Xóa bỏ định kiến, nâng cao vai trò của phụ nữ

Hiện nay, trên thế giới và ở Việt Nam, phụ nữ làm lãnh đạo đã trở thành “chuyện không có gì lạ”. Vậy phải chăng những định kiến về nữ giới đã được xóa bỏ hoàn toàn? Làm thế nào để nâng cao hơn nữa vai trò, vị thế của phụ nữ trong doanh nghiệp?

Ảnh minh họa.

Ở Việt Nam hiện nay đã có nhiều doanh nhân xuất sắc lãnh đạo các DN lớn phát triển bền vững mà người đứng đầu là phụ nữ như, bà Mai Kiều Liên (Vinamilk), Thái Hương (TH true milk), Nguyễn Thị Phương Thảo (VietJet Air), Nguyễn Thị Nga (Tập đoàn BRG), Nguyễn Thị Mai Thanh (REE), Phạm Thị Việt Nga (Dược Hậu Giang), Nguyễn Diệu Linh (Vinhomes, thuộc Vingroup), Cao Thị Ngọc Dung (PNJ), Vũ Thị Thuận (Traphaco)…

Danh sách các nhà lãnh đạo, quản lý giỏi là nữ còn dài. Tuy nhiên, tranh cãi về chủ đề chuyện phụ nữ nên hay không nên làm lãnh đạo vẫn còn sôi nổi. Đa số cho rằng cần nhìn nhận phụ nữ bình đẳng với nam giới, thậm chí họ còn có những lợi thế nổi trội… hơn cả nam giới khi làm công tác quản lý, lãnh đạo. Nhưng có thể thấy những định kiến, bất bình đẳng giới vẫn còn tồn tại. Những ý kiến cho rằng phụ nữ không nên làm lãnh đạo, nếu có thì cũng chỉ nên “phấn đấu vừa vừa”, vì còn làm nhiệm vụ nội trợ, chăm sóc gia đình... Vậy làm thế nào để xóa đi định kiến, khẳng định đúng vai trò của người phụ nữ? Để nâng cao vai trò của phụ nữ theo tôi cần làm tốt một số giải pháp sau:

Một là, tăng cường giáo dục, đào tạo và truyền thông về Luật Bình đẳng giới và nâng cao nhận thức, xây dựng cách ứng xử văn minh, lịch sự và công bằng với phụ nữ. Cần có sự đánh giá khoa học, thường niên về công lao, sự đóng góp và tầm ảnh hưởng của phụ nữ, từ đó, tôn vinh xứng đáng những doanh nhân, lãnh đạo, chuyên gia, lao động nữ xuất sắc trong phạm vi DN, tổ chức, hướng tới phạm vi các ngành và toàn quốc…

Hai là, tiếp tục hoàn thiện thể chế, luật pháp, chính sách và giải pháp về công tác quản trị nguồn nhân lực, công tác cán bộ nữ, nhất là trong các quy định về tỷ lệ nữ trong tập thể lãnh đạo, độ tuổi quy hoạch, bổ nhiệm cán bộ nữ, chế độ, chính sách về bảo hộ lao động, thai sản, nghỉ hưu, bảo hiểm và chăm sóc sức khỏe… tạo điều kiện thuận lợi cho phụ nữ yên tâm làm việc, cống hiến hiệu quả cho DN và xã hội.

Ba là, cần xây dựng văn hóa doanh nghiệp theo hướng, thượng tôn pháp luật, văn minh, công bằng và nhân ái. Lãnh đạo DN cần gương mẫu, nâng cao vai trò của nữ giới, thực hiện nghiêm các quy định pháp luật về bình đẳng giới, quan tâm tới đời sống vật chất, tinh thần, trách nhiệm chăm sóc con cái và gia đình của vợ - chồng. DN, nhất là các DN lớn, cần chú trọng tới các thiết chế, điều kiện phúc lợi đảm bảo cho phụ nữ làm việc, nghỉ ngơi, chăm sóc con nhỏ như nhà trẻ, trường mẫu giáo, nhà ăn, chế độ phúc lợi…

Bốn là, Lãnh đạo các tổ chức chính trị - xã hội và các đơn vị trong DN cần chung tay thực hiện tốt công tác cán bộ nói chung, cán bộ nữ nói riêng. Thực hiện nghiêm các quy định của cấp trên về chất lượng và tỷ lệ cán bộ nữ tham gia lãnh đạo, quản lý trong quy hoạch, bổ nhiệm, bố trí và phát triển đội ngũ cán bộ nữ trong hệ thống DNNN. Đồng thời chú trọng việc đào tạo, phát triển các bộ phận cán bộ khác như chuyên gia, cán bộ nghiệp vụ, kỹ thuật, marketing…DN cần xây dựng được môi trường và điều kiện làm việc dân chủ, bình đẳng giới, công khai, minh bạch và chia sẻ, khuyến khích và tạo động lực cho chị em làm việc hiệu quả, cống hiến hết mình cho doanh nghiệp, đất nước và xã hội.


  • 18/04/2019 09:21
  • Nguồn: Tạp chí Điện lực, chuyên đề Quản lý và Hội nhập
  • 1602