“Văn hoá đúng giờ” tại công sở và doanh nghiệp thời hội nhập

Chuẩn mực hành vi ứng xử “Văn hoá hội họp” của một ngân hàng thương mại hàng đầu của nước ta có quy định, đi họp đúng giờ nghĩa là phải “đến trước 5 phút”. Tôi băn khoăn về điều này. Tại sao đúng giờ lại phải đến trước 5 phút? Như vậy là phải cắt bớt thời gian của công việc trước đó?

Từ góc độ của văn hoá doanh nghiệp, văn hoá tổ chức, quy định như vậy cũng có lý, khắc phục được thói quen cố hữu là đi họp luôn chậm giờ của người Việt Nam. Thực ra, “Văn hoá đúng giờ” làm việc tại công sở hoặc doanh nghiệp của ta đang có vấn đề. Nguyên nhân đã được nhiều nhà nghiên cứu chỉ ra là do xuất phát từ nền sản xuất tiểu nông đã tồn tại hàng nghìn năm và một xã hội chưa hiện đại và chưa văn minh. Khi Việt Nam bước vào thời kỳ hội nhập kinh tế quốc tế, những hạn chế, yếu kém và cái xấu trong phong cách ứng xử của người Việt Nam càng được bộc lộ rõ ràng hơn. Không tuân thủ giờ giấc, tác phong làm việc thiếu tính chuyên nghiệp đã làm cho chúng ta trở thành những người kém văn minh, thiếu tin cậy dưới con mắt của các đối tác, nhất là đối tác quốc tế. Vì vậy, các doanh nghiệp Việt Nam cần phải xây dựng và phát triển “Văn hóa đúng giờ” trở thành nét văn hoá đẹp và thế mạnh của mình.
 
 “Văn hoá đúng giờ ” của doanh nghiệp được thể hiện qua cách ứng xử với thời gian trong công việc và trong  sinh hoạt. Nếu từ lãnh đạo đến nhân viên đều hiểu rằng “thời gian là tiền bạc”, nếu để cơ hội kinh doanh trôi qua, cơ hội đó sẽ không lặp lại, thì họ sẽ quý trọng thời giờ và cố gắng nâng cao năng suất lao động, giảm thời gian thực thi nhiệm vụ. Đồng thời, họ phải biết cách và tạo ra thói quen quản trị nguồn lực thời gian một cách hiệu quả, làm việc có kế hoạch, đi làm, đi họp đúng giờ, luôn có thái độ tôn trọng và quyết tâm thực hiện nhiệm vụ theo đúng hoặc vượt tiến độ đề ra. Việc xác định  năng suất, hiệu quả hoạt động của con người hay doanh nghiệp không thể bỏ qua tiêu chí về thời gian thực hiện. Nếu chỉ chú trọng tới tiêu chí số lượng và chất lượng sản phẩm mà bỏ qua tiêu chí thời gian hoàn thành thì không thể coi là sản xuất và quản trị hiệu quả.

Ảnh minh họa

 
Tuy nhiên, thời gian là vô hình, khó định giá, chế tài xử phạt yếu, hoặc chưa hợp lý nên dễ bị con người lợi dụng hoặc lãng phí. Chẳng hạn, một cuộc họp cơ quan 500 người, nếu lãnh đạo nói chuyện dông dài thêm 1 giờ, thì sự lãng phí của doanh nghiệp là 500 giờ nhân với đơn giá tiền 1/8 ngày công của các chức danh tham gia hội họp sẽ là hàng chục triệu đồng bị lãng phí, nhưng ít lãnh đạo nhận thức được trách nhiệm của mình. Không phải ngẫu nhiên mà văn hoá phương Tây có câu ngạn ngữ: Lãng phí lớn nhất là lãng phí thời gian. Vì vậy, văn hoá đúng giờ cần bắt đầu từ việc mỗi người biết quý trọng vốn thời gian hữu hạn của mình và tôn trọng thì giờ của người khác, cho đến việc lựa chọn nghề nghiệp, làm việc và nghỉ ngơi để sau này chúng ta không phải hối tiếc.
 
Hiện nay, trong chạy đua tranh phát triển kinh tế, nước ta đang bị tụt hậu so với nhiều nước trong khu vực và thế giới. Các doanh nghiệp – “chiến sỹ” tiên phong trên mặt trận kinh tế - cần tỉnh táo và nỗ lực tăng tốc để đưa nước ta cơ bản trở thành một nước công nghiệp vào năm 2020. Vì vậy, việc quý trọng, tiết kiệm thời gian, tuân thủ các quy định của tổ chức phải là nội dung và chuẩn mực không thể thiếu trong quá trình xây dựng và quản trị văn hoá doanh nghiệp. Nói cách khác, “văn hoá đúng giờ” là một tiêu chí để đánh giá mức độ văn minh, phát triển của một doanh nghiệp và của cơ quan, nhất là cơ quan quản lý nhà nước trong thời kỳ hội nhập kinh tế quốc tế.


  • 05/11/2015 03:05
  • Theo Tạp chí Điện lực Chuyên đề Quản lý & Hội nhập
  • 6497


Gửi nhận xét