Giải pháp nào ''cắt lỗ'' cho ngành Điện?

Trong bối cảnh giá nhiên liệu đầu vào sản xuất điện tăng cao, giá bán lẻ điện bình quân nhiều năm chưa được điều chỉnh, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) rơi vào thực trạng mất cân đối tài chính. Ngoài việc nỗ lực tiết giảm chi phí, chống lãng phí, theo nhiều chuyên gia, việc tăng giá điện cũng là giải pháp nhằm “cắt lỗ” cho ngành Điện.

Theo Bộ Công Thương, năm 2022, EVN  lỗ hơn 26.000 tỷ đồng. Cộng dồn số liệu 3 tháng đầu năm 2023, số lỗ đã tăng lên hơn 44.900 tỷ đồng. Giải thích nguyên nhân, Bộ Công Thương cho hay phát điện là khâu làm tăng chi phí nhiều nhất. Cụ thể, tổng chi phí khâu phát điện năm 2021 tăng 28.425,35 tỷ đồng (tăng 9,14% so với năm 2020). Trong năm 2022 chi phí này tăng gấp 2,5 lần, với số tiền 72.855,58 tỷ đồng, chủ yếu do biến động giá nhiên liệu và tỷ giá. Riêng giá than pha trộn năm 2022 tăng bình quân từ 34,7% đến 46,4% so với năm 2021, làm tăng chi phí mua điện hầu hết ở các nhà máy nhiệt điện than. Giá khí năm 2022 cũng tăng 27,4% so với năm 2021.

Trong khi đó, biến động tỷ giá USD trong năm 2022 đã làm tăng chi phí mua điện, mua nhiên liệu bằng ngoại tệ, như than nhập khẩu, điện nhập khẩu từ Lào, Trung Quốc và các nhà máy năng lượng tái tạo. Ngoài ra, EVN còn bù giá cho chi phí sản xuất, kinh doanh điện tại các huyện đảo chưa nối điện lưới quốc gia trong các năm 2021, 2022 lần lượt là 265,75 tỷ đồng và 387,55 tỷ đồng.

"Năm 2022 và những tháng đầu năm 2023, lỗ chủ yếu là do chi phí sản xuất điện tăng cao. Đặc biệt là giá than tăng gấp hơn 3 lần, có thời điểm tăng gấp 4-5 lần. Ngoài ra, 4 năm qua giá bán lẻ điện bình quân không điều chỉnh nên EVN gặp nhiều khó khăn", ông Nguyễn Xuân Nam, Phó Tổng Giám đốc EVN cho biết.

Vận hành giám sát số liệu từ phòng điều khiển tại Công ty cổ phần Nhiệt điện Hải Phòng

Trước bối cảnh khó khăn, năm 2023, 5 lĩnh vực trọng tâm được Tập đoàn đẩy mạnh tiết kiệm, chống lãng phí bao gồm sản xuất, kinh doanh; đầu tư, xây dựng; quản lý, sử dụng tài sản; quản lý, khai thác, sử dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường; quản lý, sử dụng lao động và thời gian lao động.

Từ góc độ đơn vị thành viên, Tổng Giám đốc Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia Phạm Lê Phú cho biết, đơn vị sẽ rà soát toàn bộ chi phí sản xuất, kinh doanh, tối ưu hóa, đẩy mạnh vận hành hệ thống truyền tải tăng sản lượng, tăng doanh thu. Trong đầu tư, đơn vị sẽ rà soát lại toàn bộ dự án.

Phó Tổng Giám đốc EVN Nguyễn Xuân Nam cũng thông tin, EVN đã tiết giảm 10% chi phí thường xuyên, cắt giảm 30% chi phí sửa chữa lớn. Tổng chi phí tiết giảm của EVN là gần 10.000 tỷ đồng.

Trước mắt, do giá nguyên liệu đầu vào vẫn tiếp tục tăng cao nên EVN dự kiến lỗ lũy kế năm 2022 và 2023 có thể lên tới 68.700 tỷ đồng, ảnh hưởng rất lớn đến khả năng hoạt động của Tập đoàn. Mặc dù ổn định kinh tế vĩ mô luôn là mục tiêu hàng đầu nhưng có thể thấy sự cần thiết phải điều chỉnh giá bán lẻ điện theo chi phí đầu vào.

Tiến sĩ Nguyễn Bích Lâm, nguyên Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê phân tích, năm 2022, giá than đã tăng 2,64 lần và giá xăng, dầu tăng 1,43 lần so với năm 2021. Giá than, xăng, dầu tăng mạnh đã làm cho chi phí sản xuất điện tăng 9,27% so với năm 2011. Do đó, việc điều chỉnh tăng giá bán lẻ điện là rất cần thiết để EVN không lỗ mãi. Theo một số chuyên gia khác, giá điện tại Việt Nam hiện thấp hơn nhiều nước trên thế giới nên việc tăng giá điện từng bước và làm nhiều lần vào các thời điểm thích hợp vẫn bảo đảm mục tiêu kiềm chế giá cả và hạn chế ảnh hưởng lớn đến người dân.

Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực, Bộ Công Thương Trần Việt Hòa cho hay, theo cơ chế điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân, nếu thông số đầu vào thay đổi làm giá bán lẻ điện bình quân tính toán tăng từ 3% trở lên thì giá điện được phép điều chỉnh tăng. Ngược lại, khi thông số đầu vào biến động giảm thì giá điện cũng được điều chỉnh giảm. Nếu giá bán điện bình quân tăng 3-5%, EVN được quyết định điều chỉnh giá; tăng từ 5% đến dưới 10% thì thẩm quyền thuộc Bộ Công Thương và tăng từ 10% trở lên thì sẽ báo cáo Chính phủ.

Link gốc


  • 19/04/2023 05:15
  • Theo hanoimoi.com.vn
  • 7213