Thợ điện Lê Kim Hùng: "Tôi mong truyền hết kinh nghiệm cho thế hệ trẻ"

Trước mặt chúng tôi là người đàn ông đã luống tuổi, gương mặt rạn dày nắng gió với mái tóc húi cua lốm đốm bạc. Từ anh toát ra vẻ "bụi bặm" khiến tôi có phần e dè. Nhưng suy nghĩ đó hoàn toàn thay đổi khi bắt đầu câu chuyện…

Anh Lê Kim Hùng

Mặc dù được đích thân Phó giám đốc Công ty Điện lực Ba Đình – Nguyễn Hoàng Khương giới thiệu là người có “tay nghề cao, thành tích nhiều...”, cũng không giúp anh bớt ngại ngùng. Vốn anh không thích nói về mình mà chỉ quan niệm, đã nhận nhiệm vụ thì phải nỗ lực hoàn thành - đơn giản chỉ có vậy.

Nhưng, khi chúng tôi chuyển sang hỏi về ngành, về nghề thì anh - người thợ điện gần 40 năm trong nghề mới mở lòng chia sẻ.

Gia đình giàu truyền thống

Anh làm thợ điện vì đây là nghề truyền thống gia đình. Đời ông ngoại, rồi đến cụ thân sinh ra anh đều là thợ điện ở Hà Nội từ hồi còn là Nhà máy đèn Bờ Hồ. Giờ đây, một trong hai người con của anh Hùng cũng đã kịp trở thành đồng nghiệp của bố, tiếp tục bề dầy truyền thống của gia đình.

Anh kể, năm 1976, khi bắt đầu vào học ở Trường Công nhân kỹ thuật điện, hành trang của anh là lời dặn dò của đấng sinh thành: “Học thế nào thì học, làm gì thì làm, đừng để mất mặt bố!”. Khắc cốt ghi tâm lời dạy đó, năm 1978, anh mới bắt đầu làm công nhân ở Sở Điện lực Hà Nội thì 10 năm sau (năm 1988) đã được phong bậc thợ 7/7.

Với tay nghề giỏi, trong những năm 80 của thế kỷ trước, anh nhiều lần có mặt trong các đoàn công tác do Sở Điện lực Hà Nội điều đi để sửa chữa sự cố cáp điện ngầm cho các nhà máy Nhiệt điện Uông Bí,  Phả Lại, Thủy điện Thác Bà. Những năm tháng lăn lộn với nghề, anh cũng dọc ngang trên mọi miền đất nước, từ tham gia xây dựng 15 km đường dây Việt – Lào ở tỉnh Hủa Phăn (Lào), đến kéo đường dây 110 kV Xi măng Nghi Sơn, xây dựng Trạm 110 kV Hà Trung (Thanh Hóa)...

Anh được chứng kiến ngành Điện đổi thay, lớn mạnh, đồng hành cùng sự phát triển của đất nước. Anh chia sẻ, trong cảm nhận của riêng anh, tinh thần đoàn kết và trách nhiệm trong công việc của người thợ điện, dù ở bất cứ thời kỳ nào cũng không hề suy giảm. Và chúng tôi hiểu, ngay cả với bản thân anh, “lửa nghề” chưa lúc nào nguội lạnh.

Anh chia sẻ “mấy chục năm trước, nhà ở ngay Hà Nội mà có khi cả tuần chẳng nhìn thấy mặt vợ con”. Ấy là do “thời đó, thiết bị của ta còn yếu kém lắm, hệ thống cáp ngầm từ thời Pháp để lại bị sự cố liên tục, mà "dính" sự cố là phải có mặt, không phân biệt giờ giấc”. Bây giờ, Đội Quản lý vận hành lưới điện Công ty Điện lực Ba Đình do anh làm đội trưởng được giao nhiệm vụ quản lý vận hành khoảng 700 máy biến áp phân phối tại quận Ba Đình – trung tâm chính trị của cả nước, nên thời gian anh dành cho gia đình vẫn… hiếm hoi như thế. “Được cái, nhà tôi quen rồi nên cũng rất thông cảm” - anh cười. 30 Tết vừa qua, trong khi người người, nhà nhà tất bật chuẩn bị đón năm mới thì anh Hùng cùng các anh em trong đội vẫn phải tát nước bùn, xử lý hút ẩm ở trạm biến áp cấp điện cho trụ sở Bộ Quốc phòng.

"Từ những điều đơn giản nhất"

Anh trả lời như thế khi được hỏi vì sao trở thành "cây sáng kiến" của đơn vị. Chỉ tính riêng những năm từ 2006 đến 2011, anh Hùng đã đóng góp 9 sáng kiến, trong đó có 4 sáng kiến cấp Tổng công ty, 5 sáng kiến cấp tiểu ban, góp phần vào việc nâng cao chất lượng vận hành lưới điện do Công ty quản lý.

Điều thú vị là anh luôn cố gắng tận dụng các vật tư cũ nên càng tiết kiệm chi phí. Điển hình như sáng kiến "Tận dụng tủ RMU cũ bị sự cố của trạm biến áp Đại sứ quán Iran". Trạm biến áp này bị sự cố vào ngày 31/5/2010. Trạm sử dụng tủ là loại có thanh cái hở, đặt ngoài trời, có nắp tủ kín, không mở được, do vận hành lâu ngày bị bụi bẩn bắn vào mà không vệ sinh được nên gây sự cố ngăn mạch. Đây là khách hàng quan trọng trong lĩnh vực ngoại giao, nhưng Công ty không có tủ để thay thế ngay nên anh Hùng chỉ đạo đội Quản lý vận hành tiến hành vệ sinh công nghiệp thanh cái và sứ đỡ thanh cái bằng cồn công nghiệp, sau đó lại quét 1 lớp cách điện eboxy, đóng điện sử dụng lại cùng ngày cho Đại sứ quán chứ không cần thay tủ mới.

Hoặc, năm 2011, anh Hùng có sáng kiến "Đưa thêm máy biến áp và các thiết bị chống quá tải cho Trạm biến áp Đại Yên 1". Khi đó, Trạm bị quá tải. Anh đã đề xuất lắp thêm 1 bộ SI, 1 bộ xà trung gian tại Trạm để bổ sung thêm 1 máy biến áp công suất 400 kVA, lắp mới 1 tủ hạ thế 600 V - 600 A để san tải cho các trạm Đại Yên 1 và Đại Yên 7. Kết quả, không những Trạm biến áp Đại Yên 1 khắc phục được tình trạng quá tải, vừa kéo dài tuổi thọ cho các thiết bị do không còn phải vận hành liên tục ở chế độ đầy tải. Trong đó, máy biến áp và các thiết bị đó đều là những vật tư thu hồi được tận dụng lại, góp phần tiết kiệm chi phí và nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh bán điện cho đơn vị.

Do địa bàn quản lý có rất nhiều cơ quan trọng yếu của Đảng, Nhà nước, các cơ quan trung ương và ngoại giao,... nên anh Hùng cho biết: "Chúng tôi xác định nhiệm vụ lớn nhất là đảm bảo cung ứng điện chất lượng, an toàn phục vụ các hoạt động chính trị, ngoại giao, văn hóa, xã hội của Đảng, Nhà nước và thành phố diễn ra trên địa bàn chứ không đơn thuần chỉ là phục vụ kinh doanh điện".

Vì đặc thù công việc nên có bao nhiêu cuộc hội họp quan trọng của quốc gia, quốc tế trong từng tháng, từng năm trên địa bàn, anh đều nắm rõ "trong lòng bàn tay". Mỗi khi diễn ra các sự kiện như thế, anh và các anh em đều phải lên kế hoạch chuẩn bị chu đáo từ trước, rồi ứng trực tại chỗ, đảm bảo không để xảy ra gián đoạn vì sự cố điện. Phó giám đốc Khương cho biết: “Tôi rất khâm phục trí nhớ của anh Hùng. 700 trạm biến áp mà anh ấy thuộc như lòng bàn tay, từ vị trí cho đến sơ đồ trạm”.

Còn ít năm nữa là về nghỉ hưu, anh chỉ mong mỏi sao cho đơn vị có được một đội ngũ kế cận chất lượng tốt. Những người thợ già như anh sẵn sàng dốc hết sức lực, kinh nghiệm để truyền nghề.

Thành tích đạt được của Đội trưởng Đội Quản lý vận hành lưới điện Công ty Điện lực Ba Đình - Lê Kim Hùng:

- Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ (năm 2012)

- Bằng khen của Văn phòng Quốc hội vì có thành tích phối hợp trong việc phục vụ các kỳ hoạt động của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội trong nhiệm kỳ 2007 - 2011 (năm 2011)

- Bằng khen của Bộ Công Thương (năm 2011)

- 3 lần đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua Bộ Công nghiệp (nay là Bộ Công Thương) trong các năm 2003, 2005, 2010

- 2 lần nhận bằng khen của EVN (năm 1999 và 2001)

- Giải thưởng Nguyễn Đức Cảnh của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (năm 2008)

- Bằng khen của Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội (2007)

- 2 lần nhận danh hiệu "Người tốt - Việc tốt" của UBND quận Hoàn Kiếm (năm 2009 và 2011)

- Nhiều năm đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở cấp Tập đoàn, Tổng công ty Điện lực TP Hà Nội

 


  • 24/02/2014 05:00
  • N.Cảnh - H.Tuyết
  • 2515


Gửi nhận xét