Công ty Điện lực Thừa Thiên Huế: Giải pháp chống cháy hộp chia dây

Chỉ tính riêng hai tháng đầu năm 2017, trên địa bàn thành phố Huế, đã xảy ra gần 30 vụ cháy điện, trong đó chủ yếu là cháy hộp chia dây trên lưới hạ thế. Để giải quyết tình trạng này, nhiều giải pháp đã được Công ty Điện lực Thừa Thiên Huế áp dụng thành công.

Theo ông Lê Hùng Sơn, Trưởng phòng Kế hoạch, Công ty Điện lực Thừa Thiên Huế, nếu sử dụng hộp chia dây từ đường dây hạ thế chính kéo xuống nối với các công tơ cấp điện cho khách hàng sẽ giảm được số lượng khách hàng đấu trực tiếp vào đường dây chính. Từ đó giảm nguy cơ cháy hộp chia dây.

Trước đây, trong hộp chia dây, tại các điểm đấu nối nguồn cho phụ tải của khách hàng với đường dây 0,4 kV, thường xảy ra sự cố gây mất điện. Việc có nhiều điểm tiếp xúc trong hộp đã gây ra tình trạng mô ve phát nhiệt, dẫn đến sự cố mất điện. Trong đó, sự cố do mất trung tính của cụm phụ tải làm hư hỏng thiết bị của khách hàng, gián đoạn cung cấp điện là điều trăn trở của công nhân trực tiếp quản lý vận hành đường dây. Những sự cố này thường dẫn đến cháy, hỏng hàng loạt thiết bị tại các pha có phụ tải thấp hoặc cháy hộp chia dây gây gián đoạn cung cấp điện và cung cấp dịch vụ của các nhà mạng.

“Rút kinh nghiệm từ những sự cố trên, để hạn chế hư hỏng thiết bị và đảm bảo cung cấp điện ổn định cho khách hàng, Công ty Điện lực Thừa Thiên Huế đã tăng cường, kiểm tra xử lý điểm tiếp xúc đấu nối trong hộp chia dây lưới điện hạ áp; sử dụng các vật liệu có độ bền cao như đồng mạ bạc tại điểm tiếp xúc; tăng kích thước điểm tiếp xúc cầu chia dây và đầu cốt, tăng số hộp chia dây, giảm số lượng đường dây của khách hàng đấu lên đường dây chính” – ông Lê Hùng Sơn cho biết.

Đối với các hộp hạ áp có số lượng khách hàng ít, thực hiện mỗi hộp chia dây chỉ đấu nối vào 01 pha, tránh tình trạng điện áp tăng cao khi mất trung tính tại hộp chia dây, hoặc dùng hộp chia dây trang bị thiết bị cắt có bảo vệ quá áp… Đối với những cột có số lượng khách hàng nhiều, Công ty đã chỉ đạo tăng cường phát triển nhánh rẽ để phân bố lại phụ tải, trên cơ sở tận dụng cột điện và cáp vặn xoắn thu hồi. Mặc dù, các biện pháp trên đã được sử dụng, nhưng cũng chỉ hạn chế sự cố, không thể loại trừ hoàn toàn sự cố.

Trước tình hình đó, nhiệm vụ đặt ra là tìm giải pháp khắc phục một cách cơ bản sự cố mất trung tính của cụm các thùng công tơ sử dụng hộp chia dây. Công ty đã chỉ đạo thiết kế, chế tạo hộp chia dây cho các thùng công tơ cấp điện cho các phụ tải sinh hoạt theo các tiêu chí: Vị trí lắp đặt hộp chia dây được tiến hành cùng với các thùng công tơ có độ cao 2,5 mét so với mặt đất, rất thuận tiện khi kiểm tra cân bằng pha, thay thế công tơ định kỳ. 

Đồng thời, đơn vị tiến hành tách cầu trung tính đấu chung trong hộp chia dây theo kiểu cũ thành 3 cầu trung tính độc lập với nhau, mỗi cầu dùng dây dẫn riêng đấu nối với dây trung tính từ đường đường trục 0,4 kV vào. Khi xảy ra sự cố, dây trung tính đường trục đến cầu trung tính trong hộp chia dây sẽ mất điện, loại bỏ hoàn toàn tình trạng mất trung tính của các cụm công tơ. 

Giải pháp này cho phép cắt điện cục bộ và đặt tiếp địa di động khi công tác trên đường trục hạ áp và thùng công tơ; giảm bớt nhân công và chi phí vật liệu cho việc cân pha, đảo pha do thực hiện ở độ cao 2,5m so mặt đất, không phải trèo cao, không phải thay kẹp cáp vặn xoắn rất tốn kém và đảm bảo mỹ quan cho công trình điện.

Hiện nay, PC Thừa Thiên Huế vẫn đang tiếp tục triển khai quyết liệt các giải pháp chống cháy hộp chia dây trên lưới điện hạ thế, phấn đấu trong năm 2017 hạn chế tối đa sự cố lưới điện do cháy hộp chia dây gây ra. 


  • 11/06/2017 02:16
  • Theo TCĐL Chuyên đề Quản lý và Hội nhập
  • 10360