Giải quyết triệt để các vi phạm hành lang bảo vệ an toàn lưới điện cao áp: Lý giải thành công của EVNHCMC

Từ 4.506 vụ vi phạm hành lang an toàn lưới điện cao áp vào năm 2010, chỉ trong vòng 5 năm, Tổng công ty Điện lực TP. HCM (EVNHCMC) đã giải quyết dứt điểm tình trạng vi phạm dù phải đối mặt với vô vàn khó khăn, thách thức. Đáng nói, thành tích này đã được EVNHCMC giữ vững đến thời điểm hiện nay.

Quyết tâm và đồng thuận

Tại hẻm 13, Nguyễn Kiệm, khu phố 1 phường 5, quận Phú Nhuận, nhìn những ngôi nhà khang trang ít ai biết được rằng, cách đây chỉ 3 năm, việc xây lên tầng 2, tầng 3 để có không gian sinh hoạt rộng rãi là ước mơ xa vời của người dân nơi đây. Một số hộ dân “bất chấp” nguy hiểm, xây nhà lên cao đã phải đối mặt với không ít rủi ro, thậm chí đánh đổi cả tính mạng, do vi phạm hành lang bảo vệ an toàn lưới điện cao áp (HLBVATLĐCA)...

Bà Phạm Thị Tức (số nhà 562/56, Nguyễn Kiệm, khu phố 1) cho biết: “Từ năm 2015 trở về trước, khi đường điện chưa được nâng cao, người dân ở đây khổ lắm. Nhà chỉ dám xây cấp 4, cố lắm cũng chỉ lên được tầng lửng/gác xép, rất chật chội. Nhờ ngành Điện thay trụ điện mới, nâng cao đường dây, chúng tôi được xây nhà cao hơn, sinh hoạt thông thoáng hơn trước và không còn lo xảy ra các tai nạn điện”.

Công nhân EVNHCMC thường xuyên đi tuyên truyền, vận động người dân tuân thủ khoảng cách HLBVATLĐCA 

Ông Trần Công Đẹp - Phó Phòng An toàn, Công ty Lưới điện Cao thế TP.HCM cho biết, trước năm 2015, 31 hộ dân vi phạm HLBV ATLĐCA ở khu phố 1, phường 5 là một “nút thắt” rất khó giải tỏa. Hầu hết các gia đình ở đây đều có hoàn cảnh khó khăn, nhiều người cùng cư trú trong một căn nhà nên việc loại bỏ vi phạm sẽ làm diện tích bị thu hẹp, gây khó khăn cho người dân. Sau nhiều lần họp bàn với UBND phường, tổ dân phố và lấy ý kiến của dân, phương án giải quyết được đưa ra là thay thế trụ điện (trụ số 16) kết hợp trồng chèn thêm trụ mới (số 17A), nâng cao đường dây điện, đảm bảo khoảng cách an toàn cho các hộ dân dưới hành lang lưới điện cao áp. 

Tuy nhiên, khi đã thống nhất, vấn đề nan giải mới lại xuất hiện, đó là không có đường cho xe cơ giới vào thi công thay thế trụ điện. Sau nhiều lần kiên trì, vận động và thuyết phục, cuối cùng chủ hộ liên quan đã đồng ý tạm chuyển chỗ ở sang nơi khác, ngành Điện phá dỡ nhà hiện tại, lấy mặt bằng thi công, sau đó, sẽ xây dựng lại căn nhà cho chủ hộ...

Theo ông Đẹp, sự quyết tâm, kiên trì của ngành Điện, của chính quyền địa phương cùng sự đồng thuận của người dân là yếu tố quan trọng làm nên thành công trong xử lý vi phạm HLBVATLĐCA. Chỉ khi giải quyết vấn đề có lý, có tình, đảm bảo được lợi ích của người dân và ngành Điện, mọi việc mới được thuận lợi.

Sự quyết liệt của cả hệ thống chính trị

Trường hợp ở khu phố 1, phường 5, quận Phú Nhuận chỉ là một trong hàng nghìn vụ vi phạm HLBVATLĐCA ở TP.HCM trước năm 2015. Ông Huỳnh Lê Khương - Phó trưởng Ban An toàn EVNHCMC cho biết, đến năm 2010, tình trạng vi phạm hành lang bảo vệ an toàn lưới điện cao áp vẫn là nỗi nhức nhối của đơn vị, với 4.605 điểm vi phạm. 

Đáng nói, để giải quyết triệt để các vụ vi phạm, EVNHCMC phải đối mặt với rất nhiều khó khăn. Đặc thù của thành phố là mật độ xây dựng cao, nên việc phá dỡ các điểm vi phạm cũng như tìm mặt bằng để thay trụ hay trồng chèn thêm trụ mới là vô cùng khó khăn. Trong nhiều trường hợp, người dân không đồng ý phá dỡ điểm vi phạm; hoặc không đồng tình với mức giá đền bù giải phóng mặt bằng điểm trồng trụ mới... Đó là chưa kể, vừa phải giảm dần những điểm vi phạm cũ, EVNHCMC cũng phải đối mặt với việc kiểm soát không để phát sinh những vi phạm mới.

Với quyết tâm cao, cả hệ thống chính trị của TP.HCM đã vào cuộc, với sự tham gia tích cực từ UBND Thành phố, đến các cấp quận/huyện, xã/phường, tổ dân phố cùng chung tay với ngành Điện. Lãnh đạo Tổng công ty Điện lực TP.HCM cũng quyết liệt trong chỉ đạo, giao chỉ tiêu cụ thể về giảm thiểu số vụ vi phạm, đưa vào chấm điểm thi đua, đánh giá hoàn thành nhiệm vụ từng năm cho các đơn vị. 

Ông Khương cho biết: “Có những vụ việc, ngành Điện vừa phối hợp với tổ dân phố, UBND phường tổ chức các cuộc họp, kiên trì vận động, kêu gọi người dân tuân thủ các quy định về HLBVATLĐCA, phá dỡ các điểm vi phạm; vừa đến từng gia đình, vận động, giải đáp thắc mắc. Một lần chưa thành công thì 2-3 lần, thậm chí có những nơi, phải thuyết phục đến hàng chục lần”. 

Tổng công ty cũng triển khai các giải pháp kỹ thuật, cải tạo lưới điện, góp phần làm giảm tình trạng vi phạm HLBVATLĐCA như, nâng độ cao đường dây, đảm bảo khoảng cách an toàn với mặt đất; triển khai ngầm hóa lưới điện... Với những ngõ/hẻm/đường phố được mở rộng trong quá trình đô thị hóa, EVNHCMC kết hợp di dời và cải tạo lưới điện sao cho phù hợp, đảm bảo an toàn hành lang tuyến.

Song song với việc xử lý dứt điểm các vụ vi phạm cũ, EVNHCMC cũng tăng cường kiểm tra, xử lý kịp thời các vụ việc có nguy cơ tái vi phạm hoặc vi phạm mới. Tổng công ty thường xuyên phối hợp với chính quyền các địa phương, nắm bắt kịp thời các thông tin về các công trình xây dựng, từ đó tiến hành tư vấn, hướng dẫn các tổ chức/cá nhân thực hiện các công trình xây dựng, tuân thủ khoảng cách an toàn.

Theo ông Khương, vấn đề quan trọng, quyết định sự thành công của EVNHCMC trong xử lý vi phạm HLATLĐCA, là sự quyết tâm của lãnh đạo Tổng công ty; đặc biệt là sự vào cuộc đồng bộ, chỉ đạo sâu sát, hỗ trợ của UBND TP với việc thành lập Ban Chỉ đạo Bảo vệ an toàn công trình lưới điện cao áp do Phó Chủ tịch UBND Thành phố làm Trưởng ban. Khi có vụ việc vi phạm mới hoặc những vụ việc khó giải quyết, chính quyền Thành phố hoặc các địa phương lập tức cùng vào cuộc tìm phương án giải quyết sao cho thấu tình, đạt lý. 

Số vụ vi phạm HLATLĐCA trên địa bàn TP.HCM từ 2010-2018:

 


  • 13/08/2018 09:10
  • Theo TCĐL Chuyên đề Quản lý & Hội nhập
  • 17610