Bảo đảm an toàn hành lang lưới điện: Địa phương phải sâu sát hơn

Tình trạng vi phạm hành lang an toàn lưới điện trên địa bàn Hà Nội vẫn diễn biến phức tạp, ảnh hưởng nghiêm trọng đến công tác vận hành cung ứng điện. Nguyên nhân chủ yếu do tốc độ đô thị hóa nhanh, nhiều công trình đan xen với hành lang lưới điện; cùng với đó là tình trạng cố tình vi phạm của một bộ phận người dân. Để khắc phục triệt để vi phạm, nỗ lực của ngành Điện là chưa đủ, mà cần phải có sự sâu sát hơn nữa của chính quyền các địa phương.

Vẫn tồn tại vi phạm

Tại hành lang an toàn lưới điện cao áp 110kV qua địa bàn xã Tân Triều (huyện Thanh Trì), nhiều công trình vi phạm mà Báo Hànộimới từng phản ánh, như các dãy ki ốt dịch vụ, showroom ô tô, cửa hàng thuốc, bán cây cảnh… đã bị niêm phong, rào chắn, không còn việc kinh doanh, buôn bán. Tuy nhiên, ở xã Tân Triều vẫn có một bãi trông giữ ô tô tự phát đang hoạt động ngay phía dưới đường dây điện 110kV. Đáng nói, ngay sát cột điện ở khu vực này, dù có biển cảnh báo nguy hiểm, quán cóc vẫn mọc lên, người ra vào tấp nập. Chủ tịch UBND xã Tân Triều Đặng Ngọc Quyền thừa nhận, từ tháng 8/2022, mặc dù UBND xã đã nhiều lần có văn bản yêu cầu Công an xã xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm hành lang an toàn lưới điện, song đến nay tình trạng này chưa được giải quyết dứt điểm.

Trong khi đó, tại hành lang đường dây 500kV Tây Hà Nội - Thường Tín đi qua xã Cấn Hữu (huyện Quốc Oai), các vi phạm đến nay đã được giải quyết triệt để. Theo Phó Chủ tịch UBND xã Cấn Hữu Hoàng Văn Trúc, trước đây, trên phạm vi 7 chân móng cột đường dây 500kV có 9 trường hợp công trình kiến trúc như nhà cửa, chuồng trại chăn nuôi, tường bao… Đến cuối tháng 12/2022, các hộ đã tự giác tháo dỡ phần vi phạm. Còn 1 trường hợp không nằm trong phương án phải giải tỏa nhưng qua kiểm tra có khoảng 20m2 chuồng chăn nuôi gà nằm trong hành lang an toàn lưới điện, đến thời điểm trước Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 đã được tháo dỡ nốt.

Bãi trông giữ ô tô tự phát vi phạm hành lang an toàn lưới điện cao áp 110kV tại xã Tân Triều (huyện Thanh Trì)

Hiện nay, Tổng công ty Điện lực Thành phố Hà Nội (EVNHANOI) đang quản lý 60 trạm biến áp 110/220kV với tổng công suất 8.698 MVA; 111 đoạn tuyến đường dây 110kV với tổng chiều dài 1.081km (trong đó có 945km đường dây nổi); 2 đoạn tuyến đường dây 220kV, với tổng chiều dài 8,84km (trong đó có 8,34km đường dây nổi). Các tuyến đường dây và trạm biến áp nằm rải rác trên địa bàn 30 quận, huyện, thị xã.

Đại diện EVNHANOI cho hay, tình trạng vi phạm hành lang an toàn bảo vệ công trình lưới điện vẫn diễn biến phức tạp. Do đô thị hóa, ngày càng có nhiều tòa chung cư cao tầng và nhà dân xây dựng, cải tạo trong hoặc gần hành lang lưới điện, điển hình là với tuyến đường dây 110kV Vân Đình - Tía, Thành Công - Phương Liệt, Vân Đình - Kim Bảng… Số vụ sự cố lưới điện do vận hành máy móc, thiết bị thi công công trình… vẫn gia tăng, làm gián đoạn việc cung cấp điện. Thực tế này đặt ra yêu cầu cho chính quyền địa phương và đơn vị điện lực phải có biện pháp phối hợp quản lý, giám sát chặt chẽ, xử lý nghiêm vi phạm, không làm ảnh hưởng đến việc cung ứng điện của thành phố.

Cần sự vào cuộc quyết liệt

Thời gian qua, ngành Điện Thủ đô đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc EVNHANOI tuần canh toàn diện các trạm, đường dây 110kV; đặc biệt đã tăng cường kiểm tra các trạm biến áp và hành lang an toàn lưới điện cao áp cấp cho các trọng điểm trên địa bàn thành phố nên vi phạm giảm rõ rệt. Tuy nhiên, trước nhu cầu sử dụng điện ngày càng tăng, việc cung ứng điện cho Thủ đô cũng đòi hỏi phải đáp ứng các yêu cầu khắt khe về chất lượng. Do đó, việc bảo vệ an toàn hành lang lưới điện là rất quan trọng. Theo Trưởng ban Truyền thông EVNHANOI Nguyễn Thị Thu Phương, EVNHANOI đã tham mưu, tư vấn kỹ thuật cho các cấp, ngành thành phố trong xử lý vi phạm hành lang an toàn lưới điện cao áp; đồng thời tuyên truyền để các khách hàng, hộ dân, doanh nghiệp gần hành lang lưới điện hiểu rõ sự nguy hiểm và thiệt hại do vi phạm khoảng cách an toàn lưới điện.

Ngành Điện cũng phối hợp cùng Sở Công Thương, thành viên Ban Chỉ đạo phát triển điện lực thành phố, UBND các địa phương kiểm tra, xử lý vi phạm hành lang an toàn lưới điện. Tuy nhiên, việc này là chưa đủ, mà cần có sự vào cuộc sâu sát hơn nữa của chính quyền sở tại. Bên cạnh những giải pháp, nỗ lực của chính quyền địa phương, cơ quan chức năng và ngành Điện, mỗi người dân cần chấp hành nghiêm các quy định, bởi bảo vệ hành lang an toàn lưới điện cũng là tự bảo vệ mình và vì lợi ích cộng đồng.

Tại cuộc họp về công tác phát triển điện lực Thủ đô vừa diễn ra, UBND thành phố Hà Nội đã yêu cầu các địa phương tăng cường quản lý, xử lý nghiêm các vi phạm còn tồn đọng và không để phát sinh vi phạm mới. Đồng thời quy trách nhiệm cụ thể cho người đứng đầu các địa phương nếu để vi phạm an toàn lưới điện tồn tại, tái diễn.

Link gốc


  • 04/03/2023 03:50
  • Theo báo Hànộimới
  • 4129