Vào cuộc đồng bộ để giảm tai nạn điện trong dân

Năm 2016, cả nước xảy ra 73 vụ tai nạn điện trong dân, tăng 14 vụ so với năm 2015. Làm thế nào giảm tai nạn điện đang là vấn đề cấp bách, cần sự vào cuộc của cả cộng đồng.

Vẫn còn nhiều nhức nhối

Ông Đỗ Mộng Hùng - Trưởng Ban An toàn EVN cho biết, năm 2016, đã xảy ra 73 vụ tai nạn điện trong dân do vi phạm hành lang bảo vệ an toàn lưới điện cao áp (HLBVATLĐCA), tăng 14 vụ so với năm 2015; làm 35 người chết, 54 người bị thương. Đặc biệt, có tới 96% số vụ tai nạn xảy ra ở cấp điện áp từ 10 - 35 kV.

Nguyên nhân chủ yếu của các vụ tai nạn là do ý thức của người dân chưa cao. Nhiều người dù biết điện gây nguy hiểm đến tính mạng nhưng vẫn chủ quan, không có các giải pháp đảm bảo an toàn khi thi công các công trình dân dụng. Nhiều người lắp đặt biển quảng cáo, kéo cáp thông tin, viễn thông vi phạm khoảng cách an toàn lưới điện; cải tạo công trình, nhà ở, chặt tỉa cây trong HLBVATLĐCA; sử dụng điện không đúng mục đích như đánh bắt cá, bẫy chuột...

Một trường hợp điển hình vào tháng 7/2016, xảy ra vụ tai nạn điện thương tâm tại xã Tân Hương, huyện Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên làm anh Đồng Văn Hương chết tại chỗ. Nguyên nhân là, chủ nhà tự ý cơi nới xây thêm công trình phụ (không nằm trong cấp phép được xây dựng) gần với đường dây điện cao thế 35 kV, khi đứng trên giàn giáo chuẩn bị thi công, anh Hương bị điện từ đường dây 35 kV phóng vào người, rơi xuống đất, tử vong tại chỗ.

Cần sự vào cuộc đồng bộ

Nhiều năm qua, việc vi phạm HLBVATLĐCA và tai nạn điện trong dân luôn là vấn đề “nóng”, được ngành Điện đặc biệt chú trọng. EVN và các đơn vị thành viên đã và đang nỗ lực triển khai nhiều giải pháp phòng ngừa, ngăn chặn tình trạng này. 

Ông Nguyễn Đức Thịnh - Phó Giám đốc Công ty Điện lực Đống Đa (Tổng công ty Điện lực TP.Hà Nội) cho biết, giải pháp được Công ty ưu tiên hàng đầu là đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn người dân thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn điện.

“Không chỉ tổ chức tuyên truyền tại các tổ dân phố, trường học, cán bộ công nhân viên PC Đống Đa còn đến trực tiếp từng hộ gia đình phát tờ rơi “Phòng chống tai nạn điện trong nhân dân”; hướng dẫn, khuyến cáo người dân nâng cao ý thức chấp hành các quy định pháp luật về an toàn điện cũng như cách sử dụng điện an toàn, hiệu quả…”, ông Thịnh cho hay.

Ngoài ra, các đơn vị trực thuộc EVN còn triển khai các phóng sự; sản xuất các chương trình tuyên truyền để phát trên đài phát thanh, truyền hình, hoặc phát tại các trung tâm dịch vụ khách hàng của các điện lực quận, huyện…; tổ chức ký cam kết không vi phạm HLBVATLĐCA đối với các tổ chức, cá nhân có các hoạt động sản xuất, kinh doanh và sinh sống gần các công trình lưới điện cao áp.

Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia cũng dán đề can tuyên truyền tại các buồng lái xe cẩu, xe máy xúc, xà lan gắn cần cẩu, các phương tiện tàu thuyền lớn… thường xuyên qua lại phía dưới đường dây, có nguy cơ gây sự cố...; tăng cường công tác kiểm tra định kỳ hoặc đột xuất để phát hiện và ngăn chặn kịp thời các vi phạm.

Tuy nhiên, để giảm sự cố lưới điện và tai nạn điện trong dân, chỉ có sự vào cuộc của ngành Điện là chưa đủ. EVN và các đơn vị thành viên rất cần sự quan tâm phối hợp từ các địa phương, ban ngành trong công tác bảo vệ HLATLĐCA và tuyên truyền an toàn điện, đặc biệt trong xử lý nghiêm các trường hợp để xảy ra sự cố, tai nạn điện... 

Hiện nay, đã có nhiều tỉnh, thành phố thành lập Ban chỉ đạo cấp tỉnh để giải quyết các vấn đề liên quan đến HLBVATLĐCA và kí quy chế phối hợp trong công tác bảo vệ an ninh, an toàn ngành Điện. Song, trên tất cả, để giảm các vụ tai nạn điện trong dân, điều quan trọng nhất vẫn là ý thức của mỗi người trong việc sử dụng điện an toàn, hiệu quả, tuân thủ đúng các quy định của pháp luật về đảm bảo an toàn hành lang lưới điện…


  • 07/06/2017 09:37
  • Theo TCĐL Chuyên đề Thế giới điện
  • 9018