Trung thực và chính xác: Thước đo đạo đức nhà báo

Báo chí đã và đang ngày càng tác động mạnh mẽ tới đời sống xã hội. Tuy nhiên, nếu người làm báo không có cái tâm, họ có thể lợi dụng báo chí theo mục đích riêng, không trong sáng và thiếu tính nhân văn. Họ viết không trung thực, xuyên tạc, bóp méo bản chất sự việc. Những bài báo này khiến công chúng bức xúc và gây tác động xấu tới xã hội.

Trung thực và chính xác là bản chất của báo chí cách mạng

Tính trung thực và chính xác của báo chí là vấn đề không có gì mới, nhưng có những người cầm bút không nhận thức được hoặc cố tình không nhận thức đúng, từ đó hành nghề một cách vụ lợi. Ở đây, người làm báo cần xác định rõ, trung thực không có nghĩa là thấy cái gì, viết cái đó. Còn yếu tố chính xác cũng mới chỉ là điều kiện cần nhưng chưa đủ.

“Thầy bói xem voi” là truyện ngụ ngôn có ý nghĩa sâu sắc mà người làm báo có thể  soi vào công việc của mình. Ai cũng hiểu, năm thầy bói đều có nhận xét đúng, nhưng còn phiến diện, chỉ đúng một phần sự thật.

Cuộc cãi vã của năm ông thầy bói, từ đấu khẩu thành cuộc xô xát. Màn hài kịch trở thành bi - hài kịch. Năm thầy bói đã “đánh nhau toạc đầu, chảy máu”'! Mục đích của câu chuyện này là muốn khuyến cáo mọi người phải tiếp cận vấn đề một cách toàn diện, đúng với bản chất, không đơn giản như những gì ta sờ thấy, nhìn thấy được.

Cũng chính vì vậy, trong hoạt động báo chí, một khi xuất hiện bài có đầu đề “Sự thật về bài báo...”, thì có nghĩa sự thật trong bài báo được trích dẫn là có vấn đề, là chưa trung thực hay ít ra chưa phản ánh đầy đủ bản chất sự thật. Chuyện này, đáng tiếc vẫn thường gặp trong đời sống báo chí.

Có những bài báo viết đúng chi tiết, đúng con số, đúng tên sự việc (yếu tố chính xác), nhưng thông điệp mà bài báo mang đến cho bạn đọc lại không trung thực. Khi được làm rõ, Tòa soạn báo đó đã phải đăng đính chính, xin lỗi bạn đọc. 

Xin viện dẫn một bài báo cụ thể. Trên http://www.baotayninh.vn ngày 02/8/2011 đăng tải bài viết: “Sự thật về bài báo “Băm nát Vườn quốc gia để trồng nông sản”. Theo đó, Bài báo có tựa đề “Băm nát Vườn quốc gia để trồng nông sản” được đăng trên báo Nông nghiệp Việt Nam số 116, ra ngày 13/6/2011, phản ánh tình hình quản lý, bảo vệ và phát triển rừng tại Vườn Quốc gia Lò Gò - Xa Mát… Tuy nhiên, nội dung bài báo không đúng sự thật, cố ý xuyên tạc, bóp méo một số sự việc đơn lẻ và phiến diện.

Vì vậy, “Sau cuộc họp báo ngày 30/6/2011, ngày 13/7/2011, Báo Nông nghiệp Việt Nam đã đăng đính chính nội dung bài báo trên, đồng thời “chân thành xin lỗi Ban lãnh đạo Vườn Quốc gia Lò Gò - Xa Mát và bạn đọc”.

Nguyên nhân của việc viết thiếu trung thực, thiếu chính xác

Trong những sai phạm của báo chí đã được tổng kết, được nhấn mạnh tại các cuộc hội nghị báo chí hằng năm, có sai phạm viết sai sự thật, xuyên tạc sự thật. Nguyên nhân có nhiều, nhưng tựu trung có những nguyên nhân chính sau:

- Viết sai sự thật do không hiểu biết vấn đề, nhất là những vấn đề có tính chuyên môn, đặc thù chuyên ngành, hoặc viết sai do thiếu thẩm định, kiểm chứng nguồn thông tin. Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến những sai sót này là do non kém về nghiệp vụ báo chí.

- Viết sai do cố tình xuyên tạc sự thật, bất chấp sự thật mà nhà báo đã biết.

Đây là nguyên nhân thuộc về đạo đức nghề nghiệp, điều đáng lên án nhất trong các vi phạm của báo chí.

Người làm báo cần phải tránh cái nhìn phiến diện và chủ quan khi thực hiện tin, bài

Có một dạng sai phạm tinh vi hơn, nhằm mục đích vụ lợi hoặc tạo sự chú ý của độc giả. Đó là người viết chỉ đưa những con số, sự việc… hoàn toàn có thật (tức đảm bảo được yếu tố chính xác), nhưng không phải bản chất vấn đề và cho rằng mình hoàn toàn không sai (giống như khẳng định của thầy bói trong truyện ngụ ngôn trên).  

Điều này đòi hỏi nhà báo luôn luôn phải nhìn nhận yếu tố chính xác trong mối quan hệ giữa chi tiết và tổng thể, giữa cụ thể và khái quát, giữa hiện tượng và bản chất, tránh cái nhìn phiến diện, chủ quan.

Tính trung thực và tính chính xác trong thông tin về ngành nghề đặc thù kinh tế - kỹ thuật.

Báo chí chuyên ngành đòi hỏi những yêu cầu và kỹ năng riêng đối với nhà báo. Tôi đã chứng kiến những bài báo, những câu hỏi phỏng vấn trong các lĩnh vực chuyên ngành về kinh tế - kỹ thuật, đặc biệt là ngành Điện có những lỗi nghiệp vụ cần phải lưu ý.

Đó là những sai sót của phóng viên khi đặt câu hỏi, không hiểu những thuật ngữ về kỹ thuật điện, lý thuyết mạch, các chỉ tiêu về hệ thống điện như, công suất (kW, MW) sản lượng điện (kWh),v.v… hoặc phóng viên không phân biệt được sự khác nhau giữa giá thành sản phẩm và giá bán sản phẩm...

Đặc biệt, cần đặt yếu tố chính xác của thông tin trong mối quan hệ với sự trung thực. Không nên lấy những con số cụ thể (dù là chính xác) để khái quát một vấn đề không đúng với sự thật, do thiếu thiện chí hoặc thiếu hiểu biết về chuyên môn.

Nhìn chung, để có thông tin trung thực, chính xác, có thông tin “sạch”, nhà báo cần có kỹ năng khai thác, sàng lọc, thu thập và xử lý thông tin một cách chuyên nghiệp. Nhưng trước hết, nhà báo cần có đạo đức nghề nghiệp trong sáng trong tác nghiệp, hành nghề, không chạy theo thị hiếu tầm thường, không vụ lợi, không cố tình vi phạm pháp luật.

Trích lược nội dung câu chuyện “Thầy bói xem voi”:

Năm ông thầy bói (mù) tranh luận về con voi mà họ xem bằng tay:

Thầy bói sờ vòi voi thì bảo “sun sun như con đỉa”.

Thầy bói sờ ngà lại phán con voi “chần chẫn như cái đòn càn”.

Thầy bói sờ tai voi lại khẳng định nó “bè bè như cái quạt thóc”.

Thầy bói thứ tư sờ chân voi, lại cãi là voi “sừng sững như cái cột nhà”.

Thầy bói thứ năm sờ đuôi lại nói con voi “tun tủn như cái chổi sể cùn”.

 


  • 18/07/2016 11:09
  • Nguồn: Tạp chí Điện lực chuyên đề Quản lý & Hội nhập
  • 6943