Thực thi 5S tại công sở: Những suy nghĩ từ chuyện… nhặt rác

Làm thế nào mỗi cán bộ, nhân viên trong đơn vị đều có được thói quen duy trì thực hành 5S mà không phải nhắc nhở? Hãy thử xét từ chuyện nhỏ nhất mỗi ngày là: Nhặt rác.

Rác là chuyện nhỏ, nhưng…

Buổi sáng tại một doanh nghiệp xuất nhập khẩu mặt hàng dệt kim, Giám đốc dẫn một đoàn khách nước ngoài tham quan mô hình quản lý mới tại đơn vị. Khi đi qua hành lang chung khu văn phòng, thấy rác bẩn còn lưu lại trên sàn, một vị khách vội quay sang hỏi Giám đốc đang đi bên cạnh:

Ảnh minh họa.

- Khi bạn đi từ cổng công ty đến nơi làm việc, nếu thấy rác thì bạn làm gì?

- Rác hả?… Tôi kêu nhân viên của tôi nhặt! – Giám đốc trả lời

- Khi sếp kêu bạn nhặt rác, bạn có nhặt không? – Vị khách lại quay sang hỏi một nhân viên đứng gần mình nhất.

- Ô! Tất nhiên rồi ạ! Sếp kêu nhặt thì đương nhiên tôi sẽ nhặt chứ! - Nhân viên này vội trả lời.

- Nếu sếp không kêu thì bạn có nhặt không? – Vị khách này lại hỏi tiếp.

- Dĩ nhiên là không rồi! Vì đây là trách nhiệm của người dọn vệ sinh hằng ngày mà.

Lúc ấy vị khách mới nhẹ nhàng nói: Ở công ty chúng tôi có câu chuyện thế này. Khi thấy rác, sếp kêu nhân viên nhặt thì đồng nghĩa là sếp đã dạy nhân viên rằng: “Chừng nào tôi kêu bạn nhặt thì hãy nhặt! Và đây là lý do vì sao trong khuôn viên công ty và tại nơi làm việc luôn có rác mà chẳng ai buồn nhặt”. Dứt lời, ông lại quay ra hỏi một nhân viên khác:

- Khi thấy sếp bạn nhặt rác, bạn nghĩ gì?

- Ồ! Đó là chuyện không hợp lý chút nào. Đây là việc quá nhỏ để một người lãnh đạo phải làm. Nhân viên này thản nhiên trả lời và không quên giải thích: Công ty trả lương cao cho các cấp quản lý là để giải quyết những việc quan trọng, còn việc nhặt rác là của người khác.

Vị khách lại từ tốn chia sẻ: “Không biết sếp của bạn có thấy hợp lý không, nhưng tôi dám chắc với bạn là, nếu thấy sếp nhặt rác thì sẽ không có nhân viên nào dám xả rác bừa bãi! Và khi không ai xả rác thì làm gì có rác để mà nhặt”! Rồi ông nhấn mạnh: “Đúng vậy. Công ty không trả lương để cấp quản lý nhặt rác, nhưng thái độ và phản ứng của người quản lý khi thấy rác, nhặt hay không nhặt lại có ảnh hưởng quyết định đến thái độ và phản ứng của nhân viên dưới quyền. Rác là chuyện nhỏ, nhưng nhặt rác là chuyện không nhỏ chút nào”.

Như để minh chứng cho câu chuyện của mình, vị khách này chia sẻ: “Tôi vừa chứng kiến tại World Cup 2018, dù rất thất vọng khi đội nhà thua ngược 2-3 trước đội tuyển Bỉ, nhưng sau trận bóng, cổ động viên Nhật Bản vẫn nán lại nhặt cho bằng sạch từng cuộng rác nhỏ trên khán đài sân Luzhniki ở Moskva. Mỗi cổ động viên “Samurai Xanh” đều đem theo một chiếc túi nylon gom rác lại, cho vào túi nilon rồi vứt vào thùng rác. Không chỉ ở World Cup 2018, mà ở tất cả các sự kiện lớn nhỏ diễn ra nơi công cộng, người Nhật đều có ý thức thu gom rác như vậy, hoàn toàn tự nguyện không cần phải nhắc nhở... Hành động đẹp ấy của họ đã được cả thế giới ghi nhận và thán phục”.

Bắt đầu từ việc nhỏ nhất

Từ chuyện nhặt rác “nhỏ mà không nhỏ” nói trên, nếu chúng ta thản nhiên coi “rác là chuyện nhỏ” thì sẽ tạo thành thói quen dửng dưng trước những chuyện lớn hơn. Ví dụ, bảng tên đơn vị bị rơi một vài chữ đã lâu, hàng ngày có biết bao nhiêu người qua lại, từ lãnh đạo, quản lý đến nhân viên, nhưng tuyệt nhiên không ai nhìn thấy, hoặc cố tình không nhìn thấy và không ai có bất kỳ hành động nào!… Bởi mọi người đều coi “đấy không phải là việc của mình!”. Như vậy, ý thức cộng đồng lâu ngày đã trở nên xa lạ. Điều này bắt nguồn từ ý thức của mọi người đối với sự vật xung quanh và tuân theo trình tự: “Quan sát –> Suy nghĩ –> Cảm xúc –> Hành động –> Kết quả”.

Vậy, từ đây chúng ta học được điều gì? Trước khi có ý thức cộng đồng, chúng ta phải có ý thức cá nhân. Trong gia đình, ý thức của con trẻ được hình thành qua quan sát cách hành xử của bậc cha mẹ. Trong công ty, ý thức của nhân viên được xây dựng và củng cố qua quan sát cách hành xử của lãnh đạo cấp trên. Và chỉ khi nào người ta thấy rằng “Thực hành 5S là làm cho chính mình” thì khi đó chương trình 5S mới thực sự thành công.


  • 22/08/2018 02:00
  • Nguồn: Tạp chí Điện lực, chuyên đề Quản lý và Hội nhập
  • 4486