Biện pháp giúp giảm phát thải khí nhà kính

Chiến lược phát triển năng lượng hydrogen của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Chiến lược năng lượng hydrogen) đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 165/QĐ-TTg ngày 7/2/2024.

Mở ra không gian mới cho ngành năng lượng

Chiến lược năng lượng hydrogen được phê duyệt đã mở ra không gian phát triển mới cho ngành năng lượng Việt Nam theo hướng xanh, sạch, bền vững và phù hợp với xu thế phát triển chung của thế giới...

Mục tiêu đặt ra trong Chiến lược năng lượng hydrogen là phát triển hệ sinh thái năng lượng hydrogen của Việt Nam dựa trên năng lượng tái tạo, sản xuất, lưu trữ, vận chuyển, phân phối, sử dụng trong nước và xuất khẩu với hạ tầng đồng bộ, hiện đại để góp phần đảm bảo an ninh năng lượng, thực hiện mục tiêu quốc gia về biến đổi khí hậu, tăng trưởng xanh và mục tiêu phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050 theo lộ trình và cam kết của Việt Nam trong chuyển đổi năng lượng bền vững, công bằng, công lý.

Phát triển sản xuất năng lượng hydrogen theo chuỗi giá trị gồm sản xuất, tồn trữ, vận chuyển, phân phối và sử dụng hydrogen, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng và giảm phát thải khí nhà kính, thúc đẩy phát triển nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn và kinh tế hydrogen.

Việt Nam đặt mục tiêu sản xuất được 100.000 - 500.000 tấn hydrogen vào năm 2030 và tăng lên 10 - 20 triệu tấn vào năm 2050

Tại hội nghị triển khai Chiến lược này do Bộ Công Thương vừa tổ chức, Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên đề nghị các đơn vị chức năng của Bộ tập trung làm tốt công tác truyền thông phổ biến sâu rộng về vai trò, tầm quan trọng và các nội dung cốt lõi của chiến lược.

Ông Phạm Văn Tấn - Phó Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho biết, hydrogen được xác định là nhiên liệu sạch trong các cuộc đàm phán về biến đổi khí hậu trên thế giới. Đây được coi là giải pháp để giúp thế giới đạt được mức phát thải ròng bằng 0 vào giữa thế kỷ.

Trong nội dung về kế hoạch huy động nguồn lực thực hiện tuyên bố chính trị về chuyển đổi đối tác chính trị, chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP) hydrogen cũng được coi là ưu tiên hợp tác giữa Việt Nam và đối tác, nhóm đối tác trong và ngoài G7 và các tổ chức quốc tế.

Để triển khai nhiệm vụ này, ông Phạm Văn Tấn chia sẻ, Bộ Tài nguyên và Môi trường đang dự kiến triển khai những nội dung liên quan đến năng lượng công bằng và thực hiện kế hoạch huy động nguồn lực triển khai các tuyên bố chính trị năng lượng công bằng.

Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đã có văn bản gửi Bộ Công Thương, các Bộ ngành, DN đề xuất các dự án ưu tiên đã được xác định trong số gần 300 dự án xác định huy động nguồn lực để sử dụng ngay nguồn tài trợ của đối tác quốc tế về năng lượng công bằng.

Làm chủ công nghệ sản xuất năng lượng hydrogen

Ông Trần Trung Đức - Vụ Kinh tế công nghiệp, dịch vụ (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết, theo đề xuất xây dựng Luật Điện lực sửa đổi sẽ bổ sung thêm 1 điều khoản trong Luật Đầu tư về thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư của các dự án điện gió ngoài khơi. Theo đó, Bộ Kế hoạch và đầu tư đã thống nhất trong quá trình đề xuất sửa đổi Luật Điện lực.

Ông Hoàng Tiến Dũng - Cục trưởng Cục Điện lực và năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương) cho biết, đối với ngành điện, đây được đánh giá là ngành tiêu thụ nhiều năng lượng và phát thải khí nhà kính, do đó việc chuyển đổi nguyên liệu hóa thạch sang sử dụng hydro và năng lượng có nguồn gốc hydro là hết sức cần thiết.

“Quyết định số 500/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch điện VIII) đã đặt ra lộ trình chuyển đổi nhà máy nhiệt điện than sang sử dụng amoniac xanh, lộ trình chuyển đổi nhà máy sử dụng khí LNG sang hydro. Trong giai đoạn từ nay đến năm 2030, chúng tôi nhất trí rằng, cần có nghiên cứu, sử dụng bước trộn các nhiên liệu như than với amoniac, khí hóa lỏng với hydro để sau đó triển khai từ giai đoạn 2030 - 2050” - ông Hoàng Tiến Dũng cho biết.

Link gốc


  • 28/02/2024 03:31
  • Theo kinhtedothi.vn
  • 3954