Hội nghị toàn quốc về công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2023

Ngày 20/4, tại Hà Nội đã diễn ra Hội nghị toàn quốc về công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) năm 2023.

Chủ trì hội nghị là Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang - Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng, chống thiên tai, Chủ tịch Uỷ ban quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn.

Hội nghị được kết nối với điểm cầu trung ương và điểm cầu UBND các tỉnh, thành phố và các điểm cầu quận, huyện trên cả nước.

Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) có ông Ngô Sơn Hải – Phó Tổng giám đốc EVN, Trưởng ban Chỉ huy PCTT&TKCN EVN dự hội nghị tại điểm cầu Trung ương.

Hội nghị toàn quốc về công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2023

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang đánh giá cao sự nỗ lực của các Bộ, ngành, địa phương trong công tác PCTT&TKCN trong thời gian qua.

Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng cũng chỉ ra, công tác PCTT&TKCN cũng vẫn còn hạn chế cần tập trung khắc phục, làm tốt hơn nữa. Cụ thể: vẫn còn thiệt hại đáng tiếc về người trong thiên tai do chủ quan, bất cẩn. Việc xây dựng kế hoạch phòng, chống thiên tai, phương án ứng phó với thiên tai của địa phương chưa sát thực tế, một số nơi còn chủ quan. Công tác dự báo, cảnh báo sớm đối với một số hình thái thiên tai cực đoan còn hạn chế. Nguồn lực cho công tác khắc phục hậu quả còn thiếu và chưa đáp ứng yêu cầu, mới đáp ứng khoảng 20-30% nhu cầu thực tế của các địa phương...

Năm 2023 được dự báo là năm còn nhiều khó khăn và thách thức, thiên tai diễn biến bất thường. Để chủ động ứng phó với thiên tại trong thời gian tới, Phó Thủ tướng yêu cầu Ban Chỉ đạo quốc gia về PCTT, Ủy ban Quốc gia ứng phó sự thiên tai và TKCN, các bộ, ngành, địa phương thực hiện nghiêm túc chức năng, nhiệm vụ được giao đối với công tác phòng, chống thiên tai.

Cụ thể, triển khai nghiêm túc, hiệu quả các chỉ thị, nghị quyết, chính sách, pháp luật về công tác phòng chống thiên tai. Thường xuyên rà soát bổ sung, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật.

Phó Thủ tướng yêu cầu triển khai mạnh mẽ các hoạt động phòng ngừa, đảm bảo chuyển từ bị động ứng phó sang chủ động phòng ngừa. Tập trung nguồn lực, nâng cao năng lực, chất lượng công tác dự báo, cảnh báo đáp ứng yêu cầu phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành chủ động, hiệu quả. Trong quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương phải có lồng ghép nội dung PCTT & TKCN. Đồng thời, cần đa dạng hoá việc huy động và sử dụng hiệu quả nguồn lực đầu tư cho hoạt động PCTT. Tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin, truyền thông, phổ biến giáo dục pháp luật về phòng chống thiên tại với nhiều hình thức đa dạng, xây dựng, nâng cao ý thức, nhận thức cho người dân trong PCTT& TKCN.

Tình hình thiên tai năm 2022 và những tháng đầu năm 2023:

Năm 2022, ở nước ta, thiên tai xảy ra bất thường, cực đoan, trái quy luật ngay từ những tháng đầu năm và trên các vùng miền cả nước với 21/22 loại hình thiên tại (trừ sóng thần), trong đó có 1.072 trận thiên tại đã được thống kê.

Thiên tai năm 2022 đã làm 175 người chết, mất tích, thiệt hại về kinh tế gần 19.500 tỷ đồng (gấp 1,6 lần thiệt hại về người và 3,4 lần thiệt hại về kinh tế so với năm 2021).

Từ đầu năm 2023 đến nay, đã xảy ra 3 trận mưa lớn, 21 trận dông lốc, 12 vụ sạt lở bờ sông, 78 trận động đất, 2 đợt rét hại và 12 đợt gió mạnh, sóng lớn trên biển. Trong đó ngay cuối tháng 3/2023 đã xảy ra nắng nóng vượt lịch sử cùng thời kỳ tại Hoà Bình. Thiên tai đã làm 7 người mất tích, thiệt hại kinh tế gần 25 tỷ đồng.

(Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo quốc gia về PCTT - Uỷ ban quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và TKCN)


  • 20/04/2023 03:28
  • Huyền Vũ
  • 4088