Tổng công ty Điện lực miền Bắc (EVNNPC): Tăng cường năng lực quản trị doanh nghiệp

Thực hiện chủ trương của Tập đoàn Điện lực Việt Nam về nâng cao năng lực quản trị doanh nghiệp, ngay từ đầu năm 2016, Tổng công ty Điện lực miền Bắc (EVNNPC) đã có nhiều giải pháp thực hiện hiệu quả chủ trương này.

Triển khai hệ thống BSC&KPI  

Xây dựng Hệ thống Quản lý mục tiêu chiến lược và Hệ thống Đánh giá kết quả hoàn thành công việc (BSC&KPI) là giải pháp quan trọng, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất – kinh doanh của Tổng công ty Điện lực miền Bắc. 

Theo đó, các đơn vị thành viên đã tổ chức tập huấn, đào tạo nâng cao, bổ sung kiến thức cho người lao động về hệ thống quản lý BSC/KPI và sự cần thiết phải áp dụng hệ thống này. Đồng thời, tiến hành xây dựng các chỉ tiêu đánh giá phù hợp với điều kiện hoạt động của từng đơn vị, tập thể và cá nhân. Trên cơ sở đó, tùy thuộc vào tình hình cụ thể của từng đơn vị sẽ khuyến nghị sử dụng các biểu mẫu và các phần mềm hỗ trợ có khả năng ứng dụng cao và phù hợp. Đây là vấn đề liên quan trực tiếp đến quyền lợi của doanh nghiệp và người lao động. 

Công nhân PC Phú Thọ cải tạo lưới điện trên địa bàn

Điều này cũng làm thay đổi nhận thức của mỗi đơn vị điện lực, mỗi cá nhân, từ đó, chính họ sẽ tìm cách chuyển đổi phương thức làm việc theo hướng chủ động, sáng tạo và tự kiểm soát công việc của chính mình. Vì vậy, trong quá trình xây dựng, các đơn vị tự lựa chọn các chỉ số cần thiết để đạt mục tiêu đề ra gồm chỉ số tổng thể của đơn vị, chỉ số thực hiện của từng chức danh, định biên theo từng loại hình công việc. 

Các chỉ số KPI (Đánh giá kết quả hoàn thành công việc) sẽ giúp người lao động thấy được những việc cần ưu tiên thực hiện trong các hoạt động của mình, từ đó tìm cách làm tốt nhất đạt mục tiêu đề ra và lượng hóa được hiệu quả công việc. Theo kế hoạch, phần mềm hệ thống BSC&KPI của EVNNPC sẽ được hoàn thành vào cuối năm 2016 và chính thức vận hành từ năm 2017.

Tách bạch SXKD và dịch vụ điện lực

Ngay từ đầu năm 2016, EVNNPC có chủ trương tách bạch và phân định rõ hoạt động dịch vụ với quản lý vận hành lưới điện phân phối, trên cơ sở thành lập các đơn vị SXKD dịch vụ tại các Công ty Điện lực và Công ty Lưới điện Cao thế miền Bắc. 

Các lĩnh vực hoạt động SXKD điện lực gồm: Quản lý vận hành (QLVH) lưới điện trung thế, hạ thế, lưới điện 110 kV và 220 kV; Sửa chữa thường xuyên, xử lý sự cố lưới điện, thiết bị điện;... Hoạt động dịch vụ điện lực gồm: Thí nghiệm, sửa chữa, hiệu chỉnh các thiết bị điện; Xây lắp, đại tu, cải tạo, sửa chữa lớn các công trình; tư vấn khảo sát, thiết kế;...

6 tháng đầu năm 2016, 3 đơn vị là các Công ty Điện lực: Phú Thọ, Lào Cai và Công ty Lưới điện Cao thế miền Bắc đã thành lập Xí nghiệp Dịch vụ điện lực. Đồng thời, các Công ty Điện lực đã xây dựng phương án tách bạch SXKD dịch vụ với QLVH lưới điện phân phối, tiến tới thực hiện phương án, mỗi Công ty Điện lực sẽ thành lập một Xí nghiệp Dịch vụ điện lực trên cơ sở sát nhập các đơn vị phụ trợ như xây lắp, thí nghiệm, sửa chữa, thiết kế, quản lý dự án... Dự kiến, đến năm 2020, EVNNPC sẽ có trên 6.000 lao động SXKD dịch vụ.

EVNNPC yêu cầu các đơn vị tách bạch SXKD và dịch vụ điện lực

Áp dụng cơ chế đặc thù 

Để nâng cao năng lực quản lý, giảm đầu mối và lực lượng lao động gián tiếp, nâng cao năng suất lao động của các Điện lực, thời gian qua EVNNPC đã sáp nhập hoặc hợp nhất 31 Điện lực nhỏ và vừa tại 12 Công ty Điện lực, hình thành 15 Điện lực.

EVNNPC cũng lựa chọn 06 Điện lực ở các thành phố lớn, được áp dụng cơ chế đặc thù. Đó là: Điện lực TP Vĩnh Yên (PC Vĩnh Phúc), Điện lực TP Việt Trì (PC Phú Thọ), Điện lực TP Hạ Long (PC Quảng Ninh), Điện lực TP Vinh (PC Nghệ An), Điện lực TP Lào Cai (PC Lào Cai), Điện lực TP Bắc Ninh (PC Bắc Ninh). Các Điện lực này sẽ được xây dựng và nâng cấp thành Điện lực quy mô lớn, có mô hình tổ chức phù hợp với đội ngũ cán bộ lãnh đạo có năng lực. Đây là bước tiến quan trọng, phù hợp với chủ trương đổi mới phương thức hoạt động gắn với hiệu quả hoạt động, thực hiện phân cấp quản lý mạnh hơn nữa trên mọi lĩnh vực hoạt động sản xuất - kinh doanh và dịch vụ điện năng. Trong đó, Tổng công ty sẽ có cơ chế quản lý phù hợp đảm bảo tính độc lập, tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong quản lý, điều hành của Giám đốc Điện lực. 

Nâng cao năng lực quản trị doanh nghiệp không phải là nhiệm vụ ngắn hạn, nhất thời, thực hiện trong một sớm một chiều mà là cả quá trình đổi mới cách nghĩ, cách làm, cần sự quyết tâm, nỗ lực của tất cả Lãnh đạo, CBCNV từ Tổng công ty đến các đơn vị điện lực. Xây dựng một hệ thống quản trị hiệu quả, hoạt động ổn định, sẽ giúp EVNNPC có nhiều cơ hội tiếp cận với thị trường điện cạnh tranh, theo kịp sự phát triển của ngành Điện tại các nước trong khu vực và trên thế giới. 

- Thẻ điểm cân bằng BSC (Balanced ScoreCard- BSC) là một hệ thống nhằm chuyển hóa tầm nhìn và chiến lược của tổ chức thành những mục tiêu và thước đo cụ thể thông qua việc thiết lập một hệ thống đo lường thành quả hoạt động trong một tổ chức theo 4 tiêu chí: Tài chính, khách hàng, hoạt động kinh doanh nội bộ, học hỏi và phát triển. 

- KPI (Key Performance Indicator) là chỉ số đo lường hiệu suất làm việc, theo đó, sẽ phản ánh hiệu quả hoạt động của công ty hoặc các đơn vị trực thuộc hay cá nhân. Mỗi chức danh có bản mô tả công việc hoặc kế hoạch làm việc hàng tháng. Lãnh đạo sẽ áp dụng các chỉ số để đánh giá hiệu quả mỗi chức danh. 

 


  • 26/10/2016 03:12
  • Theo TCĐL Chuyên đề Quản lý và Hội nhập
  • 9101