Đảo xa bừng sáng

Những nỗ lực của Tổng công ty Điện lực miền Nam (EVNSPC) nói riêng và ngành Điện nói chung trong việc đưa điện lưới quốc gia đến hải đảo đã và đang góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế các địa phương, xây dựng hệ thống đảo trở thành tuyến tiền tiêu vững chắc, bảo vệ chủ quyền, an ninh của Tổ quốc.

Lưới điện vượt biển ra đảo Phú Quốc. Nguồn ảnh: EVNSPC.

Sau khi miền Nam được giải phóng (năm 1975), Phú Quốc luôn được quan tâm đầu tư khai thác tiềm năng và lợi thế. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều khó khăn kìm hãm sự phát triển của “Đảo Ngọc”, trong đó có việc thiếu điện. Trước kia, Phú Quốc vẫn sử dụng nguồn điện diesel nên giá thành cao, chất lượng điện không ổn định. Năm 2007, Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã lập dự án đầu tư hệ thống cáp ngầm, đưa điện lưới quốc gia ra đảo Phú Quốc. Đến Tết Giáp Ngọ 2014, Phú Quốc chính thức có điện lưới quốc gia. 

Nhờ có điện lưới quốc gia, tình hình KT-XH Phú Quốc luôn có mức tăng trưởng cao. Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng trên 12%/năm, chuyển dịch cơ cấu kinh tế hợp lý, đúng hướng. Huyện kết hợp phát triển kinh tế với củng cố quốc phòng – an ninh, tập trung đầu tư, phát triển hiệu quả các ngành nghề có lợi thế lớn như nuôi trồng, đánh bắt thủy hải sản và du lịch – dịch vụ.

Trong năm 2019, Phú Quốc đón hơn 2,85 triệu lượt khách du lịch, tăng trên 11,7% so với năm 2018. Trong đó, khách quốc tế hơn 810.000 lượt người, tăng gần 28%. Doanh thu đạt hơn 16.800 tỉ đồng. Huyện đã tập trung xây dựng quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, đầu tư hiệu quả, đưa vào khai thác các công trình thuộc kết cấu hạ tầng phục vụ du lịch - dịch vụ, như, các khu vui chơi giải trí hiện đại, hệ thống nhà hàng, khách sạn từ bình dân đến cao cấp, với hơn 23.600 phòng.

Để đảm bảo cung cấp điện an toàn, ổn định, chất lượng, phục vụ yêu cầu phát triển KT- XH, nhiều năm qua, EVN và các đơn vị đã tích cực đầu tư các công trình điện lưới cho Phú Quốc. Đặc biệt, đường dây 220kV Kiên Bình - Phú Quốc vượt biển ra đảo Phú Quốc với tổng mức đầu tư hơn 2.200 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành và đi vào vận hành năm 2020.

Ông Nguyễn Văn Thái – Phó Chủ tịch UBND xã Hàm Ninh, huyện Phú Quốc cho biết, từ ngày có điện lưới quốc gia, người dân đã duy trì và mở rộng các nghề truyền thống trên địa bàn (đánh bắt thủy hải sản, chế biến nước mắm...); đồng thời phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, du lịch – dịch vụ... 

Ông Huỳnh Văn Chích (ấp Bãi Vòng, xã Hàm Ninh) chia sẻ: “Từ khi có điện lưới quốc gia, con cháu chúng tôi có điện học hành, gia đình có điện phục vụ sản xuất – kinh doanh. Chúng tôi cảm nhận rất rõ chất lượng cuộc sống được nâng lên rõ rệt, cùng với sự đổi thay từng ngày của Phú Quốc”.

Những khó khăn của ngày nào đã lùi vào quá khứ. Chiếc đèn dầu ngày xưa đã được thay thế bởi những bóng đèn vừa sáng, vừa tiết kiệm điện. Những khu resort, khách sạn, nhà hàng sáng đèn suốt ngày đêm. Những người dân trên đảo đã và đang cảm nhận được sự thay đổi từng ngày, từng giờ. “Đảo Ngọc” giờ sáng bừng niềm tin và sức sống mới.

Người dân đảo Tiên Hải mua sắm nhiều thiết bị điện để sử dụng khi có điện lưới quốc gia. Nguồn ảnh: EVNSPC.

Ở một xã đảo khác - xã đảo Tiên Hải, ông Phạm Văn Xuân – Phó Chủ tịch UBND TP Hà Tiên (tỉnh Kiên Giang) cho hay, tuy có vị trí quan trọng, nhưng nguồn điện chính để phục vụ nhu cầu sử dụng sinh hoạt và sản xuất cho người dân Tiên Hải trước đây chỉ là các trạm diesel.  Mỗi ngày, người dân chỉ sử dụng điện 12/24h, theo chế độ luân phiên cắt điện. Từ tháng 6/2018, EVNSPC đã khởi công dự án cấp điện lưới quốc gia cho xã đảo Tiên Hải. Đến tháng 10/2019, công trình đã được nghiệm thu đóng điện và đưa vào vận hành tuyến trục chính 22kV Mũi Nai - Hòn Đốc, đạt tiến độ và chất lượng, đáp ứng kịp thời nhu cầu điện cho sản xuất và sinh hoạt của xã đảo. 

Ông Võ Quốc Tuấn – Giám đốc Ban Quản lý dự án Điện lực miền Nam (thuộc EVNSPC) cho biết:  “Trong quá trình thi công, chúng tôi gặp nhiều khó khăn do thời tiết xấu, sóng to, gió lớn trên biển. Tuy nhiên, chủ đầu tư, các đơn vị thi công đã nỗ lực, quyết tâm và tranh thủ lúc thời tiết thuận lợi để thi công, hoàn thành công trình an toàn, chất lượng, hiệu quả”.

Lần đầu tiên có điện lưới quốc gia, người dân xã đảo Tiên Hải vô cùng phấn khởi, biết ơn Đảng, Nhà nước và Tập đoàn Điện lực Việt Nam/Tổng công ty Điện lực miền Nam.

Phú Quốc, Tiên Hải chỉ là hai trong số nhiều huyện đảo, xã đảo mà EVN và các đơn vị đã và đang tích cực triển khai cung cấp điện với chất lượng ổn định, an toàn với giá bán điện như trong đất liền. Có thể nói, ngành Điện nói chung và EVN nói riêng đã và đang làm tốt nhiệm vụ chính trị được Đảng, Chính phủ giao phó, đó là đưa điện đến các vùng sâu, vùng xa, các vùng nông thôn, miền núi, hải đảo.

  • Huyện đảo Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang) có diện tích tự nhiên hơn 593 km2, bao gồm 27 đảo lớn nhỏ, trong đó lớn nhất là đảo Phú Quốc (Đảo Ngọc), diện tích khoảng 567 km2.
  • Xã đảo Tiên Hải (hay còn gọi là quần đảo Hải Tặc, TP Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang), nằm cách đất liền khoảng 17 km, có diện tích 283,23 ha. Trên đảo có 454 hộ dân với khoảng 2.000 nhân khẩu đang sinh sống, với công việc chính là nuôi trồng và đánh bắt thủy hải sản. 


  • 28/04/2020 03:42
  • Huy P.
  • 5543