Kỹ sư làm lợi cho doanh nghiệp hàng tỉ đồng mỗi năm

Những sáng kiến của kỹ sư Phan Văn Điền thuộc Công ty Điện lực Củ Chi, Tổng Công ty Điện lực TPHCM (EVNHCMC) không chỉ làm lợi cho doanh nghiệp hàng tỉ đồng mỗi năm mà còn giúp cho người lao động (NLĐ) nâng cao năng suất lao động, an toàn hơn khi làm việc.

Anh là một trong 15 người được trao tặng Giải thưởng Tôn Đức Thắng năm 2024 vào ngày hôm nay (20.8).

Nhiều sáng kiến làm lợi tiền tỉ cho doanh nghiệp

Trong những sáng kiến của mình, anh Điền tâm đắc nhất với đề tài “Nghiên cứu phương pháp thi công sửa chữa bảo trì máy biến áp trên không với tiêu chí không mất điện khách hàng”, thực hiện năm 2016. Anh Điền kể, trước khi có đề tài, muốn sửa chữa, bảo trì trạm biến thế phân phối đối với đường dây trên không thì phải tiến hành cắt điện toàn bộ trạm biến áp rồi đơn vị thi công mới thực hiện công việc. Việc này khiến khách hàng bức xúc, ảnh hưởng sản lượng điện bán ra...

Từ thực trạng đó, anh Điền đã nghiên cứu phương pháp dùng máy biến thế lưu động đấu lên lưới trung thế để có nguồn phụ hạ thế và nguồn phụ này sẽ được đấu song song với lưới hạ thế của nguồn chính hiện hữu đang vận hành và đóng điện để hòa đồng bộ giữa hai nguồn. Sau đó, mới cắt nguồn chính là trạm biến áp hiện hữu ra để sửa chữa, bảo trì hoặc tăng cường công suất. Lúc này toàn bộ phụ tải được chuyển qua sử dụng nguồn phụ và khách hàng có điện liên tục. Sáng kiến này làm lợi cho doanh nghiệp 2,5 tỉ đồng/năm.

Một đề tài cũng được anh Điền tâm đắc là sáng kiến “Ứng dụng video clip hướng dẫn dùng Jumper thực hiện công tác kiểm tra thay chì FCO bằng phương pháp Bypass lưới trung thế không gây mất điện khách hàng” thực hiện năm 2017. Sáng kiến này đã làm lợi cho doanh nghiệp 2,15 tỉ đồng/năm.

Sáng kiến này có nội dung dùng Jumper có tác dụng như là dây dẫn điện tạm thời, đấu tắt vào ngàm trên và ngàm dưới FCO để dẫn điện thay thế cho dây chì. Thiết bị này cho phép thực hiện việc cô lập chì FCO tạm thời mà vẫn duy trì được dòng điện trung thế chạy qua ngàm trên và ngàm dưới FCO để cung cấp điện cho phụ tải. Vì vậy, khi cắt cần FCO ra để kiểm tra, tăng cường, thay thế chì nhưng khách hàng vẫn không bị mất điện.

Khi thực hiện thành công, nhóm tác giả đã biên soạn thành quy trình và thực hiện quay video clip để hướng dẫn cụ thể từng động tác, thao tác nhằm đáp ứng nhu cầu huấn luyện chung trong toàn EVNHCMC.

Kỹ sư Phan Văn Điền (người đứng) hướng dẫn các công nhân thao tác phòng tránh nguy cơ tai nạn lao động trên máy tính. Ảnh: Đức Long

Nâng cao năng suất, an toàn khi làm việc

Liên tục 34 năm gắn bó với ngành điện, anh Điền có rất nhiều sáng kiến không chỉ mang lại lợi ích cho doanh nghiệp mà còn giúp cho công việc của NLĐ được thuận lợi, an toàn hơn.

Ví dụ như sáng kiến “Ứng dụng hiệu ứng trong xây dựng tài liệu nhận diện rủi ro và giải pháp phòng tránh cho công nhân trực tiếp”. Anh Điền đã xây dựng tập tin Powerpoint kết hợp hình ảnh, diễn giải và thể hiện hiệu ứng cho hình ảnh trực quan, sinh động, dễ nhận diện để mô tả tình huống rủi ro và hậu quả có thể xảy ra, từ đó đưa ra giải pháp phòng tránh, để tập huấn cho NLĐ trong các buổi sinh hoạt an toàn định kỳ hàng tháng của đơn vị, qua đó góp phần nâng cao kiến thức an toàn, khả năng nhận diện yếu tố nguy hiểm, ngăn ngừa tai nạn lao động cho NLĐ.

Hay như sáng kiến “Sử dụng dụng cụ định vị đầu dây để thay CB 01 pha của điện kế bị hư hỏng”. Sáng kiến này không chỉ làm lợi cho doanh nghiệp 350 triệu đồng/năm mà còn hỗ trợ công nhân trực tiếp thực hiện công việc thay CB một cách nhanh chóng, đảm bảo tuyệt đối an toàn, nâng cao năng suất lao động và rút ngắn thời gian mất điện của khách hàng nhiều lần.

Ông Lê Văn Minh - Chủ tịch Công đoàn EVNHCMC nhận xét: “Anh Điền là một kỹ sư gắn bó lâu năm, luôn tâm huyết với ngành điện TPHCM. Những sáng kiến của anh đã mang lại hiệu quả thiết thực cho ngành điện và giúp NLĐ nâng cao năng suất lao động, bảo đảm an toàn khi làm việc”.

Link gốc


  • 20/08/2024 03:17
  • Theo laodong.vn
  • 5928