Chủ động phòng chống cháy hành lang các đường dây truyền tải điện

Thông tin từ Truyền tải điện Lâm Đồng cho biết, hiện nay công tác phòng cháy, chữa cháy rừng mùa khô trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng hiện đang được đặt ở mức cảnh báo rất cao.

Khí hậu hiện tại đang là cao điểm mùa khô, lượng mưa ở mức rất thấp, nguy cơ cháy rừng có thể xảy ra bất kỳ lúc nào. Và khi cháy lan vào đường dây sẽ gây nguy cơ sự cố, gián đoạn truyền tải điện, ảnh hưởng vận hành an toàn hệ thống truyền tải điện trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng, có nguy cơ lan rộng; đặc biệt là khi sự cố các đường dây thường xuyên mang tải cao và đầy tải do giải tỏa công suất nguồn năng lượng tái tạo khu vực tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận. 

Đặc điểm địa hình ngoài hành lang các đường dây truyền tải điện 220kV và 500kV khu vực huyện Đam Rông, Lâm Hà, Đơn Dương chủ yếu là rừng thông và có lớp thực bì dày, vào thời điểm này cực kì khô hanh, nắng và nóng gay gắt kéo dài nguy cơ cháy rừng rất cao. 

Đối với các khu vực rừng khác trong tỉnh Lâm Đồng, đây cũng là giai đoạn các loại cây tạp ven rừng, ven rẫy và dưới rừng thay lá, cỏ khô nên nếu không cẩn thận, chỉ cần một sơ suất rất nhỏ trong làm rẫy, trong sinh hoạt cũng có thể tạo thành những đám cháy lớn. Vì vậy mà công tác phòng chống cháy rừng lan vào đường dây mùa khô luôn được xem là nhiệm vụ trọng tâm và quan trọng trong công tác phòng ngừa ngăn chặn sự cố do cháy đối với các đường dây truyền tải điện. 

Ông Lê Trung Thanh - Phó Giám đốc Truyền tải điện Lâm Đồng cho biết, để thực hiện tốt công tác phòng ngừa ngăn chặn sự cố do cháy đối với các đường dây truyền tải điện, ngay từ những tháng cuối năm 2022 đến tháng 3/2023, đơn vị đã tổ chức khai quang hoàn thành tạo ranh chống cháy với diện tích hơn 441.975 m2, đạt 100% kế hoạch đề ra. Ông Thanh khẳng định, với vai trò hết sức quan trọng, Truyền tải điện Lâm Đồng luôn hết sức cảnh giác với “giặc lửa”, đảm bảo an toàn cho đường điện huyết mạch. 

Đồng thời, thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh Lâm Đồng là không được đốt thực bì kể từ mùa khô 2022 – 2023 và thực hiện chủ trương “Hành lang xanh” của Công ty Truyền tải điện 3, đơn vị đã thay đổi phương pháp bằng cách phát quang các vị trí có nguy cơ, băm nhỏ thực bì để dễ phân hủy hoặc tổ chức thu dọn thực bì ra ngoài hành lang, thực hiện đốt cục bộ từng nhóm nhỏ có kiểm soát để phòng cháy rừng.

Đơn vị phân công nhiệm vụ cụ thể đối với từng thành viên thuộc các đội truyền tải điện trong việc phối hợp với Ban Chỉ đạo Phòng cháy chữa cháy rừng, hạt kiểm lâm, ban quản lý rừng, các lực lượng bảo vệ rừng được bố trí trực cháy 24/24 giờ từ cấp huyện đến xã; để kịp thời phát hiện đám cháy, điểm cháy rừng, từ đó chủ động phối hợp trong công tác chữa cháy, ngăn chặn các đám cháy lan vào đường dây; báo cáo điều độ, chủ động dự phòng cắt điện khẩn cấp trong trường hợp không ngăn chặn được đám cháy trước khi cháy lan vào đường dây. 

Chủ động phối hợp ban chỉ đạo, hạt kiểm lâm, ban quản lý rừng và các lực lượng bảo vệ rừng ở nhiều địa phương theo phương án phòng chống cháy đẩy mạnh triển khai các biện pháp phòng, chống cháy hành lang; phối hợp tổ chức các hoạt động tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân sống gần đường dây 220kV, 500kV khu vực rừng và cộng đồng về tác hại của cháy rừng có thể gây sự cố lưới điện gây nguy hiểm cho người, thiệt hại về tải sản và vi phạm pháp luật, đặc biệt là ở những khu vực có đông bà con dân tộc thiểu số sống gần rừng. 

Với phương châm phòng ngừa kịp thời, hiệu quả; thực hiện rà soát, xác định các khu vực có nguy cơ xảy ra cháy cao; chuẩn bị tốt về nhân lực, phương tiện, dụng cụ phòng cháy, chữa cháy để kịp thời dập tắt các điểm cháy, các đường dây truyền tải điện 220kV, 500kV trên địa bàn tỉnh vận hành an toàn, đảm bảo cung cấp điện an toàn, liên tục phục vụ cho phát triển kinh tế, xã hội và an ninh quốc phòng trên địa bàn tỉnh và khu vực phía Nam.

Link gốc.


  • 24/03/2023 03:00
  • Nguồn: Báo Lâm Đồng
  • 3829