Vui - buồn mùa World Cup 2018

Đằng sau những trận cầu đỉnh cao tại World Cup là những câu chuyện vui buồn của những người hâm mộ. Cũng như hàng triệu người hâm mộ khác, công nhân, nhân viên công sở khắp nơi cũng có những niềm vui nỗi buồn cùng trái bóng.

Đến hẹn lại lên, mỗi mùa World Cup là dịp để nhiều người có lý do cá độ với nhiều hình thức khác nhau với tinh thần yêu bóng đá. Khác với những đường dây cá độ chuyên nghiệp, những hình thức cá độ nhẹ nhàng, vui là chính cũng nổ rộ. Đâu đó cũng có nhiều người vì ham mê cá độ mà phải trắng tay, giờ hối hận thì đã muộn.

Muôn kiểu bắt độ

Lập nhóm chát trên facebook để ra kèo những trận đấu là cách mà nhóm (công nhân, nhân viên) trọ tại một con hẻm trên đường Bình Chiều, quận Thủ Đức (TP HCM) làm từ đầu mùa World Cup đến nay. Tinh thần của nhóm này vui là chính, mỗi trận bắt không quá 500 ngàn đồng, chỉ bắt thắng thua với kèo do các nhà cái đưa ra được thông tin trên các báo. Ai bắt bên nào thì nhắn tin tên đội tuyển đó vào nhóm chát và coi như đó là bằng chứng để tính thắng thua sau mỗi trận.

Phan Văn Sơn là trưởng nhóm của nhóm này cho biết mỗi trận có từ 10 đến 13 người bắt độ. Có cả nam và nữ đều sống trong cùng khu trọ nên việc thu tiền và trả tiền thắng thua rất tiện lợi.

"Ai thích thì chơi, chơi là để vui, để biết mình hên hay xui, hay quan trọng là để thể hiện tình yêu bóng đá với những cầu thủ nổi tiếng. Chúng tôi vẫn giữ đúng luật do nhóm tự tạo, kiên quyết không phá luật nâng giá tiền lên cao sẽ dẫn đến những hệ luỵ lớn. Cũng có người thua, người thắng nhưng ai cũng vui. Vừa rồi đọc trên báo thấy làm như vậy là vi phạm pháp luật nên tôi đã thông báo trên nhóm ngưng không cá cược nữa", Sơn phân trần.

Ở Công ty CP Cơ khí C.T.S (Hóc Môn, TP HCM) lại có cách bắt độ thú vị hơn. Công ty có hơn 30 nhân viên và 2 quản lý. Đa số anh em trong công ty đều là nam nên tinh thần yêu bóng đá khá mạnh.

Vũ Văn H, công nhân trong công ty kể khi Wold Cup chuẩn bị khai mạc, ông sếp đưa ra ý tưởng cứ mỗi cuối ngày làm việc, ông sẽ chọn 1 trận đấu và ra kèo thắng thua với tỉ lệ chấp được tất cả anh em trong công ty đồng thuận. Sau đó mỗi người bỏ 100.000 đồng vào bao thư, ghi rõ tên đội tuyển mà mình bắt, ghi tên mình lên đó rồi bỏ vào thùng có tên gọi "dự đoán kết quả".

"Sáng hôm sau khi vào làm việc, không khí trong công ty rất vui, người buồn vì bắt thua, người vui vì bắt thắng tạo ra một không khí rất bóng đá trong công ty. Đến khi sếp vào, chính ông ấy sẽ mở thùng "dự đoán kết quả" và công bố ai thắng ai thua. Thắng thì lấy gấp đôi số tiền mình bỏ ra, thua thì mất 100 ngàn. Trong trường hợp số tiền thua không đủ bù cho số tiền thắng thì sếp sẽ bỏ số tiền đó để khích lệ tinh thần người thắng cuộc. Chẳng đáng là bao, nhưng đó là cách chúng tôi tự tạo không khí vui mùa World Cup, cũng là cách chúng tôi thể hiện tình yêu với trái bóng tròn", anh H chia sẻ.

Hối hận vì chơi lớn

Lê N.M làm nhân viên lắp ráp điện tử tại Khu công nghệ cao Quận 9 với mức lương tháng được hơn 8 triệu đồng. Sống xa quê nên mức thu nhập đó chỉ đủ để M trang trải cuộc sống khá đắt đỏ ở TP HCM. Nhưng hiện tại M rơi vào tình cảnh bi đát, khi đi làm cũng đi nhờ xe bạn, ở cũng ở nhờ phòng trọ của bạn. Tất cả do máu cá độ của M nổi lên theo trái bóng tròn trong mùa World Cup.

Chuyện là ngay từ những trận đầu tiên khi trái bóng World Cup lăn trên các sân cỏ từ nước Nga xa xôi, M đã nướng hết số tiền bấy lâu dành dụm được vào sự may rủi của trái bóng. Chơi cá độ trên mạng nên M buộc phải đổi tiền thật thành tiền ảo để chơi và buộc phải có tiền trước khi chơi. Trận đầu tiên M thua 2 triệu đồng, trận tiếp theo M chơi lớn hơn với hy vọng gỡ gạt lại trận đầu nên thua luôn 5 triệu đồng. Cứ thế số tiền hơn 30 triệu dành dụm đã bay nhanh theo trái bóng. Hết tiền, M mang luôn chiếc xe gắn máy mới mua ra cầm được 15 triệu đồng để chơi nốt mấy trận lượt cuối vòng bảng.

"Tôi không nghĩ số mình xui đến thế nhưng năm nay nhiều trận có kết quả quá bất ngờ, vì thế tôi thua sạch. Giờ xe máy nằm ở tiệm cầm đồ, tiền trọ không có đóng nên cũng bị đuổi luôn, giờ tôi qua ở nhờ đứa bạn, thấy nhục quá nhưng biết sao giờ. Tôi thấy rất hối hận".


  • 04/07/2018 07:07
  • Nguồn: Người lao động
  • 1867