Xây dựng môi trường làm việc không khói thuốc: Khó hay dễ?

Xây dựng nơi làm việc không khói thuốc là một nội dung quan trọng trong văn hóa EVN và Quy tắc ứng xử của Tập đoàn Điện lực Việt Nam. Để làm điều này dễ hay khó? PV Tạp chí Điện lực đã ghi lại ý kiến của một số người lao động ngành Điện về vấn đề này.

Anh Nguyễn Thanh Hải, Trưởng phòng Kế hoạch - Vật tư, Công ty Thủy điện Quảng Trị, Tổng công ty Phát điện 2

Đưa vào tiêu chí thi đua

Hút thuốc nơi công sở sẽ ảnh hưởng xấu đến không khí, môi trường làm việc cũng như sức khỏe của những người xung quanh. Đa phần những người hút thuốc lá đều hiểu rõ, nhưng khi được tuyên truyền, vận động từ bỏ thì họ lại thiếu nghị lực.

Chính vì vậy, ở Công ty Thủy điện Quảng Trị, việc xây dựng môi trường làm việc không khói thuốc được xem là một trong những chỉ tiêu chấm điểm về thực thi văn hóa doanh nghiệp hằng tháng đối với đơn vị cũng như cá nhân. Có người hút thuốc lá trong phòng làm việc thì đơn vị đó sẽ bị trừ điểm. Công ty cũng đã gắn biển "không hút thuốc lá" tại cổng ra vào, hành lang, phòng làm việc; đồng thời yêu cầu người lao động ký cam kết không hút thuốc tại nơi làm việc.

Bên cạnh đó, Công ty cũng tích cực tuyên truyền đến người lao động về tác hại của việc hút thuốc, đặc biệt là hút thuốc lá nơi công cộng, đồng thời, vận động những ai đã có thói quen hút thuốc từ bỏ thuốc lá. Với những người chưa thể từ bỏ thuốc lá ngay trong ngày một, ngày hai, Công ty bố trí khu vực hút thuốc riêng, không ảnh hưởng đến người xung quanh.

Chị Đặng Thị Diệu Huyền, Chuyên viên Phòng Tổ chức & Nhân sự, Công ty Điện lực Thừa Thiên Huế

Nâng cao nhận thức tác hại của thuốc lá

Công ty Điện lực Thừa Thiên Huế đã ban hành quy định về Văn hóa doanh nghiệp, trong đó ghi rõ “Đối với cá nhân từng CBCNV, đề nghị hút thuốc lá đúng nơi quy định. Không hút thuốc lá trong phòng làm việc, trong phòng họp, hội trường, nơi đông người và khi giao tiếp với khách hàng, đối tác”. Tất cả các CBCNV đều đồng ý và ký cam kết cụ thể. Tuy nhiên, để quy định này đi vào cuộc sống, Công ty thường xuyên tổ chức tuyên truyền về tác hại của thuốc lá, đặc biệt là không hút thuốc lá nơi công sở.

Bản thân tôi luôn chấp hành nghiêm quy định về văn hóa doanh nghiệp của Công ty. Bên cạnh đó, tôi cố gắng tham gia các cuộc thi viết về phòng chống tác hại của thuốc lá, không hút thuốc lá tại nơi làm việc… Đồng thời tôi luôn cùng các đồng nghiệp tuyên truyền về tác hại của thuốc lá, cố gắng góp công sức nhỏ bé của mình vào việc xây dựng một môi trường làm việc thông thoáng, sạch sẽ, không khói thuốc.

Anh Nguyễn Tuấn Dũng - Trạm trưởng Trạm 220 kV Tuyên Quang, Truyền tải điện Tây Bắc, Công ty Truyền tải điện 1

Có hình thức xử phạt rõ ràng

Tại Trạm 220 kV Tuyên Quang, phần lớn CBCNV là nam giới, nên ngay từ khâu tuyển chọn lao động, đơn vị đã nhắc nhở quy định, cấm hút thuốc lá tại nơi làm việc. Tất cả cán bộ, nhân viên đều ký cam kết tham gia xây dựng cơ quan không khói thuốc lá; thực hiện tốt Luật Phòng chống tác hại thuốc lá.

Ban đầu triển khai, đơn vị cũng gặp không ít khó khăn, bởi việc thay đổi thói quen của nhiều người không hề dễ dàng. Giải pháp đầu tiên của chúng tôi là nâng cao nhận thức bằng các hình thức giáo dục, sau đó mới đến xử lý. Chúng tôi còn phát động phong trào thi đua tổ, đội, không khói thuốc lá, hằng tháng đều đánh giá thi đua, tuyên dương gương điển hình về việc chấp hành tốt.

Bên cạnh đó, Công ty còn đưa ra các hình thức xử phạt người vi phạm quy định cấm hút thuốc lá tại nơi làm việc. Cụ thể, phạt 100.000 đồng với mỗi trường hợp hút thuốc lá trong Công ty, hạ bậc khi xét thi đua, khen thưởng… Đặc biệt, mỗi CBCNV đều mạnh dạn đấu tranh và phản ánh kịp thời những trường hợp hút thuốc lá tại nơi làm việc, nơi công cộng.

Đến thời điểm này, tôi nhận thấy chiều hướng “lụy nàng khói” trong đơn vị ngày càng giảm dần. Đây là tín hiệu vui, tôi rất ủng hộ các hoạt động phòng chống tác hại thuốc lá.


  • 24/10/2017 11:00
  • Nguồn: TCĐL Chuyên đề Quản lý và Hội nhập
  • 2836