Huyện đảo Cô Tô (tỉnh Quảng Ninh): Vươn lên nhờ có điện

Kể từ khi có điện lưới quốc gia, Cô Tô đã hoàn toàn lột xác. Không còn vẻ hoang sơ, buồn tẻ ngày nào, Cô Tô giờ đây nhộn nhịp, đêm về lấp lánh ánh điện, khách du lịch nườm nượp đổ về...

Chuyển dịch cơ cấu kinh tế hợp lý 

Ông Đào Văn Vũ - Phó Chủ tịch huyện đảo Cô Tô chia sẻ, sự kiện đưa điện lưới quốc gia ra đảo Cô Tô không chỉ biến ước mơ ngàn đời của người dân nơi đây thành hiện thực, mà còn giúp Cô Tô có bước chuyển mình mạnh mẽ. Từ một huyện đảo nghèo, Cô Tô đã vươn mình trở thành huyện đảo du lịch nổi tiếng. Trên Đảo, các công trình kiến trúc cao tầng kiên cố, nhà nghỉ, khách sạn mọc lên san sát; cùng với đó là việc mở rộng cầu cảng, bến tàu, bến xe… Hệ thống giao thông trên Đảo ngày càng hoàn thiện theo hướng hiện đại. Cô Tô giờ đây đông vui, nhộn nhịp suốt ngày, đêm…

“Nếu giai đoạn 2010-2015, cơ cấu kinh tế của huyện là ngư - nông - lâm nghiệp, dịch vụ - du lịch, tiểu thủ công nghiệp (TTCN), thì giai đoạn 2015-2020 đã chuyển mạnh sang: Dịch vụ - du lịch, ngư - nông - lâm nghiệp, TTCN . Dự kiến, từ nay đến năm 2020, tỷ trọng dịch vụ - du lịch sẽ chiếm khoảng 40-45% trong cơ cấu kinh tế”, ông Vũ cho biết.

Cũng theo ông Vũ, trước đây, người dân ra Đảo xây dựng kinh tế mới, rồi gửi tiền về đất liền đầu tư, không đầu tư trên Đảo. Tuy nhiên, từ ngày có điện lưới quốc gia, tư duy của người dân đã thay đổi. Người dân Cô Tô đã hoàn toàn yên tâm bám biển, bám đảo; tập trung nguồn lực, đầu tư phát triển kinh tế, kết cấu hạ tầng ngay trên hòn đảo mình sinh sống.

Sau khi có điện lưới quốc gia, hàng năm, người dân trên Đảo đầu tư khoảng 200 - 300 tỷ đồng xây dựng các nhà nghỉ, khách sạn đạt tiêu chuẩn từ 2 sao trở lên. Đặc biệt, nhiều hộ dân còn xây nhà theo mô hình homestay (vừa là nhà ở, vừa phục vụ du khách), đáp ứng nhu cầu của du khách vào các dịp cao điểm mùa du lịch.

Đường dây cấp điện vượt biển từ Cô Tô sang đảo Thanh Lân

Bà Phạm Thị Măng - Chủ khách sạn Thanh Măng (Khu 4, thị trấn Cô Tô) cho biết, khi chưa có điện lưới, gia đình bà cũng đã kinh doanh phòng trọ và chế biến hải sản quy mô nhỏ phục vụ du khách. Tuy nhiên, lúc bấy giờ, do sử dụng điện diezen, chỉ phát theo giờ, giá lại cao (từ 9.000 - 15.000 đồng/kWh điện), nên kinh doanh hiệu quả không cao. Sau khi điện lưới được đưa ra Đảo, gia đình bà Măng mở rộng cơ sở kinh doanh và chế biến hải sản liên hoàn, với tiêu chí đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Sản phẩm không chỉ cung ứng cho khách du lịch trong suốt cả năm mà còn tham dự các hội chợ trong và ngoài nước. Đặc biệt, từ 3 phòng trọ, bà Măng đã đầu tư, nâng cấp thành khách sạn với 28 phòng với đầy đủ tiện nghi.

“Số lượng phòng gấp ba lần so với trước đây, số thiết bị điện tăng lên rất nhiều, nhưng tiền điện chỉ tăng gấp đôi. Nhờ đó, thu nhập của gia đình tôi tăng lên đáng kể”, bà Măng chia sẻ.

Ông Đào Văn Vũ cho biết, nhờ có điện lưới quốc gia, các dịch vụ cho du khách ngày càng hoàn thiện, hiện đại, đáp ứng tốt nhu cầu của khách hàng. Vì vậy lượng khách du lịch đến với đảo Cô Tô 3 năm trở lại đây tăng rất nhanh. Nếu năm 2013, chỉ có khoảng 35.000 lượt khách đến Cô Tô thì năm 2015, con số này là 150.000 lượt khách và 9 tháng đầu năm 2016, đã có hơn 230.000 lượt khách.  

Không chỉ phát triển du lịch, điện lưới quốc gia cũng tạo thuận lợi cho hoạt động của các trung tâm dịch vụ hậu cần nghề cá trên đảo Cô Tô như: Khu trung tâm hậu cần nghề cá Bắc Vịnh Bắc bộ, Khu neo đậu tránh trú bão trên đảo Cô Tô..., vốn là các điểm tựa cho các tàu thuyền khai thác ở vùng Bắc Vịnh Bắc bộ. Cùng với đó, điện cũng góp phần thúc đẩy các hoạt động văn hóa, giáo dục, y tế trên đảo phát triển; đời sống vật chất, tinh thần của người dân không ngừng được nâng lên. 

3 năm, phụ tải điện tăng 6 lần

Sự phát triển vượt bậc về kinh tế - xã hội của Cô Tô trong vòng 3 năm qua kéo theo sự tăng trưởng mạnh của phụ tải điện. 

Ông Hoàng Văn Nam - Phó Giám đốc Điện lực Vân Đồn (Công ty Điện lực Quảng Ninh) cho biết, nếu những tháng đầu khi mới có điện lưới quốc gia, sản lượng điện tiêu thụ bình quân mỗi tháng của huyện Cô Tô chỉ khoảng 200.000 kWh, đến năm 2016, vào những tháng nắng nóng, cao điểm mùa du lịch, sản lượng điện đã đạt khoảng 1,2 triệu kWh (tăng gấp 6 lần). Trước tình hình phụ tải tăng cao, để đảm bảo cung cấp điện an toàn, ổn định, liên tục, từ năm 2015-2016, Điện lực Vân Đồn đã xây dựng thêm 8 TBA; 1,3 km đường dây 22 kV và trên 5 km đường dây 0,4 kV. 

Hệ thống đường dây, TBA cấp điện trên đảo Cô Tô 

Ngoài ra, là nơi đầu sóng, ngọn gió, thường xuyên phải ứng phó với các hiện tượng thời tiết cực đoan như mưa, giông, bão..., nên ngay từ đầu năm, Công ty Điện lực Quảng Ninh, Điện lực Vân Đồn đã lên kế hoạch, phương án xử lý sự cố một cách cụ thể, chi tiết, sát với đặc thù của Đảo. Từ đó, cung cấp đầy đủ trang thiết bị, dụng cụ, vật tư dự phòng, phục vụ kịp thời cho Đội Quản lý vận hành đường dây và TBA số 2 trên địa bàn huyện Cô Tô giải quyết, khắc phục các sự cố. Đồng thời, Đội Quản lý vận hành đường dây và TBA số 2 cũng thường xuyên kiểm tra hệ thống đường dây, TBA, các điểm xung yếu, phát hiện, khắc phục kịp thời các hư hỏng, khiếm khuyết.

Đội Quản lý vận hành đường dây và TBA số 2 còn phối hợp với chính quyền địa phương và các lực lượng vũ trang trên Đảo, huy động bộ đội, nhân dân, các trang bị, phương tiện như tàu thuyền tham gia khắc phục sự cố... Nhờ đó, các sự cố về điện trên đảo Cô Tô luôn được xử lý kịp thời, được khách hàng ghi nhận và đánh giá cao.

“Chúng tôi đặc biệt ghi nhận sự nỗ lực của ngành Điện trong việc đầu tư kịp thời, tăng cường bổ sung các TBA; xử lý kịp thời các sự cố điện, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của người dân huyện đảo. Dự kiến, đến năm 2017, tỉnh Quảng Ninh sẽ đưa điện lưới quốc gia ra Đảo Trần - hòn đảo tiền tiêu thuộc huyện đảo Cô Tô. Trong quy hoạch, chúng tôi cũng xác định đảo Trần sau khi có điện lưới sẽ trở thành trung tâm dịch vụ hậu cần nghề cá phía Đông Bắc vùng Bắc Bộ”, ông Đào Văn Vũ cho hay. 

Huyện đảo Cô Tô:
- Cách đất liền 60 hải lý.
- Diện tích đất tự nhiên: 4.179 ha.
- Gồm 30 hòn đảo lớn, nhỏ; trong đó 29 hòn đảo quây quần thành đảo Cô Tô, với trung tâm là đảo Cô Tô lớn và đảo Thanh Lân; hòn đảo còn lại đảo Trần đứng riêng về phía Đông Bắc.
- Vùng biển (vùng ngư trường) thuộc huyện: Rộng trên 300 km2. 
- Dân số: Hơn 7.000 người.

Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội huyện Cô Tô đến năm 2020, tầm nhìn 2030:

- Ưu tiên tập trung phát triển kinh tế biển và du lịch sinh thái phù hợp với biển đảo, hướng tới du lịch đẳng cấp cao; là đô thị sinh thái biển thông minh với kết cấu hạ tầng hiện đại, trở thành điểm tựa của ngành ngư nghiệp trên toàn vùng biển Đông Bắc...
- Tốc độ tăng trưởng kinh tế giai đoạn 2016-2020 đạt 14 - 15%/năm; giai đoạn 2021-2030 đạt khoảng 19-20 %.
- Cơ cấu kinh tế đến năm 2020: Nông nghiệp chiếm 30%, công nghiệp - xây dựng chiếm 25%, dịch vụ - du lịch chiếm 45%; Đến năm 2030: Nông nghiệp chiếm 12,6%; công nghiệp - xây dựng chiếm 25,3%; dịch vụ - du lịch chiếm 62,1%.
- Giá trị gia tăng bình quân đầu người năm 2020 đạt khoảng 4.500 USD; năm 2030 đạt khoảng 10.000 USD.
- Mức thu ngân sách hàng năm tăng trung bình trên 10%/năm.


  • 27/10/2016 05:21
  • Theo TCĐL Chuyên đề Quản lý và Hội nhập
  • 12407