“Vừa hồng” lại “vừa chuyên”

Sự tận tụy, chu đáo và nhiệt tình vốn là bản chất, đức tính sẵn có trong chị, từ mọi việc làm, trong công tác chuyên môn, quản lý cũng như giao tiếp với anh chị em cơ quan, cán bộ hưu trí, đối tác khách hàng đến Tổng công ty Điện lực miền Nam (EVNSPC). Đó là cảm nhận đầu tiên của chúng tôi khi được tiếp xúc và làm việc với chị Lê Thanh Mỹ - Trưởng ban Lao động tiền lương EVNSPC.

Chị Lê Thanh Mỹ

Sắc nghiệp vụ

Nhắc đến chị Mỹ - Trưởng ban Lao động tiền lương EVNSPC, ai cũng nhớ ngay đến sáng kiến “Cải tiến công tác quyết toán tiền lương” của chị đạt giải Nhất trong cuộc thi “Phụ nữ EVN sáng tạo” của Tập đoàn Điện lực Việt Nam năm 2014. Sáng kiến này đã giúp đơn vị tiết kiệm gần 250 triệu mỗi năm.

Được mệnh danh là “cây sáng kiến” của EVNSPC, với tinh thần sáng tạo, yêu nghề, say mê lao động, chị Mỹ đã dành nhiều thời gian tâm huyết tìm hiểu, nghiên cứu đề tài, sáng kiến phục vụ công việc hiệu quả và mang lại lợi ích thiết thực cho doanh nghiệp như: Chương trình ứng dụng “Thống kê thu nhập của CBCNV và tra cứu qua internet”; ‘‘Mở rộng phần mềm HRM kết nối với hệ thống tài chính; Xây dựng phần mềm quản lý và chăm sóc sức khoẻ CBCNV; Cải cách hành chính nội bộ trong việc đăng ký giấy đi đường, giấy giới thiệu qua mạng; đăng ký nhu cầu văn phòng phẩm; quản lý văn phòng phẩm,…

Năm 1990, khi vừa tốt nghiệp kỹ sư điện, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, chị được tuyển vào làm việc tại Nhà máy Sửa chữa cơ điện thuộc Tổng công ty Điện lực 2, nay là Tổng công ty Điện lực miền Nam (EVNSPC). Sau một thời gian ngắn làm kỹ sư nhà máy, chị được lãnh đạo tin tưởng, đề bạt lên làm Phó Quản đốc phân xưởng Biến thế, rồi làm Trưởng phòng Tổ chức nhà máy sửa chữa cơ điện thuộc Công ty Điện lực 2.

Hiện, chị Mỹ đang là Trưởng ban Lao động tiền lương EVNSPC, một công việc liên quan đến “cơm áo gạo tiền”, quản lý và thực hiện các chế độ, chăm lo đời sống vật chất và tinh thần của mấy ngàn CBCNV- NLĐ trong Tổng công ty.

Chị đã cùng tập thể Ban Lao động tiền lương, tích cực triển khai xây dựng nhiều quy chế, quy định về công tác Lao động tiền lương phù hợp với quy định của Nhà nước và Pháp luật Lao động. Thực hiện chế độ chính sách cho người lao động hợp lý, nhằm thu hút, động viên giữ được người tài, giỏi, có năng lực cống hiến cho sự nghiệp phát triển đơn vị.

Việc xây dựng định mức lao động hợp lý và sử dụng lao động hiệu quả góp phần tăng năng suất lao động trong toàn Tổng công ty bình quân gần 10%/năm, làm lợi cho doanh nghiệp hàng chục tỷ đồng mỗi năm.

Chị Mỹ chia sẻ, làm công tác tiền lương chỉ mong sao thu nhập anh em được tốt, chế độ chi trả cho anh em được thỏa đáng, xây dựng các định mức, tiêu chuẩn rõ ràng, rành mạch để mọi người phấn đấu làm tốt công việc hơn, để mỗi người lao động đều được chăm lo đầy đủ về vật chất, tinh thần và được khen ngợi xứng đáng.

Ở cương vị Trưởng Ban, chị luôn cố gắng làm tốt công tác chuyên môn của mình bằng cách tính đúng, tính đủ, chính xác đảm bảo quyền lợi cho mọi người ở mọi cấp bậc và mọi vị trí công tác. Chính vì vậy, khi giải quyết bất kỳ việc gì, chị luôn đặt mình vào vị trí của người lao động. Với chị đã nhận trách nhiệm ở vị trí công tác tiền lương, là phải tạo dựng được niềm tin tuyệt đối cho đồng nghiệp, lãnh đạo, đây cũng là cơ sở, bí quyết để chị để giải quyết mọi việc chuyên môn hiệu quả và thuận lợi.

Nhiệt huyết với phong trào

Ngoài nhiệm vụ chuyên môn, chị Mỹ còn là Ủy viên Ban chấp hành Công đoàn EVNSPC, Trưởng ban Nữ công EVNSPC trong nhiều năm liền, bản thân chị luôn gương mẫu, đi đầu trong các phong trào thi đua "giỏi việc nước - đảm việc nhà", xây dựng gia đình văn hoá, nuôi dạy con ngoan.

Câu nói “Cán bộ nào - phong trào ấy”, quả thật rất đúng với chị Mỹ, với vai trò là Trưởng ban Nữ công, chị đã xây dựng chương trình hoạt động của Ban phù hợp với điều kiện thực tế của đơn vị, xây dựng đội ngũ cán bộ nữ công tại các Công đoàn bộ phận ngày càng năng động, chuyên nghiệp. Dưới sự chỉ đạo trực tiếp của chị, công tác Công đoàn và các phong trào Ban Nữ công của đơn vị hoạt động hết sức sôi nổi và hiệu quả.

Không chỉ giỏi chuyên môn, sắc nghiệp vụ, nhiệt huyết trong phong trào, khi trở về cuộc sống đời thường chị Mỹ vẫn vẹn toàn với thiên chức người phụ nữ, là mẹ hiền, vợ đảm, người giữ “lửa” cho mái ấm gia đình. Chị đã có một hạnh phúc viên mãn, bởi chị đã biết khéo léo sắp xếp công việc gia đình và cơ quan một cách hài hòa.

Hàng ngày cứ cuối giờ làm, chị Mỹ lại vội vã tới trường học để đón cậu con trai út. Về đến nhà chị lại tất bật cơm nước cho chồng con, chu toàn việc nhà, việc nước gọn ghẽ. Hơn 25 năm gắn bó trong ngành Điện, trải qua nhiều vị trí công tác khác nhau, nên chị rất thấu hiểu những khó khăn của người thợ EVN, đặc biệt là sự vất vả, hy sinh thầm lặng của những bông hoa ngành Điện. Điều đó nhắc nhở chị, trong công việc luôn phải nêu cao tinh thần phục vụ tận tình, chu đáo, quan tâm đến mọi người…

Dẫn đoàn chúng tôi đến thăm gia đình những nữ cán bộ tiêu biểu của ngành Điện đã và đang công tác tại EVNSPC, để khắc họa sâu hơn về hình ảnh người phụ nữ ngành Điện trong suốt chặng đường 61 năm xây dựng và phát triển ngành, tôi vô cùng xúc động, cảm mến trước động tác bê từng thùng sữa, cầm từng món quà của chị, ân cần thăm hỏi và trao đến tay từng người.

Chính việc làm hết mình vì tập thể của chị đã tác động, ảnh hưởng tích cực đến suy nghĩ, việc làm của các đồng nghiệp, đối tác đến với EVNSPC. Những việc làm của chị tạo nên một hình ảnh đẹp, điển hình về một nữ cán bộ ngành điện chuyên trách ở vị trí công tác - Trưởng ban Lao động tiền lương EVN SPC với một bề dầy thành tích đáng nể: 13 năm liền là Chiến sĩ thi đua cơ sở, Chiến sĩ thi đua Bộ Công Thương; Chiến sĩ thi đua toàn quốc năm 2013; 5 lần nhận Bằng khen Thủ tướng Chính phủ và 1 Huân chương Lao động hạng Ba.

Và mới đây nhất ngày 12/1/2016, chị được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhì. Nhìn lại những gì đã trải qua và đã làm được, nhận được nhiều lời chúc mừng từ đồng nghiệp, chị vẫn khiêm nhường: “Tôi chỉ cố làm tròn nhiệm vụ của mình, cố gắng cống hiến hết mình, góp một phần nhỏ bé cho sự phát triển bền vững của EVNSPC”!


  • 18/10/2016 08:48
  • Nguồn: Ấn phẩm Phụ nữ ngành Điện - Tạp chí Công Thương
  • 2495