"Cõng điện" lên làng cách mạng Pờ Yầu

Từ khi có điện, người làng Pờ Yầu đã mua sắm đồ dùng điện tử, máy móc phục vụ đời sống sinh hoạt; giờ học của thầy trò tại điểm trường làng được bảo đảm, thoải mái hơn.

Nằm bên kia đỉnh núi, làng Pờ Yầu, xã Lơ Pang, huyện Mang Yang, tỉnh Gia Lai trước đây là căn cứ cách mạng trong cuộc kháng chiến chống Pháp.

Đây cũng là làng thuộc diện đặc biệt khó khăn của huyện Mang Yang. Dù làng chỉ cách trung tâm xã khoảng 7 km nhưng những năm về trước do giao thông cách trở nên cuộc sống, đi lại của bà con nơi đây gặp nhiều khó khăn.

Làng Pờ Yầu hiện là nơi sinh sống của hơn 150 hộ, với hơn 500 nhân khẩu. 100%  người dân là đồng bào dân tộc Ba Na. Các già làng nơi đây cho biết, Pờ Yầu từng là căn cứ cách mạng trong kháng chiến chống Pháp, nơi đã bao bọc, che chở nhiều cán bộ cách mạng, nhiều thanh niên của làng tham gia làm du kích.

Trước đây, để vào làng chỉ có một con đường độc đạo xuyên rừng từ tỉnh lộ 666 (xã Lơ Pang). Vào mùa mưa lũ, đường bùn đất, sạt lở cùng với độ dốc cao, hầu như không có phương tiện giao thông nào có thể đi vào làng. 

Người dân làng Pờ Yầu làm nông nghiệp nhiều đời nay theo hình thức tự cung tự cấp; giao thông cách trở, nhiều hủ tục lạc hậu khiến làng Pờ Yầu vẫn cứ bị cái nghèo đeo bám. Cùng với sự phát triển kinh tế của tỉnh Gia Lai, trong thời gian qua, việc “rút ngắn khoảng cách” giữa làng Pờ Yầu với bên ngoài đã được quan tâm đầu tư nhiều hơn.

Tiên phong trong việc “xóa bản trắng” về điện, đường, trạm, năm 2005, vượt qua nhiều khó khăn, gian nan, ngành điện tỉnh đã đầu tư để kéo 50 km đường điện vào làng. Từ khi có điện, đời sống người làng Pờ Yầu đã thực sự đổi thay, người dân bắt đầu mua sắm đồ dùng điện tử, giờ lên lớp của thầy trò dạy và học tại điểm trường được bảo đảm, việc học thoải mái hơn.

Ông Ksor Nan, một người dân tại Pờ Yầu cho biết, trước đây bà con dùng điện bằng máy phát điện chạy bằng sức gió do một đơn vị hảo tâm tặng. Chiếc máy lúc đầu thiết kế để sáu nhà có thể được dùng điện nhưng cuối cùng chỉ có hai nhà có điện, mà cũng chỉ có khoảng hai giờ mỗi ngày và tiếng ồn của nó cũng khiến nhiều người già trong làng khó ngủ.

“Từ khi được sử dụng điện lưới quốc gia, bà con ai cũng mừng, phấn khởi. Nhiều nhà đã mua sắm ti vi, nồi cơm điện; máy xay xát phục vụ cuộc sống. Nhờ có ánh đèn thắp sáng, những buổi tối người dân làng không còn buồn tẻ, việc học bài của đám trẻ con không còn vất vả như trước”, ông Ksor Nan phấn khởi.

Có điện về, dân làng có điều kiện tiếp cận nhiều hơn với thông tin, với khoa học kỹ thuật thông qua ti vi, máy tính để học hỏi áp dụng những cách làm hay, từ đó thay đổi cuộc sống của bản thân, gia đình.

Ông Hồ Đức Huấn, Giám đốc Điện lực Mang Yang chia sẻ, việc kéo điện về làng không nhằm lợi ích kinh tế cho ngành Điện, mà là nỗ lực nhằm “xóa vùng trắng” về điện cho một trong những ngôi làng nghèo; góp phần cùng mở ra tương lai tươi sáng hơn cho người dân nơi đây.

Ngày nay đến làng Pờ Yầu không còn quá khó khăn nữa, một con đường bê tông trải từ trung tâm xã Lơ Pang lên làng Pờ Yầu đang dần hoàn thiện, mở ra nhiều hy vọng về kết nối giao thương đến với người dân trong làng.

Giờ đây, đường giao thông, điện, trường học, trạm đã được đầu tư xây dựng từng bước xua đi bao khó khăn, thiếu thốn ở ngôi làng trên đỉnh núi này. Làng Pờ Yầu đang căng tràn sức sống mới với bao hy vọng tương lai tươi sáng hơn.

Link gốc


  • 08/05/2020 01:11
  • Theo baochinhphu.vn
  • 5508