Vài suy nghĩ về văn hóa ứng xử nơi công cộng

Nơi công cộng ở đây là ngoài công sở, có đặc điểm là đông người; họ đến từ nhiều nền văn hóa tổ chức, cộng đồng khác nhau, thường khác nhau về lứa tuổi, giới tính, tôn giáo, học vấn, nghề nghiệp, giàu nghèo, có cả khác nhau về ngôn ngữ, dân tộc, quốc gia… Vì vậy, văn hóa giao tiếp, ứng xử nơi công cộng có nhiều điểm khác, có đối tượng phức tạp hơn so với văn hóa ứng xử nơi công sở.

Văn hóa có nghĩa gốc là đưa cái “văn”, tức là cái đẹp với nghĩa rộng, theo cả ba khía cạnh: Chân, thiện, mỹ vào đời sống, hiện thực hóa bằng các hành vi, hành động đẹp của con người. Chủ thể của nơi công cộng thường là một đám đông có tổ chức lỏng lẻo, nơi dễ thể hiện các hành vi có tính bản năng và phức tạp. Vậy làm thế nào để đội ngũ người lao động trong doanh nghiệp giảm thiểu các lời nói, hành vi việc làm kém/phản văn hóa trong môi trường công cộng? Cần quản lý - quản trị bằng công cụ và phương pháp nào cho phù hợp và hiệu quả? Liệu kinh nghiệm và câu chuyện quản trị văn hóa doanh nghiệp hiệu quả có phù hợp với quản trị văn hóa của đám đông nơi công cộng không?

Ảnh minh họa. 

Theo tôi, giải pháp đầu tiên là phải kiến tạo, bồi đắp nền tảng văn hóa ứng xử từ trong các gia đình, trường học, công sở, doanh nghiệp… để các thành viên của tổ chức này có thái độ, kiến thức, kỹ năng và thói quen cư xử với người khác, với tổ chức của mình và xã hội một cách có văn hóa. Chính văn hóa cá nhân, còn gọi là nhân cách là cái gốc để con người có ý thức và khả năng làm chủ bản thân, là chủ thể văn hóa ở mọi lúc, mọi nơi. Hơn thế nữa, văn hóa của các tổ chức mạnh có tác dụng soi rạng (gần mực thì đen, gần đèn thì rạng), tiếp thêm sức mạnh cho các thành viên từ nền tảng tinh thần của tổ chức, từ sứ mệnh, tầm nhìn, các giá trị cốt lõi và quy tắc ứng xử…, làm cho người ấy ra nơi công cộng mà vẫn không bị hòa tan vào đám đông bởi danh dự, uy tín và bản sắc văn hóa của tổ chức mà họ đã được giáo dục và là người đại diện.

Thứ hai, cần quản trị văn hóa nơi công cộng bằng các công cụ và phương pháp văn trị thích hợp. Nếu trước đây quản lý nơi công cộng, đám đông chính quyền thường chỉ dùng các lệnh cấm như một câu mệnh lệnh đơn giản, ngắn gọn, có tính pháp lý thuần túy, như cấm hút thuốc, cấm bẻ hoa, cấm dẫm lên cỏ, cấm bán hàng rong… thì hiện nay đã bổ sung thêm việc xây dựng và áp dụng Quy tắc ứng xử theo kiểu doanh nghiệp, có đầy đủ lý và tình hơn.

Ví dụ, trong bộ Quy tắc ứng xử văn hóa của Cơ quan Tập đoàn Điện lực Việt Nam, mục 2.7.3 Ứng xử nơi công cộng quy định rất cụ thể, yêu cầu cán bộ, chuyên viên, người lao động: “Luôn thể hiện sự văn minh lịch sự trong giao tiếp, ứng xử nơi công cộng. Có ý thức giữ gìn vệ sinh nơi công cộng, bảo vệ môi trường; chấp hành nghiêm túc các quy định của pháp luật và quy tắc sinh hoạt nơi công cộng. Chia sẻ, giúp đỡ người già, phụ nữ, trẻ em, người tàn tật, hỗ trợ người bị nạn; tự giác tham gia giữ gìn an ninh trật tự xã. hội; tích cực đấu tranh với những hành vi trái pháp luật, trái với đạo lý và thuần phong mỹ tục…”.

Thứ ba, việc đầu tư, kiến tạo nên những không gian, công trình công cộng có tính hiệu quả và hoàn hảo là cơ sở vật chất - kỹ thuật để quản trị, duy trì văn hóa giao tiếp, ứng xử đẹp, văn minh. Trải nghiệm ở quốc đảo Singapore sẽ cho thấy cảm xúc trân trọng vẻ đẹp hoàn hảo, hài hòa của thiên nhiên và nhân tạo, khiến người ta rất nghiêm khắc phê phán và xử lý các hành vi gây ồn ào, làm bẩn môi trường.

Thứ tư, cần kết hợp giữa văn trị - đức trị với pháp trị, kỹ trị. Nơi công cộng, nhất là trong các đô thị, như nhà ga, bến xe, rạp hát, sân vận động, nhà hàng… là nơi đông người, nhiều phương tiện giao thông qua lại… thường rất phức tạp, khó kiểm soát, dễ phát sinh các hiện tượng lộn xộn, phá chuẩn, thậm chí là mất an toàn, an ninh. Trong một khu vực có hàng nghìn người có hành vi tự giác, tuân thủ trật tự, nhưng chỉ cần có một vài người hành xử có tính bản năng, chống đối, phá hoại hoặc đe dọa khủng bố, nếu không xử lý được kịp thời thì có thể tạo ra một đám đông hỗn loạn, dẫn đến hậu quả nguy hiểm.

Vì vậy, quy tắc ứng xử mang tính định hướng, khuyến khích chưa đủ hiệu lực. Chúng ta cần có sự hỗ trợ của luật pháp nghiêm minh và các chế tài hiệu quả, các công nghệ hiện đại, thông minh (lắp camera giám sát, máy theo dõi hành trình phương tiện giao thông, nhận dạng, phân tích đối tượng, xử lý nghiêm và phạt nặng những người cố tình vi phạm…). Và những người thực thi pháp luật cần liêm chính, mẫn cán và chuyên nghiệp. Những công cụ và phương pháp quản lý hiện đại này, đến lượt nó lại trở thành điều kiện vật chất – kỹ thuật và nguồn lực hỗ trợ để chúng ta xây dựng và quản trị văn hóa nơi công cộng văn minh, hội nhập quốc tế.

Ngành Điện là một ngành kinh tế - kỹ thuật đặc thù, mỗi người lao động ngành Điện là một “đại sứ” trong giao tiếp với khách hàng và cộng đồng nơi công cộng. Vì thế, việc mỗi người lao động, mỗi đơn vị trong Tập đoàn xây dựng và tuân thủ nghiêm túc các quy định về quy tắc ứng xử nơi công cộng sẽ giúp tạo dựng niềm tin về những giá trị tốt đẹp của Tập đoàn Điện lực Việt Nam trong cộng đồng xã hội.


  • 13/11/2017 08:46
  • Nguồn: TCĐL Chuyên đề Quản lý & Hội nhập
  • 6619