Hành trình trở thành doanh nghiệp số của EVN

Với việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ vào sản xuất - kinh doanh, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đang tiến nhanh trên con đường trở thành doanh nghiệp số.

Quyết tâm thành doanh nghiệp số

Thực hiện Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị, ngày 05/11/2018, Hội đồng thành viên EVN đã có Nghị quyết số 473/NQ-HĐTV thông qua Đề án, đồng thời ban hành Quyết định số 290/QĐ- EVN ngày 06/11/2018 phê duyệt Đề án “Nghiên cứu, phát triển, ứng dụng công nghệ của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 vào hoạt động sản xuất kinh doanh của Tập đoàn Điện lực Việt Nam”.

Ngày 08/9/2020 EVN đã mời ông Albert Antoine - Cố vấn công nghệ về trí tuệ nhân tạo (AI), khoa học dữ liệu và chuyển đối số đến từ Singapore chia sẻ những kiến thức chung về chuyển đổi số; chiến lược, lộ trình chuyển đổi số; những yếu tố quyết định thành công, những thách thức trong chuyển đổi số; kinh nghiệm chuyển đổi số của các công ty điện lực trên thế giới.

Ngày 17/2/2021, Hội đồng thành viên tập đoàn đã ban hành Nghị quyết số 68/NQ-HĐTV thông qua Đề án tổng thể Chuyển đổi số trong Tập đoàn Điện lực Quốc gia Việt Nam. 

Để triển khai thực hiện các nhiệm vụ đặt ra, Hội đồng thành viên tập đoàn đã có Quyết định số 15/QĐ-HĐTV ngày 01/3/2021 thành lập Ban Chỉ đạo Chuyển đổi số và Ứng dụng công nghệ của cuộc CMCN 4.0 vào hoạt động sản xuất kinh doanh.

Qua gần 1 năm triển khai đề án, việc triển khai các nhiệm vụ chuyển đổi số đã được thúc đẩy mạnh mẽ ở cả các khâu phát điện, truyền tải, phân phối, dịch vụ khách hàng.

EVN đã hoàn thiện cơ sở dữ liệu của hệ thống phần mềm Quản lý kỹ thuật (PMIS) : số hóa 100% thiết bị lưới điện truyền tải 220kV; 100% các tổng công ty điện lực đã hoàn thành số hóa 80% thiết bị lưới điện 110 kV; ứng dụng CNTT trong sửa chữa theo phương pháp CBM cho TBA từ 110 kV trong đó các tổng công ty điện lực đã đạt 90% nhiệm vụ giao.

Đáng chú ý, EVN đã giao EVNNPT và EVNCPC thử nghiệm ứng dụng AI trong công nghệ xử lý và nhận diện hình ảnh trong kiểm tra và giám sát hành lang tuyến đường dây bằng thiết bị chụp ảnh và thiết bị bay thông minh. EVNNPT đang triển khai thử nghiệm ứng dụng AI phân tích hình ảnh 500kV Đà Nẵng - Thạnh Mỹ, đường dây 220kV Đà Nẵng - Hòa Khánh ở giai đoạn thu thập hình ảnh và huấn luyện AI. EVNCPC đã tổ chức thập hình ảnh các tồn tại lưới điện, xây dựng module AI phân tích dữ liệu ảnh chụp, tích hợp PMIS.

Tương tác với khách hàng qua kênh số

Đối với lĩnh vực Kinh doanh dịch vụ khách hàng, EVN thực hiện 12 nhiệm vụ về quản lý và hoàn thiện quy trình nghiệp vụ theo hướng chuẩn hóa và số hóa, làm cơ sở để phát triển các ứng dụng theo hướng di động phục vụ trải nghiệm khách hàng trên nền tảng số, khuyến khích khách hàng chủ động tham gia chuyển đổi số của EVN. 

Các tổng công ty điện lực đã tăng cường khai thác dữ liệu đo xa được thu thập 1 lần/ngày và cung cấp lên các kênh website CSKH, app CSKH để khách hàng tra cứu cũng như chủ động gửi thông tin đến khách hàng để cảnh báo về việc sử dụng điện năng bất thường.

Hiện các tổng công ty đang triển khai ứng dụng Mobile, các công việc hiện trường của lĩnh vực kinh doanh và dịch vụ khách hàng được thực hiện trên thiết bị di động và cấp nhật online về hệ thống quản trị điều hành tại văn phòng; trong đó EVNHCM đã đạt 97% nhiệm vụ.

Trong lĩnh vực đầu tư xây dựng, EVN đã đẩy mạnh công tác đấu thầu qua hệ thống điện tử của Bộ KH&ĐT; Đánh giá nhà thầu giai đoạn chạy thử và giai đoạn vận hành; Ứng dụng AI trong phân tích hình ảnh để đánh giá chất lượng trong các bước thi công; Xây dựng các module Quản lý tiến độ tiên tiến; Xây dựng cơ sở dữ liệu giá vật tư thiết bị; Xây dựng thư mục quản lý hồ sơ dự án; Quản lý mua sắm vật tư thiết bị có ứng dụng QR code từ khâu mua sắm đến khâu lắp ráp, lắp đặt vật tư thiết bị…

Tuy nhiên, EVN cho biết lĩnh vực đầu tư xây dựng là một trong các lĩnh vực gặp rất nhiều thách thức trong quá trình thực hiện chuyển đổi số, đây là lĩnh vực có nhiều sự ràng buộc về pháp lý, đồng thời phương pháp quản lý, thực hiện còn mang tính thủ công nhiều. Vì vậy, tập đoàn đã thực hiện xây dựng kế hoạch chi tiết, bóc tách nội dung để giao nhiệm vụ theo tháng; Thực hiện rà soát, đôn đốc thường xuyên các đơn vị, đồng thời kịp thời giải quyết các vướng mắc liên quan đến pháp lý, nhằm đẩy nhanh tiến độ. 

Theo EVN, hạ tầng viễn thông và CNTT đóng vai trò then chốt trong quá trình chuyển đổi số của EVN, tập đoàn đang tập trung triển khai 5 nhiệm vụ trọng tâm của lĩnh vực viễn thông và CNTT gồm: Xây dựng và thiết lập hệ thống Điện toán đám mây (EVN’s Cloud); Triển khai trục tích hợp và Quản trị dữ liệu dùng chung ESB/MDM; Xây dựng kiến trúc dữ liệu và cơ sở dữ liệu dùng chung; Lựa chọn và xây dựng kiến trúc nền tảng ứng dụng (Platform); Xây dựng trung tâm an ninh mạng (SOC).

Song song với quá trình hoàn thiện, hiệu chỉnh quy trình nghiệp vụ thuộc các lĩnh vực chuyển đổi số trên, tập đoàn đã chỉ đạo thực hiện nâng cấp các phần mềm ứng dụng hướng tới có thể hoạt động được trên nền tảng hạ tầng mới, có thể hoạt động trên các thiết bị di động thông minh. Ngoài ra, tổ chức nghiên cứu các nền tảng công nghệ mới như AI, BigData, IoT, Blockchain đưa vào ứng dụng trong các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh của tập đoàn.

Năm 2022, EVN phấn đấu  hoàn thành triển khai 66 nhiệm vụ đã đề giai đoạn 2021-2022 trong Đề án tổng thể Chuyển đổi số trong Tập đoàn Điện lực Quốc gia Việt Nam.

Link gốc


  • 31/05/2022 03:29
  • Theo vietnamnet.vn
  • 8520