Văn hóa công sở không khói thuốc

Trong khi ở Singapore, nếu hút thuốc lá ở nơi công cộng sẽ bị phạt từ 200 đến 1.000 đô la Sing, ở Đức là 1.000 euro, có bang lên tới 5.000 euro. Còn ở Việt Nam, mức phạt cao nhất chỉ là 500.000 đồng và khó thu được tiền, kể cả ở các thành phố lớn. Ở nông thôn, người dân cứ vô tư hút thuốc ở mọi lúc, mọi nơi. Nguyên nhân chủ yếu là chúng ta chưa tạo được cơ chế thưởng phạt nghiêm minh trong việc cấm hút thuốc lá nơi công cộng, điều mà nhiều nước văn minh trên thế giới đã làm được.

Hơn 100 người chết mỗi ngày vì thuốc lá

Nhiều nghiên cứu về y học đã kết luận, trong khói thuốc lá, thuốc lào có chứa hơn 4000 loại hoá chất; trong đó, hơn 200 loại có hại cho sức khoẻ, gồm các chất gây nghiện và gây độc.

Ảnh minh hoạ.

Tác nhân gây bệnh của thuốc lá đã được nghiên cứu nhiều trên thế giới cũng như ở Việt Nam. Hút 01 điếu thuốc tức là đã tự mình đánh mất đi 5,5 phút cuộc sống. Tuổi thọ trung bình của người hút thuốc ngắn hơn so với người không hút thuốc từ 05 đến 08 năm. Hút thuốc có thể gây các bệnh ung thư (ung thư phổi), bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, các bệnh tim mạch, bệnh sinh sản… Mức độ tăng nguy cơ bệnh tật phụ thuộc vào tuổi bắt đầu hút (hút thuốc càng sớm thì nguy cơ càng cao), số lượng thuốc hút càng nhiều và thời gian hút càng dài thì nguy cơ bệnh tật càng lớn.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), thuốc lá là nguyên nhân chính gây nhiều ca tử vong. Mỗi năm, thuốc lá cướp đi sinh mạng của gần 6 triệu người, trong đó có hơn 5 triệu người hút thuốc trực tiếp và hơn 600 nghìn người hút thuốc thụ động. Số người chết vì thuốc lá trên thế giới nhiều hơn tổng số người chết vì HIV⁄AIDS, lao phổi và sốt rét cộng lại. Theo kết quả điều tra toàn cầu về tình hình hút thuốc lá ở người trưởng thành năm 2010, trong tổng người hút thuốc có 12,8 triệu người sử dụng thuốc lá điếu, 4,1 triệu người hút thuốc lào. 67% người tuy không trực tiếp hút thuốc (khoảng 33 triệu người), nhưng bị tiếp xúc với khói thuốc một cách thụ động tại nhà và 49% người lao động (khoảng 5 triệu người) cho biết, họ bị ảnh hưởng bởi khói thuốc thụ động tại nơi làm việc.

Ở Việt Nam, các bệnh liên quan đến thuốc lá là nguyên nhân gây ra khoảng 40.000 ca tử vong mỗi năm, tức là hơn 100 người chết mỗi ngày. Việt Nam cũng là một trong những nước có tỷ lệ nam giới hút thuốc lá cao nhất thế giới, với 47,4% nam giới trưởng thành. Tuy nhiên, ở nước ta tỷ lệ nữ hút thuốc khá thấp, chỉ chiếm 1,4% số nữ giới trưởng thành. Nếu không tìm được giải pháp hiệu quả, ước tính số người chết do các bệnh liên quan đến thuốc lá sẽ lên đến 70.000 người vào năm 2030.

Vì sao khói thuốc vẫn còn bay?

Năm 2012, Việt Nam đã có Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá. Tiếp đó, Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản, quy phạm pháp luật, trong đó có Nghị định số 77/2013/NĐ-CP ngày 17/7/2013, quy định chi tiết thi hành Luật này. Thế nhưng, số người hút thuốc, số người chết vì khói thuốc vẫn không giảm, thậm chí còn tăng thêm. Nguyên nhân:

Một là, do chất gây nghiện, “dễ vào, khó ra” của thuốc lá, thuốc lào. Hiện nay, phần lớn những người hút thuốc ở tuổi trưởng thành đều là nam giới và bắt đầu thử hút thuốc từ tuổi vị thành niên. Khi trưởng thành, nhận thức được tác hại của thuốc lá thì họ đã là con nghiện, lệ thuộc vào thuốc lá, không có đủ bản lĩnh, dũng khí để từ bỏ.

Hai là, luật pháp chưa thực sự nghiêm khắc và được thực thi nghiêm trong việc cấm hút thuốc lá. Các nhà làm luật, một mặt phải bảo vệ lợi ích của quốc gia, lợi ích của người không hút thuốc, mặt khác phải tránh vi phạm nhân quyền của người hút thuốc. Ví dụ, Điều 12 của Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá, địa điểm cấm hút thuốc lá trong nhà, nhưng được phép có nơi dành riêng cho người hút thuốc lá. Trong thực tế, các phòng họp, hội trường thường thiếu phòng dành riêng cho người hút thuốc, nên người nghiện thuốc thường ra hành lang, ban công, thậm chí ở góc nhà… để hút thuốc.

Ba là, lợi ích kinh tế quá lớn của ngành sản xuất thuốc lá do Nhà nước quản lý, cấp phép kinh doanh. Mặc dù nhiều nhà khoa học đã chỉ ra, chi phí mà Nhà nước phải bỏ ra để khắc phục các căn bệnh do khói thuốc đem lại lớn hơn nhiều so với lợi nhuận từ sản xuất thuốc lá, nhưng các nhà máy thuốc lá quốc doanh vẫn hoạt động. Các ngành thuế, hải quan… cũng có nguồn thu đáng kể từ sản xuất và nhập khẩu thuốc lá. Các khách sạn, quán bar, vũ trường… không muốn cấm hút thuốc vì sợ thất thu.

Bốn là, hút thuốc chưa được đánh giá, quản lý theo tiêu chuẩn đạo đức, văn hóa công vụ và văn hóa – xã hội. Từ sự lệch chuẩn văn hóa, không ít người lại cho rằng hút thuốc là thể hiện “nam tính”, sành điệu, phong cách…

Vì môi trường công sở không khói thuốc

Để xây dựng môi trường làm việc và văn hóa công sở, VHDN không khói thuốc, các doanh nghiệp, tổ chức cần thực hiện được các nội dung sau đây:

1/ Thường xuyên giáo dục, tuyên truyền về tác hại của việc hút thuốc kết hợp với việc thực hiện nghiêm các quy định xử phạt người hút thuốc tại nơi làm việc, bất kỳ người đó là ai, đảm nhiệm chức vụ gì. Đồng thời, bổ sung quy định, chế tài xử phạt nội bộ, chú ý đến hình thức phạt bằng tiền, như: Trừ lương, tính lũy tiến theo số lần phạm luật, làm cho mọi người không dám vi phạm.

2/ Mọi người trong cơ quan, công sở phải cam kết và gương mẫu thực hiện không hút thuốc, đồng thời vận động gia đình, đồng nghiệp… không hút thuốc hoặc từ bỏ thuốc lá. Những nội dung này cần phải thể hiện bằng văn bản trong xây dựng và quản trị văn hóa doanh nghiệp; trong quy tắc ứng xử, được CBCNV nhất trí thông qua một cách dân chủ và do lãnh đạo cao nhất của tổ chức ký và đóng dấu.

Tuy nhiên, một mục tiêu hay quy định chỉ trở thành văn hóa khi nó có khả năng tạo ra giá trị hạnh phúc và được đại đa số nhân viên thấu hiểu và tự giác thực hiện, dần dần trở thành thói quen, nếp sống tại công sở cũng như gia đình riêng. Làm như vậy, mục tiêu xây dựng môi trường và văn hóa công sở không khói thuốc sẽ trở thành động lực cho chính quá trình này.


  • 24/09/2017 10:02
  • Nguồn: TCĐL Chuyên đề Quản lý và Hội nhập
  • 5179