùi Minh Trực được sử dụng làm chỗ để xe. Trong khuôn viên Công ty TNHH May Anh Vĩ, dưới tủ điện trung thế là dây phơi quần áo. Đối diện công ty này có một trụ điện cao thế là nơi buôn bán của một quán hủ tiếu.

Tình trạng này còn diễn ra ở nhiều tuyến đường trong thành phố, như: đường Kha Vạn Cân (quận Thủ Đức), Phạm Thế Hiển (quận 8), đường số 40 (phường Tân Tạo, quận Bình Tân)...

Thực khách vô tư ngồi ăn hủ tiếu trong lòng trụ điện cao thế trên đường Bùi Minh Trực, quận 8, TP HCM

Tuyên truyền xong, đâu lại vào đó

Trao đổi với chúng tôi về tình trạng người dân thản nhiên ngồi câu cá dưới dòng điện cao thế, dù đã có trường hợp chết người xảy ra và ngành điện đã có biển cảnh báo, bà Trần Thị Hồng Nguyệt - Chủ tịch UBND phường Bình An, quận 2, cho biết sau vụ phóng điện làm một người chết hồi tháng 3/2015 - phường cùng cơ quan chức năng rào chắn các đoạn đường dẫn vào khu vực xảy ra tai nạn; lập đoàn kiểm tra, thường xuyên nhắc nhở người dân nhưng do kênh thuộc sự quản lý của cả 3 phường nên cấm chỗ này, người dân lại đi chỗ khác hoặc lựa lúc không có lực lượng kiểm tra thì lén vào câu.

Trước khi cấp phép cho công trình xây dựng gần hành lang lưới điện cao thế, đơn vị cấp phép phải yêu cầu chủ đầu tư liên hệ ngành điện để thỏa thuận các biện pháp an toàn”.

Ông Huỳnh Lê Khương

Còn theo đại diện UBND phường 6, quận 8, chính quyền địa phương vẫn thường xuyên nhắc nhở các hộ kinh doanh trên lòng lề đường, trong đó có các hộ buôn bán dưới các trụ điện cao thế nhưng nhắc nhở xong thì đâu lại vào đó.

“Chúng tôi sẽ phối hợp với ngành Điện rà soát lại và yêu cầu các hộ buôn bán không được xâm phạm hành lang lưới điện. Đối với các hộ dân có nhà nằm dưới đường điện cao thế muốn xây dựng, chúng tôi đều có văn bản hỏi ý kiến của ngành điện. Theo đó, giới hạn chiều cao của công trình phải thấp hơn đường dây điện 4 m để bảo đảm an toàn” - đại diện UBND phường 6 cho biết.

Theo ông Huỳnh Lê Khương, Phó Giám đốc Công ty Lưới điện Cao thế TP HCM, để ngăn ngừa các tai nạn đáng tiếc xảy ra, Công ty đã gửi nhiều tài liệu, văn bản nhờ chính quyền địa phương tuyên truyền, vận động người dân không câu cá gần đường điện cao thế; phối hợp với chính quyền địa phương tuần tra, nhắc nhở, làm hàng rào và lắp đặt biển cảnh báo; vận động người dân không sử dụng các bộ phận công trình điện vào mục đích khác; hướng dẫn các hộ dân sinh sống trong và gần hành lang lưới điện cao thế cách phòng tránh tai nạn điện...

Tuy nhiên, bất chấp nỗ lực của ngành Điện và chính quyền địa phương, vẫn còn rất nhiều người dân thiếu ý thức chấp hành về giữ an toàn lưới điện.


  • 05/01/2016 09:08
  • nld.com.vn
  • 523266


Gửi nhận xét