Văn hóa nghỉ trưa và hội nhập kinh tế quốc tế

Văn hóa nghỉ trưa là nét sinh hoạt cơ bản của con người, đặc biệt là người phương Đông - những người sống và làm việc trong điều kiện khí hậu nhiệt đới nóng ẩm.

Ảnh minh họa.

Nghỉ trưa là một sinh hoạt cộng đồng có tổ chức của DN giữa hai buổi làm việc trong ngày, chủ yếu dành thời gian và điều kiện cho nhân viên ăn và nghỉ, bảo đảm sức khỏe cho công việc buổi chiều. Song nghỉ trưa không nhất thiết phải ngủ trưa, vì có người dùng thời gian này để làm những việc khác hoặc nghỉ dưới hình thức khác như tập thể thao, yoga, đọc sách, café, trò chuyện…

Tuy nhiên, ngủ trưa là một thói quen không thể thiếu ở các nước nhiệt đới, là cách giúp nhịp độ lao động thích nghi với điều kiện khí hậu và nhu cầu sinh lý. Giấc ngủ trưa đặc biệt có lợi cho những người làm việc văn phòng, người lao động nặng nhọc 8 tiếng mỗi ngày, phụ nữ có thai và những người già...

Một giấc ngủ trưa hợp lý và đúng cách sẽ đem lại rất nhiều ích lợi. Về mặt sinh học, khi làm việc liên tục không nghỉ, cơ thể sẽ tích tụ sự mệt mỏi. Sự gắng sức không những làm tiêu hao sinh lực mà còn tạo ra nhiều cặn bã độc hại, làm tê liệt hệ thần kinh. Tác hại này chỉ có thể được giải trừ bằng một giấc ngủ vừa đủ.

Trong một ngày, hoạt động trí não của con người thường giảm dần từ sáng đến 13h và tăng trở lại vào khoảng 17h-21h. Như vậy, giấc ngủ trưa (từ 10 đến 60 phút, tốt nhất là trong khoảng 20-30 phút) sẽ giúp con người phục hồi sức khỏe, thích ứng với nhịp độ sinh học tự nhiên.  

Giấc ngủ trưa với người lao động cực kỳ quan trọng, giúp người lao động tỉnh táo sau thời gian làm việc căng thẳng liên tục. Ở các nước phát triển như Nhật Bản, Mỹ… các doanh nghiệp lớn đều thiết kế khu vực riêng cho nhân viên nghỉ trưa để nâng cao hiệu suất làm việc. “Thống kê của Tổ chức lao động quốc tế (ILO) cho biết, khoảng 20% dân số thế giới bị căng thẳng quá mức trong công việc. Còn tại Việt Nam, theo nghiên cứu, tỷ lệ bình quân người bị stress trên cả nước là hơn 52%. Đặc biệt tại các khu công nghiệp, 71% công nhân có biểu hiện stress.

Thời gian nghỉ trưa rất tốt để chống lại stress trong công việc và nâng cao hiệu quả hoạt động. Nghiên cứu về khoa học lao động cho thấy, không được nghỉ, ngủ trưa (nói chung) sẽ có hại cho sức khoẻ của người lao động. Do vậy các DN và công sở cần tạo điều kiện cho nhân viên được ngủ trưa.

Theo tôi, trong trường hợp không có nơi ngủ trưa, có thể cho phép nhân viên gục đầu lên bàn, hay ngủ trên ghế của mình, chợp mắt một vài chục phút còn hơn là ngủ gà ngủ gật vào giờ làm việc buổi chiều.

Quan điểm cấm ngủ trưa cũng không hợp lý, hợp tình vì trong thực tế, rất hiếm khi khách hàng, đối tác đến làm việc buổi trưa. Những người ứng xử văn minh dù ở nước ngoài hay trong nước cũng đều tôn trọng và tránh làm phiền vào giờ nghỉ trưa. Và nếu như DN nhất thiết phải có người trực làm việc trong giờ nghỉ trưa, vẫn có thế bố trí một số người làm luân phiên, không cần tất cả mọi người không được nghỉ trưa.

Đối với một số người không có thói quen hoặc không muốn ngủ trưa, lãnh đạo DN cũng cần tính đến điều kiện và cơ sở vật chất để họ có thể sử dụng thời gian nghỉ trưa một cách hữu ích mà không ảnh hưởng đến giấc ngủ trưa người khác.

Trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế, thói quen, tập tục của nhiều DN, công sở, địa phương… liên quan tới phương thức làm việc và sinh hoạt tập thể, cá nhân cần được điều chỉnh cho phù hợp: Cần có tác phong làm việc đúng giờ, đảm bảo thời gian và kỷ luật lao động, xóa bỏ các hành vi sử dụng rượu bia trong bữa ăn trưa. Văn hóa nghỉ trưa không vì thế mà bị coi thường hoặc xóa bỏ. Thực chất văn hóa đó là việc tạo dựng, duy trì và bảo vệ một quan điểm, triết lý nhân văn: Nghỉ trưa là quyền lợi của người lao động, lãnh đạo cần tổ chức thực hiện một cách chu đáo, văn minh vì lợi ích và hiệu quả chung, thay vì quan điểm cũng như thói quen của một nhà quản lý quan liêu, chuyên quyền, không thích hoặc không quản được thì cấm.


  • 13/06/2017 02:02
  • Nguồn: TCĐL Chuyên đề Quản lý và Hội nhập
  • 4304