Xây dựng văn hóa doanh nghiệp để phát triển và khẳng định thương hiệu

Cách đây gần 5 năm, vào tháng 12/2010, Công ty Điện lực TP Hồ Chí Minh (nay là Tổng công ty Điện lực TP Hồ Chí Minh - EVNHCMC), đã thành lập nhóm nghiên cứu, xây dựng đề án “Văn hóa EVNHCMC”. Với những giá trị đã được tạo lập trong suốt 40 năm hình thành và phát triển, EVNHCMC đã và đang xây dựng một nét văn hóa doanh nghiệp rất riêng để phục vụ yêu cầu phát triển và khẳng định thương hiệu.

Phổ biến đến từng người lao động

Ngay sau khi Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) ban hành cuốn tài liệu văn hóa (tháng 12/2009), năm 2010, EVNHCMC đã thành lập nhóm nghiên cứu, xây dựng đề án “Văn hóa EVNHCMC” nhằm triển khai sâu rộng đến từng cán bộ, công nhân viên chức, lao động (CNVC-LĐ) hiểu và thực hiện.

Đơn vị đã in và phát hơn 7.000 cuốn tài liệu văn hóa doanh nghiệp (VHDN) đến từng CNVC-LĐ; tổ chức phổ biến, quán triệt đến 100% số CNVC-LĐ viết cam kết thực hiện tốt văn hóa EVN và văn hóa EVNHCMC. Ở thời điểm đó, các hoạt động tuyên truyền, phổ biến được thực hiện một cách sôi nổi, liên tục, tạo nên hiệu ứng rõ nét trong toàn đơn vị. Những nội dung liên quan đến VHDN đều được thảo luận, góp ý sôi nổi trong các cuộc họp chuyên môn, Đảng ủy, Công đoàn và Đoàn thanh niên.

Phó tổng Giám đốc EVNHCMC Phạm Quốc Bảo cho rằng, xây dựng VHDN là quá trình điều chỉnh thái độ ứng xử của CNVC-LĐ với công việc, với khách hàng và với cộng đồng xã hội. Đơn vị vừa tổ chức tuyên truyền nâng cao nhận thức về VHDN để người lao động nắm vững các giá trị đạo đức cốt lõi trong văn hóa EVN, văn hóa EVNHCMC; vừa triển khai xây dựng hệ thống quy chế quản lý nội bộ, trong đó chú trọng những nội dung điều chỉnh thái độ hành vi của người lao động trong thực thi nhiệm vụ chuyên môn. Chính sự lồng ghép các chuẩn mực đạo đức, giá trị văn hóa trong các quy định chuyên môn có tính chất bắt buộc như vậy đã thúc đẩy nhanh việc hình thành thái độ và hành vi ứng xử văn hóa đúng đắn của người lao động.

Từ nhiều năm nay, EVNHCMC đã xây dựng Bộ tiêu chí "Người công nhân ngành điện thành phố mang tên Bác" gồm những chuẩn mực đạo đức cốt lõi mà mỗi cán bộ, CNVC-LĐ của đơn vị tự nguyện cam kết thực thi hằng năm, tạo thuận lợi cho CNVC-LĐ trong quá trình tiếp thu và thực thi VHDN. Có thể nói, Bộ tiêu chí "Người công nhân ngành điện thành phố mang tên Bác" là một nét độc đáo trong việc xây dựng văn hóa doanh nghiệp tại EVNHCMC.

Ngay sau khi tài liệu văn hóa EVNHCMC được ban hành, Ban Chỉ đạo xây dựng và thực thi VHDN của EVNHCMC đã tổ chức lớp triển khai cho tất cả lãnh đạo các đơn vị thành viên để hiểu rõ về vai trò của VHDN cũng như những giải pháp cụ thể xây dựng Văn hóa EVNHCMC. Từ đó, các đơn vị thành viên tổ chức triển khai phù hợp và hiệu quả nhất theo thực tế của đơn vị.

Mỗi CNVC-LĐ ngành Điện luôn nỗ lực hết mình để xây dựng hình ảnh và văn hóa của đơn vị

Việc triển khai các lớp học về VHDN cho cán bộ, CNVC-LĐ không dừng lại ở mặt lý thuyết, các đơn vị còn xây dựng các tình huống cụ thể để các nhóm thảo luận, đưa ra giải pháp xử lý ngay trên lớp học. Nhiều giám đốc đơn vị đã trực tiếp đứng lớp truyền đạt về VHDN cho cán bộ, CNVC-LĐ. Giám đốc Công ty Điện lực Bình Phú - Nguyễn Thanh Long nhìn nhận: “Việc gắn nhiệm vụ chuyên môn kèm với ứng xử đúng chuẩn mực, có văn hóa góp phần nâng cao uy tín của công nhân ngành điện. Vì vậy, việc triển khai VHDN đến từng người lao động có vai trò rất quan trọng, rất cần được thực hiện thường xuyên”. Bên cạnh đó, EVNHCMC thường xuyên tổ chức các lớp kỹ năng chăm sóc khách hàng, chương trình chăm sóc khách hàng, kỹ năng thuyết trình, nói chuyện trước công chúng cho CNVC-LĐ.

Qua thực tế triển khai thực hiện VHDN, ý thức, thái độ thực thi công việc và giao tiếp ứng xử của cán bộ, CNVC-LĐ của EVNHCMC không ngừng được nâng cao. Câu chuyện của chị Lê Thu Hoàng, nhân viên Trung tâm chăm sóc khách hàng là một thí dụ. Là nhân viên giao dịch, chị Hoàng được điều động về làm điện thoại viên của Trung tâm chăm sóc khách hàng (thành lập năm 2012). Từ chỗ bỡ ngỡ vì chưa quen nói chuyện, tư vấn qua điện thoại, qua các lớp kỹ năng do Tổng công ty tổ chức, chị đã trở thành một điện thoại viên chuyên nghiệp được nhiều người dân đánh giá cao khi thắc mắc về điện. Hiện, chị đang dùng chính những kinh nghiệm học được để hướng dẫn, tập huấn cho những nhân viên mới vào làm tại Trung tâm.

Cũng theo Phó tổng Giám đốc Phạm Quốc Bảo, việc xây dựng VHDN của EVNHCMC đã phát huy những giá trị truyền thống được hình thành trong gần 40 năm phát triển của đơn vị. Đó là sự năng động, cần cù, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm của các thế hệ cán bộ lãnh đạo, CNVC-LĐ ngành Điện tại thành phố mang tên Bác; đó là truyền thống đoàn kết gắn bó, là sự quan tâm đến cộng đồng xã hội, đến nhu cầu và lợi ích của khách hàng sử dụng điện; là truyền thống “uống nước nhớ nguồn”, “lá lành đùm lá rách”... Văn hóa EVNHCMC cũng thể hiện rõ tầm nhìn và khát vọng vươn lên trở thành một doanh nghiệp cung ứng điện năng hàng đầu trong khu vực, làm tròn sứ mệnh bảo đảm cung cấp điện ổn định cho sự phát triển của TP Hồ Chí Minh và cả nước.

Đến nay, EVNHCMC đã hoàn thiện các Quy chế quản lý nội bộ cụ thể ở tất cả các lĩnh vực hoạt động trong toàn đơn vị. Qua từng năm, đã tạo sự chuyển biến rõ nét trong các hoạt động, từ công tác chuyên môn đến giao tiếp ứng xử; từ xây dựng môi trường làm việc xanh, sạch, đẹp, an toàn, văn minh, bình đẳng về cơ hội phát triển cho người lao động, đến các hoạt động xã hội, vì cộng đồng. Những quy định tưởng như khô cứng đó đã và đang trở thành chất keo kết dính mối quan hệ mọi người trong công việc và cuộc sống. Ở EVNHCMC, câu chuyện ban lãnh đạo Tổng công ty, lãnh đạo các ban tổ chức sinh nhật, tặng quà, thăm hỏi các nhân viên khi đau ốm, chia tay CNVC-LĐ về hưu theo chế độ… đã thành nếp từ nhiều năm nay.

Tạo dựng giá trị văn hóa doanh nghiệp

Đã thành thông lệ, vào các ngày đầu tuần, tập thể cán bộ, CNVC-LĐ tại Tổng công ty, tại các công ty trực thuộc lại thực hiện nghi thức chào cờ và hát quốc ca. Các buổi lễ chào cờ luôn gắn với nội dung kể chuyện về tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Mỗi câu chuyện về Bác Hồ là một bài học về đạo đức, văn hóa ứng xử mà cán bộ, CNVC-LĐ ở đây đang ra sức học tập, rèn luyện, noi theo. Lễ chào cờ đầu tuần được các đơn vị tổ chức trang nghiêm, chu đáo, thường xuyên, góp phần xây dựng văn hóa công sở đi vào nền nếp.

Với phương châm “Khách hàng là sự tồn tại của chúng tôi”, thời gian qua, EVNHCMC luôn cam kết mang đến cho khách hàng các dịch vụ ngày càng tốt hơn nhằm xây dựng mối quan hệ tốt đẹp giữa ngành điện với khách hàng. Mỗi nhân viên khi giao dịch, tiếp xúc với khách hàng luôn thể hiện sự tôn trọng, lịch sự, bình đẳng, có thái độ phục vụ tận tình, chu đáo, biết lắng nghe và giải quyết những ý kiến, đề nghị chính đáng của khách hàng.

Bằng nỗ lực không ngừng nghỉ, ngành Điện đã tạo dựng ngày càng rõ nét hình ảnh thân thiện của mình trong mắt hàng triệu khách hàng ở thành phố. Ông Nguyễn Văn Hồng, một người dân tại xã Tân Thạnh Tây, huyện Củ Chi rất bất ngờ và vui sướng khi được nhân viên Công ty Điện lực Củ Chi đến nhà thay điện kế khi hết thời hạn sử dụng. Cũng không hiếm gặp hình ảnh hàng trăm công nhân kỹ thuật không quản ngại nắng mưa, ngày nghỉ cuối tuần để đến các địa phương ngoại thành như: Củ Chi, Cần Giờ, Hóc Môn,… để sửa chữa, thay thế, tư vấn miễn phí về sử dụng điện an toàn cho người dân có hoàn cảnh khó khăn, các hộ gia đình chính sách…

Những năm qua, EVNHCMC đã triển khai áp dụng nhiều giải pháp khoa học kỹ thuật nhằm hiện đại hóa và nâng cao chất lượng dịch vụ. Có thể nêu một số giải pháp điển hình như: Thực hiện quy trình giao dịch một cửa và “giao dịch hộ”; thành lập Trung tâm chăm sóc khách hàng đầu tiên trong ngành điện (1900545454); triển khai ứng dụng hệ thống thông tin địa lý (GIS) trong công tác dịch vụ khách hàng giúp định vị và cung cấp đầy đủ thông tin liên quan đến khách hàng; triển khai thành công việc áp dụng hóa đơn điện tử trong thanh toán tiền điện cho 24 quận, huyện; đăng ký tất cả các dịch vụ qua điện thoại, qua trang tin điện tử (cskh.hcmpc.vn), qua hộp thư điện tử ( cskh@hcmpc.com.vn) và tổng đài chăm sóc khách hàng 1900545454; triển khai thử nghiệm điện kế trả trước; sử dụng công nghệ đọc điện kế từ xa; áp dụng 100% thanh toán tiền điện bằng hóa đơn điện tử, sửa điện hotline... EVNHCMC đã không ngừng sáng tạo, cải tiến để đưa ra những giải pháp thu tiền điện thuận lợi nhất qua ATM, máy POS, điện thoại (mobile banking), thanh toán trên website (internet banking), thanh toán tự động (auto debit),...

Để đánh giá, kiểm tra mức độ hài lòng của người dân trong sử dụng điện, 16 công ty thuộc EVNHCMC đã triển khai hội nghị “Ngành điện gắn bó với chính quyền địa phương, lắng nghe ý kiến của nhân dân để hoàn thiện và phát triển” định kỳ sáu tháng/lần/tại 24 quận, huyện.

EVNHCMC luôn “lấy con người làm gốc” trong các hoạt động, nhất là chăm lo đời sống người lao động. Đơn vị thực hiện nhiều chính sách thiết thực như bảo đảm đời sống và thu nhập cho người lao động; đào tạo, bồi dưỡng, huấn luyện chuyên môn cho tất cả cán bộ, nhân viên trung bình 40giờ/năm/người. Chính từ sự quan tâm sâu sát đó, mỗi một người lao động của đơn vị càng nỗ lực và tâm huyết hơn trong công việc.

“Cây sáng kiến” Trương Thái Sơn, Tổ phó Tổ quản lý lưới điện 1, Đội quản lý lưới điện thuộc Công ty Điện lực Chợ Lớn là một thí dụ. Trong suốt 14 năm gắn bó với đơn vị, từ lòng yêu nghề và trách nhiệm với công việc, anh đã có đến 17 sáng kiến, cải tiến kỹ thuật được lãnh đạo đơn vị đánh giá cao vì giúp làm lợi về kinh tế hàng tỷ đồng. Anh Sơn cho biết: “Chính sự động viên, khích lệ kịp thời của đơn vị những lúc tôi khó khăn trong công việc, cuộc sống là động lực để tôi luôn làm việc với cái tâm và trách nhiệm của mình”.

Bên cạnh đó, EVNHCMC còn thực hiện các chính sách nhằm bảo đảm an sinh xã hội như cam kết hỗ trợ giá điện cho sinh viên, người nghèo, người thuê nhà trên địa bàn thành phố; xây dựng công trình đưa điện lưới quốc gia về các xã đảo của huyện Cần Giờ.

Theo Phó tổng Giám đốc EVNHCMC Phạm Quốc Bảo, thời gian tới, đơn vị sẽ tiếp tục lồng ghép các nội dung cốt lõi của Văn hóa EVN, EVNHCMC vào các quy trình, quy định, nội quy hoạt động của doanh nghiệp. Từ đó, tuyên truyền, thực thi VHDN cho CNVC-LĐ theo các nhóm nghề nghiệp; thực hiện các chủ đề hàng quý về ứng xử văn hóa; duy trì truyền thống chăm lo đời sống cho người lao động; xây dựng môi trường làm việc văn hóa; tích cực và chủ động tham gia các hoạt động vì cộng đồng xã hội.

Nhìn lại 5 năm qua, có thể thấy, tất cả những quy định, quy tắc hoạt động, ứng xử tại đơn vị từ chỗ nằm trong phòng họp, trong các cuốn cẩm nang, nay đã được áp dụng vào thực tiễn hoạt động của đơn vị một cách hiệu quả và thiết thực nhất. Sự thay đổi đó được thể hiện rõ ở cái tâm của các “thuyền trưởng” trong cách điều hành, lãnh đạo đơn vị; thể hiện rõ trong nhận thức của người lao động về lương tâm, trách nhiệm và sứ mệnh của bản thân trước yêu cầu ngày một phát triển của tổng công ty; thể hiện qua sự thay đổi về diện mạo, tiếp cận với cộng đồng để đáp ứng ngày càng cao hơn nhu cầu trong sử dụng điện;…

7.000 con người tại EVNHCMC đã, đang và sẽ nỗ lực phát huy mọi nguồn lực, tiềm năng góp phần vào sự phát triển bền vững của doanh nghiệp. Đó là cách khẳng định và phát triển VHDN một cách bền vững.


  • 01/09/2015 04:20
  • Theo nhandan.org.vn
  • 2658


Gửi nhận xét