Văn hóa làm việc nhóm của người Nhật

Người Nhật luôn tôn trọng những quyết định của nhóm và ít khi áp đặt suy nghĩ cá nhân vào công việc.

Tinh thần làm việc theo nhóm là nét đặc trưng của người Nhật so với các quốc gia khác. Trẻ em Nhật từ nhỏ đã được học cách phối hợp với nhau để làm việc, nỗ lực làm việc hết mình vì mục tiêu chung của cả nhóm chứ không vì lợi ích riêng mình.

Trong công việc, người Nhật thường loại bỏ tính cá nhân, đề cao cái chung, tìm sự hài hòa giữa mình và các thành viên khác trong nhóm. Trong các buổi họp, người Nhật ít tranh cãi hay dùng những từ ngữ có tính mạt sát, làm mất lòng người khác. Người Nhật luôn biết kiềm chế trong những tình huống có tính chất đối đầu, vì thế, họ khéo léo kết hợp giữa lời nói và phép tắc giao tiếp với mục đích giảm sự hiềm khích giữa đồng nghiệp cũng như đối tác. Thay vì đi thẳng vào vấn đề, người Nhật thường gợi ý nhẹ nhàng, đi dần từ xa đến gần, có khi nói bóng gió. Đôi lúc, họ cũng đi thẳng vào vấn đề hơn, nhưng rất thận trọng, cốt không làm người khác mất lòng hay tức giận. Văn hóa công sở Nhật Bản luôn nhấn mạnh sự tôn trọng và nhã nhặn. Họ sẽ tìm mọi cách để thể hiện rằng họ không áp đặt ý chí của bản thân lên người khác.

Ở Nhật Bản, nếu một người có vẻ quá tự tin về bản thân, người đó sẽ có nguy cơ đánh mất sự ủng hộ của tập thể, vì quan điểm của nhiều người Nhật là: “Nếu bạn tự tin như thế về bản thân, chắc hẳn bạn không cần sự hỗ trợ của tôi”. Trong khi cách chắc chắn để đánh mất sự hỗ trợ của người phương Tây là tỏ ra thiếu tự tin, bởi vì quan điểm của phương Tây thường là: “Làm sao tôi tin tưởng được vào anh nếu anh không tự tin vào mình?”.

Thành công là nỗ lực của cả nhóm, không ai có thể tự thành công. Người Nhật hiểu rõ điều này và nhấn mạnh việc cần phải “chung tay” trong công việc. Họ ưu tiên một quy trình thảo luận mang tính hợp tác mà đôi khi có thể hơi chậm một chút, nhưng đảm bảo rằng, tất cả mọi người đều có tiếng nói và hòa chung một nhịp.

Tinh thần đồng đội là yếu tố tiên quyết đối với thành công của một tập thể. Nếu quá chú trọng đến vai trò cá nhân, một doanh nghiệp sẽ thất bại vì mọi người chỉ quan tâm đến thành quả của riêng mình. Doanh nghiệp Nhật có thể không có nhiều những cá nhân "xuất chúng", nhưng họ giỏi phối hợp, đoàn kết với nhau để mang lại hiệu quả cao trong công việc.


  • 24/08/2016 02:33
  • Nguồn: Tạp chí Điện lực chuyên đề Quản lý và Hội nhập
  • 10449