Hỏi chuyện nhiếp ảnh với... thợ điện Võ Thành Vinh

Nụ cười tươi nổi bật trên nước da sạm đen vì nắng gió miền Trung, anh Võ Thành Vinh đứng trên sân khấu vinh dự nhận giải thưởng cao nhất tại Lễ trao giải cuộc thi ảnh nghệ thuật "EVN - 70 năm đổi mới cùng đất nước", được tổ chức tại Hà Nội mới đây. Sau buổi trao giải cuộc thi, tôi đã có buổi trò chuyện, trao đổi chuyện thú vị về nhiếp ảnh với anh, một thợ điện.

Nhiếp ảnh gia Võ Thành Vinh 

PV: Chào anh Võ Thành Vinh! Cơ duyên nào để một người thợ điện như anh bỗng trở thành nhiếp ảnh gia vậy? 

Võ Thành Vinh: Tôi đam mê chụp ảnh từ bé. Lúc nào cũng thích dùng 4 ngón tay căng thành khung hình để ngắm nghía. Năm 1986, khi bắt đầu đi làm, tôi dành ngay tháng lương đầu tiên mua một máy ảnh đen trắng. Khi bạn bè tụ tập đi thả diều, bắt cá thì tôi lang thang khắp cánh đồng, lũy tre làng, trên các triền đê… chỉ để chụp ảnh. Lúc đầu chỉ ghi lại khoảng khắc của gia đình, bạn bè và phong cảnh làng quê, nói chung là thấy gì thì sẽ chụp đó…

Sau khi tôi về công tác trong ngành Điện với công việc Quản lý Vận hành đường dây của Truyền tải Điện Nghệ An - Công ty Truyền tải Điện 1 và được đi các tuyến nơi có đường dây truyền tải điện chạy trên địa bàn tỉnh mà đơn vị quản lý.

Cảnh đẹp nên thơ hiện ra trước mắt khiến tôi bấm máy không thể dừng. Những đường dây điện chạy dài xuyên qua biển mây, vượt núi, vượt đồi. Trong màn sương sớm, bên cạnh cột điện cao sừng sững những ngôi nhà nhỏ ẩn mình trong thung lũng bao quanh bởi sắc hoa trắng - đỏ, những cánh đồng lúa chín, đầm sen thơm ngát… tạo nên bức tranh phong cảnh hữu tình. Lúc này trong tôi nghĩ đến sự kết hợp giữa điện và phong cảnh hàng ngày. Từ đó, mọi tác phẩm của tôi luôn có sự xuất hiện từ đường dây đến con người... nói chung chủ thể chính luôn xoay quanh ngành Điện.

PV: Công việc thợ điện và nhiếp ảnh anh đều yêu thích, vậy anh làm thế nào để cân bằng làm tốt được cả hai?

Võ Thành Vinh: Hằng ngày, tôi vẫn thực hiện công việc chuyên môn chính là nhân viên Quản lý Vận hành đường dây của Truyền tải Điện Nghệ An. Trong quá trình làm việc, tôi luôn mang theo máy để chụp ảnh kỹ thuật, cuộc sống lao động của công nhân viên ngành điện, sau gửi cho Ban Truyền thông để sử dụng trong các công tác huấn luyện, tuyên truyền... Ảnh của tôi thiên hướng tả thực, tái hiện lại bức tranh lao động sản xuất, kiểu có gì chụp nấy theo góc nhìn của mình.

Thấy tôi có chút tài năng nên Ban Lãnh đạo Công ty Truyền tải Điện I cũng giao thêm nhiệm vụ chụp ảnh các công trình thi công làm tư liệu. Thỉnh thoảng tôi được Tập đoàn Điện lực Việt Nam cho tham gia cùng đoàn công tác để chụp ảnh tại các tỉnh ở khu vực phía Bắc. Vì vậy, nghề nhiếp ảnh tưởng chừng là tay trái nhưng cũng là nhiệm vụ chính mà tôi phải hoàn thành thật tốt. Có khi rèn luyện nhiều nên giờ tôi thuận cả hai tay, thợ điện -  nhiếp ảnh tuy hai mà một... (cười tươi). Hai tay hỗ trợ nhau, lên xuống hòa nhịp thì tôi mới có thể hoàn thành công việc được. 

Tôi cũng tranh thủ cuối tuần hoặc thời gian rảnh để thực hiện khát vọng "nhiếp ảnh chuyên sâu" của mình. Qua mỗi lần bấm máy, tôi rút ra nhiều bài học để lần sau căn góc, ánh sáng, điều chỉnh độ mở ống kính cho phù hợp. Kinh nghiệm cứ tự nhiên mà dày lên cùng tháng ngày gắn bó, lâu dần tôi sẽ biết tự điều chỉnh khi nào cần thiên về kỹ thuật, lúc nào hướng về nghệ thuật. 

Hàng nghìn tác phẩm của nhiếp ảnh gia Võ Thành Vinh luôn lấy chất liệu chính từ ngành Điện

PV: Theo anh chia sẻ, tác phẩm mà không có chủ thể ngành điện thì sẽ cảm thấy bứt rứt, thiếu thiếu điều gì đó. Việc chụp hàng nghìn bức ảnh chỉ với một chủ thể chính làm trung tâm có tạo khó khăn trong quá trình sáng tạo nghệ thuật? 

Võ Thành Vinh: Khi đã yêu… thì mọi khó khăn đều hóa giải. Chỉ cần được chụp ảnh về ngành điện tôi như đắm mình trong thế giới riêng, nơi thỏa sức đam mê sáng tạo.

Để có tấm ảnh đẹp tôi thường thức dậy trước vài ba tiếng khi bình minh ló dạng để kịp bắt trọn khoảng khắc ngày mới. Hay những địa điểm chụp cách cả trăm cây số, một mình với xe máy, mang theo máy ảnh, ống kính, flycam chạy giữa trưa hè hay đêm đông lạnh giá, bụi phủ bạc màu áo cam, vào gần tới nơi phải bỏ lại xe máy trèo lên đồi núi cao, có khi phải lội qua các đám ruộng để tìm góc máy đẹp.

Với trách nhiệm là một nhiếp ảnh công tác trong ngành, mỗi bức ảnh tôi luôn muốn truyền tải thông điệp tới người xem về cảnh đẹp, công việc thầm lặng của cán bộ, công nhân viên ngành điện, đang góp sức mang ánh sáng đến muôn nơi trên mọi miền của Tổ quốc. Đây cũng là mong ước của tôi đưa công việc đặc thù này đến gần hơn với nhân dân, để ai cũng thấu hiểu, cảm thông và san sẻ cùng ngành điện lực.

PV: Cho đến nay, chuyến công tác nào dài nhất mà anh đã thực hiện với vai trò nhiếp ảnh - thợ điện?

Võ Thành Vinh: Chắc chắn là chuyến đi "phượt được cấp phép" trong tháng 6 và 7/2024! Khi đó tôi thực hiện nhiệm vụ ghi hình tư liệu từ EVN, Tổng Công ty Truyền tải Điện 1 cho dự án Đường dây 500kV mạch 3 từ Quảng Trạch (Quảng Bình) đến Phố Nối (Hưng Yên). Đây là dự án trọng điểm Quốc gia được Chính phủ đặc biệt quan tâm.

Trở về nhà tôi "xin phép" vợ đi công tác dài ngày. Vợ tôi không nói gì chỉ lẳng lặng gật đầu rồi chuẩn bị quần áo, ít thuốc men, dầu gió để mai tôi lên đường. Sống với nhau từ thuở đầu xanh đến giờ tóc đã phủ muối tiêu, cô ấy luôn hiểu và ủng hộ đam mê của tôi.

Sáng sớm, tôi cùng con ngựa chiến (xe máy), mang theo vali đồ nghề ngược vào điểm đầu tiên (Quảng Trạch - Quảng Bình). Ròng rã 60 ngày, gần 600km, tôi tiếp cận từng vị trí thi công trên 4 cung đoạn Quảng Trạch (tỉnh Quảng Bình) - Quỳnh Lưu (tỉnh Nghệ An) - tỉnh Thanh Hóa - Nhà máy Nhiệt điện Nam Định 1 - TBA 500kV Phố Nối (tỉnh Hưng Yên). Các vị trí gần đường lớn thì định vị google map, các khu vực nằm sâu hơn phải lân la hỏi người dân địa phương. Cũng có những lần tôi bị lạc gần nửa ngày do trèo núi cao mà điện thoại bị rơi, may có chút kỹ năng sinh tồn từ những lần tác nghiệp trước nên bám theo đường mòn đi lên, cuối cùng cũng gặp được các tổ thi công. Nhìn thấy tôi nhiều anh em cứ bảo "anh vất vả quá", nhưng thật ra công việc của họ mới gọi là gian truân, nguy hiểm. Thợ điện chúng tôi là vậy đó, làm nhiều, làm vì trách nhiệm lên luôn thấy người khác khổ hơn mình thôi...

Một chuyến đi cho tôi quá nhiều kinh nghiệm và trải nghiệm, có nhiều người bạn mới và đặc biệt khi đến từng vị trí cột tôi đã cảm nhận không khí "công trường rộn tiếng ca" những dự án tăng tốc về đích. 

PV: Thành quả sau 2 tháng đeo bám công trường mạch 3 của anh là gì? 

Võ Thành Vinh: Chuyến đi dài ngày đã giúp tôi chụp được hàng nghìn tấm ảnh với sắc thái, công việc khác nhau. Có nhiều bức nghệ thuật nhưng cũng có những bức ảnh phản ánh thực tế về ăn ở, sinh hoạt của công nhân tại công trường. 

Bữa cơm trên cao lộng gió của người công nhân tại công trình đường dây 500kV mạch 3 Quảng Trạch (Quảng Bình) - Phố Nối (Hưng Yên)

Có những nhóm thi công trên cột cao mấy chục mét, mọi sinh hoạt ăn ngủ nghỉ đều ở trên đó từ sáng đến tối. Buổi trưa anh em lấy mặt phẳng trên đỉnh cột làm bàn ăn, tranh thủ ôm cột nghỉ ngơi lấy sức để chiều còn tiếp tục công việc. Trong chuyến công tác này, tôi đã có 01 bức ảnh có tên "Lấp lánh nốt nhạc cam" đạt giải Nhất tại cuộc thi ảnh nghệ thuật "EVN - 70 năm đổi mới cùng đất nước". Nhờ vậy mới có dịp ra Thủ đô gặp các anh chị em trong ngành điện và trao đổi kinh nghiệm với những nhiếp ảnh khác. . 

PV: Tác phẩm “Lấp lánh nốt nhạc cam” được ra đời trong bối cảnh nào và thông điệp anh muốn truyền tải vào tác phẩm là gì?

 

Tác phẩm đoạt Huy chương vàng: “Lấp lánh nốt nhạc cam” tại cuộc thi Triển lãm ảnh nghệ thuật "EVN - 70 năm đổi mới cùng đất nước" (tác giả Võ Thành Vinh - Nghệ An).

Võ Thành Vinh: Vào một ngày hè tháng sáu, khi hừng đông vừa ló dạng, anh em chúng tôi đã vai mang thiết bị ra quân cho ngày bận rộn mới. Tại huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hóa, tổ công tác hỗ trợ thi công đường dây 500kV mạch 3 do Truyền tải điện Kon Tum đang ra dây để lắp khung định vị, phía dưới có nhân viên hỗ trợ kéo dây đưa khung lên.

Sự tinh tế, cẩn thận trong công việc của người thợ điện được thể hiện qua từng chi tiết. Thay vì kéo thẳng vừa nhanh lại đỡ mất sức thì các anh đi vòng qua con đường lớn tránh dây làm dập lá mạ trên cánh đồng đang cấy của người dân. Dây kéo lên được cố định bởi 6 công nhân trên khung đã biến sợi thừng thô ráp thành những đường vòng cung mềm mại. Hình ảnh đó giống như một cung đàn với những nốt nhạc màu cam đang hòa quyện với gió, với mây để tạo thành bản tình ca trầm bổng.

Tôi lùi vội ra xa, thay trang thiết bị đứng lặng chờ khoảng khắc, căn chỉnh rồi bấm máy liên tục. “Bức ảnh lấp lánh nốt nhạc cam” tái hiện công việc vất vả của những công nhân ngành điện thi công trên công trường, dưới cái nắng nóng lên đến gần 40 độ C cùng gió Lào rát mặt mà vẫn nên thơ, đầy thi vị. Nghệ thuật được tạo ra chính từ những nét đẹp lao động, nơi con người cống hiến trọn vẹn tình yêu, công sức cho những điều bình dị nhất để kiến tạo nên giá trị cho cuộc sống.

Nhiếp ảnh gia Võ Thành Vinh.

  • Sinh năm: 1968
  • Nhân viên: Quản lý Vận hành đường dây của Truyền tải Điện Nghệ An - Công ty Truyền tải Điện 1.
  • Hội viên Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Nghệ An. 
  • Tác giả của hàng nghìn bức ảnh với hàng trăm giải thưởng trong nước và quốc tế, trong đó có những giải thưởng ấn tượng như: Giải đặc biệt cuộc thi ảnh: “Chào mừng 40 năm kỉ niệm quan hệ ngoại giao Việt - Nhật”; Bằng chứng nhận cuộc thi ảnh: “Đất nước và Con người bè bạn quốc tế”; Bằng chứng nhận cuộc thi ảnh toàn quốc: “Sáng tạo Thụy Điển qua lăng kính Việt Nam” và nhiều Bằng khen, Giấy khen của các cấp chính quyền và bộ ngành… Mới đây nhất là Giải Nhất cuộc thi Triển lãm ảnh nghệ thuật: “EVN – 70 năm đổi mới cùng đất nước” với tác phẩm "Lấp lánh nốt nhạc cam".


  • 28/09/2024 08:50
  • Kh.Quân
  • 5328