Đảm bảo an toàn hồ đập trước mùa mưa bão: Chuẩn bị kỹ, giảm rủi ro

Các nhà máy thủy điện do Tập đoàn Điện lực Việt Nam quản lý đều có dung tích hồ chứa lớn, nên nếu không chuẩn bị kỹ trong việc đảm bảo an toàn hồ, đập, phòng chống thiên tai, nguy cơ mất an toàn hạ du là rất lớn.

Đổi mới cách làm

Những năm gần đây, do phải thường xuyên đối mặt với thiên tai, bão lũ, chủ đầu tư các nhà máy thủy điện đã thêm nhiều kinh nghiệm, từ đó, có cách làm bài bản và chuyên nghiệp hơn trong phòng chống thiên tai (PCTT) phù hợp với điều kiện tự nhiên ở từng khu vực.

Đơn cử, tại Công ty Thủy điện Buôn Kuốp, việc sửa chữa, bảo dưỡng thiết bị, công trình, phục vụ phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn; tổ chức diễn tập xả lũ; cập nhật đầy đủ thông tin vận hành hồ chứa,…, đã được hoàn thành từ rất sớm. Ông Nguyễn Tấn Triết - Phó Giám đốc Công ty cho biết, từ năm 2009, khi các hồ chứa bắt đầu đưa vào vận hành, tuy có trang bị còi báo động công suất lớn để phát tín hiệu thông báo trước khi mở cửa tràn xả lũ, nhưng bán kính lan truyền âm thanh không vượt quá 4 km, trong khi hạ du các hồ trải dài vài chục km. Chính vì vậy, đơn vị đã lắp 19 trạm “cảnh báo xả lũ từ xa” (tăng 5 trạm so với năm 2017) đặt dọc theo bờ sông vùng hạ du các hồ chứa. Nhờ được cảnh báo sớm, người dân có đủ thời gian, chủ động di dời người, tài sản ra khỏi khu vực nguy hiểm khi nhà máy xả lũ.

Đối với Công ty CP Thuỷ điện A Vương, ngoài các biện pháp PCTT triển khai định kỳ, Công ty đã thực hiện quan trắc, tính toán mực nước hồ, lưu lượng nước đến hồ, lưu lượng xả qua đập tràn, qua nhà máy liên tục với tần suất 15 phút – 1 giờ/lần. Đồng thời liên tục cập nhật, báo cáo số liệu quan trắc thủy văn hồ chứa, cho Ban chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Quảng Nam và thường xuyên liên hệ, trao đổi, tham mưu giúp UBND tỉnh Quảng Nam chỉ huy vận hành hồ chứa sát với tình hình thực tế, mang lại hiệu quả trong việc cắt/giảm/ lũ vùng hạ du. 

Công ty Thủy điện Hòa Bình có sự chuẩn bị kỹ lưỡng trước mùa mưa bão năm nay

Đặc biệt, để tiến hành quan trắc, thu thập thông tin lượng mưa trên lưu vực, Công ty đã lắp 7 trạm đo mưa tự động với tần suất quan trắc 1 giờ/lần, đảm bảo đo lượng mưa chính xác hơn. Ngoài ra, Công ty hoàn thành lắp hệ thống camera giám sát mực nước tại thượng lưu hồ chứa và giám sát các cửa van cung xả tràn, phục vụ truyền dữ liệu cho các cơ quan liên quan. 

Ông Ngô Sơn Hải – Phó Tổng giám đốc EVN cho biết, EVN cũng đã yêu cầu các nhà máy thủy điện kiểm tra hiện trạng dòng chảy thoát lũ ở hạ lưu đập và kịp thời xử lý các vi phạm, lấn chiếm, ảnh hưởng tới khả năng thoát lũ của công trình, đảm bảo xả lũ an toàn, đồng thời ngăn ngừa và hạn chế thiệt hại cho hạ lưu khi xả lũ.

Phối hợp chặt với địa phương

Đề cao vai trò phối hợp với địa phương trong PCTT, trong những năm các nhà máy thủy điện của EVN luôn chủ động phối hợp, tham mưu với chính quyền địa phương để công tác vận hành hiệu quả nhất. Điển hình, Công ty CP Thủy điện Đa Nhim – Hàm Thuận – Đa Mi (DHD) luôn cung cấp kịp thời tới địa phương các thông tin về vận hành hồ chứa, cảnh báo lũ,...

Việc phối hợp với chính quyền địa phương trong vận hành xả lũ được bắt đầu ngay từ khâu kiện toàn Ban Chỉ huy PCTT&TKCN. Công ty và địa phương đều cử thành viên tham gia trực tiếp, phối hợp PCTT&TKCN. Hàng năm, trước, trong và sau mùa mưa bão, các bên đều tiến hành phối hợp kiểm tra, tuần tra… khu vực hạ du hồ chứa. 

Ông Đỗ Minh Lộc – Phó Tổng giám đốc DHD cho biết: “Trong quá trình điều tiết lũ hồ chứa, lãnh đạo Ban chỉ huy PCTT&TKCN Công ty và địa phương đều tham gia chỉ đạo trực tiếp và sâu sát tại trung tâm điều hành các đập. Ngoài ra, các kênh cung cấp thông tin về khu vực hồ chứa và hạ du luôn liên tục đảm bảo thông suốt, và kịp thời. Đối với việc quản lý hành lang an toàn các hồ chứa, Công ty luôn tiến hành kiểm tra định kỳ hàng tháng, quý, kiểm tra đột xuất,…, để có thể sớm phát hiện các hành vi vi phạm”.

Công ty Thủy điện Hòa Bình cũng đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong việc cắt lũ, đảm bảo an toàn cho thủ đô Hà Nội và đồng bằng sông Hồng, vì thế, Công ty đã đẩy mạnh tuyên truyền cảnh báo đối với người dân vùng hạ du thông qua 7 điểm thông báo xả lũ hạ lưu công trình đặt ở UBND các xã ven sông thuộc TP. Hòa Bình và huyện Kỳ Sơn. Công ty phối hợp với Đài Truyền hình Hòa Bình làm phóng sự về PCTT&TKCN, phối hợp cùng Công ty Cổ phần Quản lý Bảo trì đường thủy nội địa số 9, tuyên truyền về PCTT&TKCN cho bà con nhân dân và các chủ phương tiện thủy khu vực thượng, hạ lưu đập. 

Theo ông Ngô Sơn Hải – Phó Tổng giám đốc EVN: Trong thời gian vừa qua, Chính phủ đã ban hành 11 quy trình vận hành liên hồ chứa của các lưu vực sông trong cả nước. Trong đó, đã giao nhiệm vụ cho Trưởng ban Chỉ huy PCTT&TKCN của các tỉnh thực hiện công tác chỉ huy vận hành xả lũ các hồ chứa thủy điện. EVN đã chỉ đạo các công ty thủy điện luôn tuân thủ sự chỉ đạo của BCH PCTT&TKCN địa phương. 

EVN cũng chỉ đạo các công ty thủy điện chủ động tham mưu cho BCH PCTT&TKCN địa phương thường xuyên và liên tục, trong mùa lũ và trong mùa khô, đảm bảo sử dụng hợp lý nguồn nước, phục vụ phát triển kinh tế, giảm thiệt hại cho người dân hạ du khi có mưa lũ lớn xảy ra, sử dụng hiệu quả nguồn nước trong mùa khô phục vụ tưới tiêu nông nghiệp của địa phương. 


  • 10/08/2018 03:56
  • Theo TCĐL Chuyên đề Quản lý & Hội nhập
  • 18513