7 lỗi người EQ cao không mắc khi nói chuyện

Những người EQ cao không chỉ hiểu cảm xúc của bản thân mà còn cảm nhận được mong muốn của đối phương.

Chính bởi khả năng này mà những người EQ (trí tuệ cảm xúc) cao có thể thu hút mọi người xung quanh kéo họ lại gần mình hơn.

Harvey Deutschendorf - tác giả cuốn sách "Emotional Intelligence Game Changers: 101 Ways to Win at Life & Work" (Những người thay đổi cuộc chơi trí tuệ cảm xúc: 101 cách để thành công trong cuộc sống và công việc), người có hơn 20 năm nghiên cứu về thói quen của người có EQ cao, nhận ra 7 điều họ không làm khi nói chuyện với người khác.

Không áp đặt quan điểm của mình

Trong cuộc tranh luận, khi đối phương cảm thấy bị ép buộc bởi những quan điểm bạn đưa ra, họ sẽ tự động dựng lên hàng rào ngăn cách. Đây là nguyên nhân khiến mọi nỗ lực thuyết phục của bạn trở nên vô ích.

Với người EQ cao, họ luôn tạo cơ hội để đối phương bày tỏ quan điểm của mình cũng như lắng nghe ý kiến. Sau đó, họ sẽ tìm cách cân bằng và đưa ra phương án cuối cùng hài hòa được lợi ích của cả hai bên.

Không đùn đẩy trách nhiệm

Người EQ cao sẽ không đùn đẩy hay bỏ qua vấn đề mà họ có thể giải quyết với lý do "ngoài nhiệm vụ được giao".

Họ luôn sẵn lòng chia sẻ thời gian và kiến thức của mình cho người cần, đồng thời coi bản thân là một phần của tập thể và tìm mọi cách để đóng góp công sức cho tổ chức.

Không lãng phí thời gian với bất kỳ ai

Người EQ cao thường chọn những người có tư duy tích cực, chung mục tiêu và nguyện vọng để trò chuyện. Nhờ thế, họ nhận được sự giúp đỡ và ủng hộ tinh thần của mọi người nhằm đạt được thành tựu mong muốn.

Với những đối tượng mang tư tưởng tiêu cực, người EQ cao sẽ hạn chế tiếp xúc bởi sợ làm cạn kiệt năng lượng của bản thân.

Không mất tập trung khi nói chuyện

Khi nói chuyện, người EQ cao không có hành động như liên tục kiểm tra đồng hồ hay mở điện thoại xem tin nhắn, bởi họ hiểu đó là hành vi bất lịch sự, không tôn trọng đối phương.

Trong mọi cuộc trò chuyện, người có trí tuệ cảm xúc cao luôn tập trung 100%, giao tiếp bằng cả cử chỉ và ánh mắt.

Không quên những chi tiết nhỏ

Khi tiếp xúc với ai đó lần đầu, người EQ cao sẽ ghi nhớ tên tuổi cũng như một số thông tin khác như con cái, thú cưng, địa điểm mà người đối thoại thích lui tới.

Bằng cách này, ở những cuộc gặp sau đó, khi những thông tin này được nhắc lại sẽ là một điểm cộng cho họ. Một khi mối quan hệ trở nên sâu sắc hơn, họ sẽ ghi chú lại những thông tin quan trọng khác của đối phương như: ngày sinh nhật, ngày kỷ niệm để gửi thiệp hoặc gọi điện chúc mừng.

Không kể chuyện đùa gây khó chịu

Người EQ cao biết cách chọn lựa nội dung khi nói chuyện với người khác. Họ sẽ không nói những câu đùa vô vị mang tính xúc phạm, bởi hiểu đây là cách nhanh nhất khiến cuộc nói chuyện mất hứng, cũng như bị người đối diện đánh giá là thiếu hụt nhận thức và sự nhạy cảm.

Không phải là người nói hết mọi chuyện

Trong những cuộc trò chuyện, người EQ cao thường lắng nghe nhiều hơn.

Họ biết cách đặt ra những câu hỏi giúp người đối diện có cơ hội thể hiện bản thân. Bằng cách đó, họ cũng hiểu được cách người đối diện hành động và cảm nhận.

Link gốc


  • 10/10/2024 09:34
  • Theo vnexpress.net
  • 4270