Doanh nghiệp nỗ lực “xanh hoá” nhà máy

Để hiện thực hóa mục tiêu giảm phát thải, trung hòa carbon vào năm 2050 như Việt Nam đã cam kết tại Hội nghị COP26, thì mỗi người dân, doanh nghiệp phải coi việc tiết kiệm năng lượng là nhu cầu tự thân. Đó cũng là một trong những giải pháp để kiến tạo một tương lai xanh, phát triển bền vững.

Tích cực chuyển đổi xanh trong nhà máy

Lần đầu tiên đến thành phố Thiệu Hưng của tỉnh Chiết Giang - nơi được mệnh danh là thủ phủ dệt nhuộm của Trung Quốc, ông Thân Đức Việt - CEO Tổng Công ty May 10 - được người bản địa định nghĩa luôn “đây là thành phố dệt của thế giới”.

Ở đây, có 4.000 nhà máy dệt, mỗi người chỉ làm một thứ thôi, nhưng chuỗi liên kết rất tốt. Họ đa dạng hoá sản phẩm, cung cấp cho cả thế giới.

Sản phẩm chính của May 10 là sơmi, veston và quần âu. Ông Thân Đức Việt cho biết, May 10 “cho ra lò” hàng triệu áo sơmi và quần âu mỗi tháng; mã hàng lên đến 1.000 mã, nhưng May 10 vẫn chỉ là “một mắt xích nhỏ trong chuỗi cung ứng thời trang thế giới”... Do vậy, ông cho rằng, để ngành dệt may, thời trang Việt Nam trở thành thị trường lớn trên toàn cầu, doanh nghiệp cần phải “đi tắt đón đầu”, trong đó “xanh hoá” sản phẩm may mặc là yếu tố quan trọng nhất.

Để làm được điều này, ông Thân Đức Việt cho rằng, năm 2022, May 10 xây dựng chuỗi “nhà máy xanh” chuẩn nhằm triển khai dự án điện năng lượng mặt trời mái nhà tại Xí nghiệp may Bỉm Sơn và đã đạt được nhiều lợi ích từ việc này. Chi phí sử dụng điện rẻ hơn, đạt chứng chỉ năng lượng tái tạo quốc tế I-REC, chứng chỉ toàn cầu về sử dụng năng lượng tái tạo, từ đó đáp ứng được các tiêu chuẩn khắt khe từ các thị trường xuất khẩu lớn như châu Âu, Mỹ, Nhật Bản.

May 10 đã áp dụng nhiều giải pháp nâng cao năng suất lao động, chuyển đổi năng lượng xanh

Từ năm 2019 đến nay, tổng công ty cũng đã tiến hành cải tạo, thay thế các bóng đèn huỳnh quang tại các kho ở trụ sở tổng công ty bằng đèn led tiết kiệm điện hiệu suất cao; thay thế việc sử dụng nồi hơi đốt than ở khu vực bếp ăn sang nồi hơi điện giúp giảm thất thoát nhiệt trong quá trình sử dụng và giảm phát thải CO2; tiến hành thay thế cải tạo các thiết bị tiêu thụ năng lượng cao áp dụng công nghệ mới tiết kiệm năng lượng cùng các giải pháp nhằm nâng cao năng suất lao động, giảm giờ làm giúp tiết kiệm điện năng.

Còn đối với ngành cơ khí, kinh doanh xe ôtô tải và dịch vụ bảo dưỡng, việc chuyển đổi năng lượng trong nhà máy cũng là vấn đề được doanh nghiệp rất quan tâm.

Ông Nguyễn Thanh Tùng - Tổng Giám đốc Công ty TNHH Tân Thành Thái (Thái Bình) - cho biết, trước đây, để phục vụ cho hoạt động sản xuất, công ty sử dụng 12 máy điều hòa tổng có công suất lớn, 3 máy nén khí với tổng công suất 300kWh và nhiều thiết bị máy móc khác tiêu tốn rất nhiều điện năng. Bình quân mỗi tháng, tiền điện “ngốn” từ 25-30 triệu đồng.

Sau thời gian nghiên cứu, tìm hiểu các giải pháp, ông Tùng cho hay, công ty đã tổ chức kiểm toán năng lượng, tìm ra những khu vực, khâu sản xuất có mức tiêu thụ điện lớn, đánh giá thực trạng và nghiên cứu biện pháp để tiết kiệm điện.

Tổ cơ điện khảo sát lại cụ thể từng vị trí để lắp hệ thống dây điện cho phù hợp nhu cầu; thay đổi kết cấu tường và mái nhà xưởng nhằm tận dụng gió trời, ánh sáng tự nhiên, đồng thời thay thế bóng điện từ huỳnh quang sang compact, led có mức tiêu thụ điện thấp. Tất cả máy móc đều được đầu tư mới, chính hãng có công nghệ inverter tiết kiệm điện.

Nhờ áp dụng đồng bộ các giải pháp tiết kiệm điện, sử dụng tối ưu nguồn năng lượng sạch từ điện mặt trời, công ty đã giảm được chi phí tiền điện xuống còn 13 - 15 triệu đồng/tháng mà vẫn tăng được hiệu quả sản xuất, kinh doanh.

Chuyển dịch sang nguồn năng lượng mới sạch hơn, xanh hơn là xu hướng tất yếu

Ông Lương Quang Huy - Trưởng phòng Giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và Bảo vệ tầng ôzôn (Cục Biến đổi khí hậu, Bộ Tài nguyên và Môi trường) - cho biết: “Kể từ khi Việt Nam cam kết phát thải ròng bằng 0 vào 2050, chúng tôi thấy có sự chuyển biến rất lớn của doanh nghiệp. Bởi họ nhận thức được rằng, chuyển đổi xanh không chỉ làm cho hình ảnh doanh nghiệp tốt hơn mà nguồn tài chính cho chuyển đổi xanh, trung hoà carbon cũng lớn hơn khi doanh nghiệp vay vốn. Đây là xu hướng quốc tế không thể thay đổi được”.

Theo ông Huy, chuyển dịch sang nguồn năng lượng mới sạch hơn, xanh hơn là xu hướng tất yếu của quốc tế trong 2-3 thập kỷ qua. Những quốc gia đang phát triển như Việt Nam còn rất nhiều tiềm năng và đứng trước ngưỡng cửa thu hút các dòng vốn từ sự chuyển dịch xanh.

Gần đây chúng ta đã tham gia Quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng với các đối tác quốc tế (JETP), mặc dù số tiền cam kết chỉ là 15,5 tỉ USD trong 3-5 năm tới, nhưng đó là bước đầu tiên, là cú hích trong quá trình chuyển dịch năng lượng của Việt Nam.

Thực tế, Việt Nam đã và đang chuyển dịch năng lượng từ năng lượng hoá thạch, truyền thống sang các nguồn năng lượng bền vững hơn, sạch hơn như điện gió, điện mặt trời, thuỷ điện...

Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương) Hoàng Tiến Dũng cho hay, để đạt các mục tiêu về phát triển kinh tế xanh, bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu, Việt Nam đang phải thực hiện các giải pháp nhằm giải quyết các khó khăn thách thức về việc đảm bảo an ninh năng lượng trong điều kiện giảm thiểu các tác động môi trường của hoạt động phát điện, phụ tải tăng trưởng với tốc độ cao gây sức ép lên hạ tầng cơ sở ngành năng lượng, đòi hỏi vốn đầu tư lớn cùng các giải pháp kỹ thuật phức tạp.

Link gốc


  • 26/02/2024 03:26
  • Theo laodong.vn
  • 3087