7 câu người có kỹ năng xã hội tốt không nói, bạn thì sao?

Hiểu được những điều này có thể giúp bạn thay đổi cách bạn nhận thức trong tương tác và cải thiện thói quen giao tiếp của chính mình.

1. “Tôi không quan tâm”

Bạn đã bao giờ nghe ai đó thường xuyên nói "Tôi không quan tâm" chưa? Câu nói này khi sử dụng quá mức có thể khiến đối phương hiểu lầm rằng thái độ của bạn là coi thường và thờ ơ. Họ sẽ cảm thấy không được coi trọng ý kiến ​​hoặc cảm xúc. Và trong các tình huống xã hội, đây là điều không nên. 

Chúng ta đều có quyền có ý kiến ​​riêng nhưng có một ranh giới mong manh giữa việc không quan tâm và tỏ ra thô lỗ. Nếu ai đó thường xuyên bác bỏ lời của người khác với câu "Tôi không quan tâm", thì đó có thể là dấu hiệu của kỹ năng xã hội kém. Đây là thói quen giao tiếp cần sửa của rất nhiều người. 

2. “Bạn sai rồi”

Chúng ta đều có quyền không đồng tình với người khác. Đó cũng là điều làm cho cuộc trò chuyện trở nên thú vị hơn. Nhưng vấn đề không phải sự bất đồng quan điểm mà ở cách bạn thể hiện sự bất đồng đó.

Câu nói "Bạn sai rồi" có thể bị coi là hành vi đối đầu và thiếu tôn trọng. Nó khiến người nghe cảm thấy không được lắng nghe, không được coi trọng, làm xấu đi mọi tương tác xã hội.

3. “Sao cũng được”

Tưởng chừng chỉ là câu nói được thốt ra một cách ngẫu nhiên trong cuộc trò chuyện, nhưng nó có thể mang theo sức nặng. Nhiều người không biết câu "Sao cũng được" thường biểu thị sự thờ ơ, khiến người nghe cảm giác như người nói đang truyền đi thông điệp rằng "Tôi không coi trọng cuộc trò chuyện này nên cũng không định tham gia một cách nghiêm túc".

Có lẽ tất cả chúng ta đều từng nói câu này khi mệt mỏi hoặc không muốn nói chuyện dài dòng. Nhưng nếu ai đó thường xuyên sử dụng câu nói này trong hầu hết mọi cuộc trò chuyện thì đó có thể là dấu hiệu rõ ràng của kỹ năng xã hội kém. Nhớ rằng, thực sự tham gia vào các tình huống xã hội có nghĩa là thể hiện sự quan tâm và tôn trọng suy nghĩ cũng như cảm xúc của người khác.

4. “Đó không phải là vấn đề của tôi”

“Đó không phải là vấn đề của tôi” khi sử dụng quá nhiều có thể bộc lộ sự thiếu đồng cảm, một yếu tố quan trọng khi nói đến kỹ năng xã hội. Câu nói này tạo ấn tượng rằng người nói không quan tâm đến những khó khăn hoặc thử thách mà ai kia đang phải đối mặt, giống như họ đang dựng lên một bức tường, ngăn cách mình khỏi mọi hình thức kết nối cảm xúc hay sự hiểu biết.

Mỗi người chúng ta đều có những vấn đề riêng cần giải quyết và không phải lúc nào cũng có thể gánh vác cho người khác. Nhưng có sự khác biệt giữa việc đặt ra ranh giới lành mạnh và bác bỏ vấn đề của người khác bằng một câu trả lời cụt lủn "Đó không phải vấn đề của tôi". Câu nói này có thể gây ra ấn tượng về sự lạnh lùng và vô tâm, khiến người nói bị cô lập khỏi các mối quan hệ xã hội tiềm năng.

5. “Tôi biết”

Khi lạm dụng câu “Tôi biết”, nó khiến người khác cảm nhận người nói đang cố tỏ ra là mình biết tuốt. Câu nói này có thể ngăn cản cơ hội chia sẻ suy nghĩ và kiến ​​thức của người khác, khiến cuộc trò chuyện trở nên một chiều, mọi người không muốn tham gia thêm vào câu chuyện.

Giống như đang nói rằng: “Tôi không cần ý kiến ​​của bạn vì tôi đã biết rồi”.

Việc có kiến ​​thức về một lĩnh vực nào đó và tự tin về nó là điều hết sức bình thường. Nhưng một phần của việc có kỹ năng xã hội tốt là nhận ra giá trị của việc học hỏi từ người khác và dành chỗ cho sự đóng góp của mọi người trong cuộc trò chuyện.

6. “Tôi vốn như vậy đấy”

Bạn đã bao giờ nghe ai đó biện minh cho hành vi của mình bằng câu nói "Tôi vốn như vậy đấy" chưa? Việc lấy đây làm cái cớ cho hành vi gây ảnh hưởng tiêu cực đến người khác có thể là dấu hiệu của kỹ năng xã hội kém, biểu thị sự thiếu thiện chí trong việc thừa nhận sự thật và chịu trách nhiệm. 

Hãy là chính mình nhưng cũng cần đảm bảo hành động và lời nói của bạn không làm tổn thương những người xung quanh. Tất cả chúng ta đều có chỗ cần phát triển và cải thiện. Thừa nhận điều đó là một bước quan trọng để hướng tới những tương tác xã hội tốt hơn.

Vì vậy, nếu bạn thường xuyên nghe thấy câu “Tôi vốn như vậy đấy” được dùng để biện minh cho hành vi có vấn đề, thì đó có thể là dấu hiệu của người có kỹ năng xã hội kém.

7. “Không có ý xúc phạm, nhưng…”

“Không có ý xúc phạm, nhưng…” thường là lời mở đầu cho điều gì đó có khả năng gây khó chịu hoặc làm tổn thương người khác. Người nói câu này có thể nghĩ rằng nó sẽ giải thoát họ khỏi tác động của những gì xảy ra sau đó, nhưng thực tế là điều đó hiếm khi xảy ra.

Nhớ rằng, kỹ năng xã hội tốt bao gồm việc chú ý đến cảm xúc của người khác và biết cách thể hiện suy nghĩ của mình sao cho khéo léo và tôn trọng.

Link gốc


  • 10/10/2024 09:56
  • Theo baophunuthudo.vn
  • 4227