EU hỗ trợ Việt Nam phát triển năng lượng bền vững

Tại Hội thảo khởi động Chương trình “Hỗ trợ của Liên minh Châu Âu (EU) cho phát triển năng lượng bền vững tại Việt Nam”, Trưởng Phái đoàn EU tại Việt Nam, T.S Franz Jessen đã cam kết hỗ trợ không hoàn lại cho Việt Nam 346 triệu Euro phát triển năng lượng sạch, năng lượng tái tạo.

EU hỗ trợ 346 triệu Euro giúp Việt Nam phát triển năng lượng bền vững - Nguồn: Internet

Việt Nam cần sự hỗ trợ để phát triển năng lượng

Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2050 đề ra mục tiêu phấn đấu đảm bảo cung cấp đủ năng lượng cho nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Cụ thể, đến năm 2020 đạt khoảng 100 – 110 triệu TOE (tấn dầu quy đổi) năng lượng sơ cấp và khoảng 310 – 320 triệu TOE vào năm 2050, tăng tỷ lệ các nguồn năng lượng mới và tái tạo lên khoảng 5% vào năm 2020.

Mục tiêu phát triển năng lượng tái tạo cũng được đề cập trong Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011 – 2020, có xét đến năm 2030 (Quy hoạch điện VII): “Ưu tiên phát triển nguồn điện từ năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời, điện sinh khối…), phát triển nhanh, từng bước gia tăng tỷ trọng của điện năng sản xuất từ nguồn năng lượng tái tạo. Sử dụng các nguồn năng lượng mới và tái tạo để cấp điện cho các khu vực vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo”…

Thực tế, Việt Nam có lợi thế lớn với sự đa dạng nguồn năng lượng tái tạo. Theo tài liệu của Ngân hàng Thế giới (WB), tiềm năng điện gió của Việt Nam khoảng 2.099.333 MW, tổng diện tích có thể phát triển điện gió là 209.933 km2, chiếm 63% diện tích lãnh thổ.Về năng lượng mặt trời, theo báo cáo của Trung tâm Năng lượng - Môi trường và Công nghệ (CIEMAT) năm 2014, tổng xạ trung bình tại khu vực phía Bắc, ven biển miền Trung, phía Nam lần lượt là 3.4, 3.8, 4.8 kWh/m2/ngày. Đây là lượng bức xạ cao, đủ để khai thác điện mặt trời.

Tuy nhiên, theo Viện Năng lượng Bộ Công Thương, dù có nguồn năng lượng tái tạo dồi dào, nhưng Việt Nam chưa khai thác một cách hiệu quả. Hiện cả nước chỉ có khoảng 52 MW điện gió. Còn điện mặt trời mới chỉ lắp đặt được 4 MW, chủ yếu ở dạng thí nghiệm. Với năng lượng sinh khối, Việt Nam có tổng công suất khoảng 150 MW, sản xuất điện chủ yếu từ bã mía tại các nhà máy đường.

Viện Năng lượng cũng đưa ra những khó khăn, vướng mắc trong việc phát triển năng lượng tái tạo ở nước ta. Hiện nay, lợi nhuận từ việc khai thác điện gió, điện mặt trời chưa đủ sức hấp dẫn các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Bên cạnh đó, giá thành các loại năng lượng tái tạo lại cao hơn giá năng lượng truyền thống. Một thách thức nữa là hiểu biết về năng lượng tái tạo của người dân nhìn chung còn hạn chế...

Việt Nam ngày càng phụ thuộc nhiều vào các nguồn năng lượng truyền thống. Trong khi đó, nhu cầu năng lượng cho phát triển kinh tế - xã hội ngày càng gia tăng. Điều  này dẫn đến nguy cơ Việt Nam sẽ thiếu hụt năng lượng trong 10 năm tới. Tại Hội thảo Khởi động chương trình “Hỗ trợ của Liên minh Châu Âu cho phát triển năng lượng bền vững tại Việt Nam”, Thứ trưởng Bộ Công thương Hoàng Quốc Vượng cho biết, Việt Nam cần sự hỗ trợ hoạch định chiến lược phát triển ngành năng lượng, quy hoạch năng lượng, xây dựng thị trường năng lượng cạnh tranh để cải thiện hiệu quả và năng suất của ngành năng lượng, tăng tỷ trọng các nguồn năng lượng sạch và năng lượng tái tạo, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.

EU viện trợ 346 triệu Euro

“EU muốn trở thành một đối tác chiến lược và thúc đẩy việc thực hiện chương trình hỗ trợ năng lượng một cách hiệu quả, thuận lợi, với các lợi ích bền vững cho người dân Việt Nam”, đó là khẳng định của Tiến sĩ Franz Jessen - Trưởng Phái đoàn EU tại Việt Nam.

Giai đoạn 2011 – 2020, Việt Nam ưu tiên phát triển nguồn điện từ năng lượng tái tạo. Ảnh minh họa

Ông Franz Jessen khẳng định, Hội thảo khởi động chương trình “Hỗ trợ của Liên minh Châu Âu cho phát triển năng lượng bền vững tại Việt Nam” là sự kiện đánh dấu việc chính thức hợp tác giữa EU và Việt Nam trong lĩnh vực năng lượng. Theo đó, giai đoạn 2014 – 2020, EU có kế hoạch sẽ viện trợ không hoàn lại 346 triệu Euro cho Việt Nam nhằm giúp Việt Nam sản xuất và tiêu thụ năng lượng một cách hiệu quả hơn; tăng tỉ lệ năng lượng sạch và năng lượng tái tạo trong tổng năng lượng sản xuất; mọi người dân được tiếp cận các dịch vụ năng lượng tin cậy và bền vững.

Những mục tiêu này sẽ được chi tiết hóa thông qua việc hợp tác chặt chẽ với Chính phủ Việt Nam. Theo ông Franz Jessen, việc hỗ trợ phát triển năng lượng bền vững của EU sẽ được thực hiện thông qua các phương thức: Tiếp cận dự án hoặc hỗ trợ kỹ thuật, hỗ trợ ngân sách ngành, và các hoạt động tài chính.

Theo Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng, chương trình Hỗ trợ của Liên minh châu Âu cho phát triển năng lượng bền vững tại Việt Nam sẽ góp phần giúp Việt Nam cải thiện hiệu quả sản xuất và tiêu thụ năng lượng tại Việt Nam, gia tăng tỷ trọng năng lượng sạch và năng lượng tái tạo trên tổng năng lượng sản xuất và mọi người dân được tiếp cận với các dịch vụ năng lượng tin cậy và bền vững.

Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011 – 2020, có xét đến năm 2030:

“Ưu tiên phát triển nguồn điện từ năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời, điện sinh khối,…), phát triển nhanh, từng bước gia tăng tỷ trọng của điện năng sản xuất từ nguồn năng lượng tái tạo:

- Đưa tổng công suất nguồn điện gió từ mức không đáng kể hiện nay lên khoảng 1.000 MW vào năm 2020, khoảng 6.200 MW vào năm 2030; điện năng sản xuất từ nguồn điện gió chiếm tỷ trọng từ 0,7% năm 2020 lên 2,4% vào năm 2030.

- Phát triển điện sinh khối, đồng phát điện tại các nhà máy đường, đến năm 2020, nguồn điện này có tổng công suất khoảng 500 MW, nâng lên 2.000 MW vào năm 2030; tỷ trọng điện sản xuất tăng từ 0,6% năm 2020 lên 1,1% năm 2030”.

 


  • 02/06/2015 02:40
  • Theo Tạp chí Điện lực chuyên đề Quản lý và Hội nhập
  • 26971


Gửi nhận xét