Thợ điện Lào Cai: Gian nan vẫn giữ “lửa nghề”

Những thợ điện ở Lào Cai thường xuyên phải đối mặt với thiên tai khắc nghiệt, địa hình hiểm trở. Để giữ vững nguồn sáng cho nhân dân, họ luôn sẵn sàng đối diện với mọi khó khăn gian khổ, từ lốc xoáy, băng giá, đến lũ lụt, sạt lở đất đá…

0 độ cũng… không ngại

Mường Khương một ngày tháng 7/2019. Chúng tôi theo chân Đội Quản lý tổng hợp Bản Lầu (Điện lực Mường Khương, Công ty Điện lực Lào Cai) thực hiện việc nâng cấp cải tạo lưới điện. Trước đây, người dân chỉ sử dụng điện thắp sáng là chủ yếu, bây giờ, nhiều hộ đã sử dụng điện cho sản xuất - kinh doanh. Vì vậy, Điện lực phải khẩn trương nâng cấp, chuyển đổi từ điện một pha lên 3 pha, đáp ứng yêu cầu mở rộng sản xuất - kinh doanh của người dân. 

Trong lúc nghỉ giải lao, những chuyện nghề, chuyện đời của thợ điện trở lên rất rôm rả. Thợ điện Lào Cai quá quen với việc hàng ngày phải đi lại xa xôi, vất vả, quyết tâm bám bản, giữ nghề. Thợ điện ở đây cũng hoàn toàn không bất ngờ với những sự cố về đường dây, TBA… luôn có thể xảy ra khi thời tiết diễn biến bất thường. 

Một lần, vào mùa mưa bão, tại địa bàn quản lý của Điện lực Mường Khương xảy ra sự cố: Đổ cột đường dây 35 kV. Ngay lập tức, Đội Quản lý tổng hợp Bản Lầu khẩn trương đến hiện trường. Phải làm việc liên tục 2 ngày đêm mới dựng lại được cột bị đổ. Không còn cách nào khác, khi đêm xuống, những thợ điện Bản Lầu phải dựng lều bạt ngủ tạm. Còn đến bữa, anh em nhờ bà con cho củi và nước, nấu ăn ngay tại hiện trường. 

Anh Trần Quang Việt - Đội trưởng Đội Quản lý tổng hợp Bản Lầu cho biết, mưa đá và lốc xoáy cũng đã “ghé thăm” Mường Khương nhiều lần, cường độ lớn nhất vào năm 2013. Khi đó, nhà dân bị tốc mái, lưới điện cũng có nguy cơ bị đe dọa. “Bỏ quên” nhà mình cũng bị tốc mái, ngập nước, anh em thợ điện Bản Lầu khẩn trương đội mưa đến từng nhà hỗ trợ dân khắc phục hậu quả mưa bão, đảm bảo an toàn điện. Xong việc, họ mới trở về “vá” lại ngôi nhà mình.

“Đang ngủ, nhận được lệnh có sự cố là thợ điện lên đường ngay, không kể ngày đêm. Có không ít lần, sự cố xảy ra vào nửa đêm, nhiệt độ xuống dưới 0 độ C, nước đóng băng trên dây điện... Sự khắc nghiệt của thời tiết không cản nổi công việc và tình yêu nghề của thợ điện, chúng tôi vẫn làm việc bình thường, nhanh chóng khắc phục sự cố, khôi phục điện cho dân”, anh Việt nhớ lại.

Công nhân Điện lực Mường Khương đối kéo dây điện trên những con đường có nguy cơ sạt lở

Ông Nguyễn Hữu Đan, Giám đốc Điện lực Mường Khương nói với chúng tôi, nếu không có sức khỏe và lòng yêu nghề, rất khó có thể vượt qua những khó khăn, gian khổ. Vào mùa mưa, ở Lào Cai thường xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở đất, gây ra các sự cố lưới điện. Để cấp điện kịp thời, công nhân điện lực thường phải dùng sức người đưa vật tư, thiết bị đến vị trí, sớm khắc phục sự cố, vì giao thông lúc này gần như bị chia cắt. Ngâm mình trong nước mưa, làm việc thâu đêm, suốt sáng... là chuyện hết sức bình thường đối với người thợ điện nơi đây. 

Theo Giám đốc Công ty Điện lực Lào Cai, ông Nguyễn Anh Tuấn, có lẽ Lào Cai là một trong số ít địa phương trên cả nước phải hứng chịu tất cả các loại hình thời tiết cực đoan. Từ lũ ống, lũ quét, lốc xoáy đến băng giá,... gây rất nhiều khó khăn, thách thức cho quản lý, vận hành lưới điện. Chính vì vậy, để vượt qua những khó khăn, phải có sự đoàn kết, gắn bó, hết lòng vì công việc từ Ban lãnh đạo đến các tổ đội và người công nhân. Đặc biệt, Công ty đã xây dựng văn hóa doanh nghiệp, giáo dục cho công nhân yêu ngành, yêu nghề, luôn tự hào khi được phục vụ nhân dân. 

Bên cạnh đó, Công ty Điện lực Lào Cai cũng đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao vào quản lý lưới điện như, công nghệ điều khiển xa, cảnh báo sự cố, công tơ điện tử, xây dựng lưới điện N-1, góp phần nâng cao độ tin cậy cung cấp điện, giảm cường độ lao động cho CBCNV...  

Niềm vui của thợ điện vùng cao

Khi được giao địa bàn quản lý một địa bàn có nhiều dân tộc thiểu số sinh sống, thợ điện Lào Cai luôn chủ động học thêm ngôn ngữ của bà con, tạo thuận lợi khi giao tiếp với người dân địa phương. Thợ điện ở đây luôn hiểu rằng, với những huyện vùng sâu, vùng xa, vùng giáp biên, việc đưa điện vào đã khó, nhưng việc quản lý vận hành còn khó hơn nhiều. Do đó, Điện lực ở các huyện phải có những kế hoạch cụ thể, đảm bảo  vận hành tốt lưới điện. Trong đó, hình ảnh cán bộ công nhân viên ngành Điện phải thật sự gần gũi với dân. 

Anh Nguyễn Huy Thường (thôn Lốc 4, xã Bản Lầu) chia sẻ: “Gia đình tôi sử dụng điện để sản xuất, kinh doanh, nên khi thấy điện sáng đều thì rất mừng. Nếu có trục trặc, gọi điện là các chú thợ điện có mặt ngay. Các chú thợ điện giỏi nghề, nhiệt tình lắm, nên người dân chúng tôi rất quý”. 

Cũng theo anh Thường, không chỉ xử lý sự cố, thợ điện ở Mường Khương còn thường xuyên hướng dẫn người dân sử dụng điện an toàn, tiết kiệm. Chính vì vậy, người dân ở đây ai cũng gọi các anh bằng cái tên thân thương “chú thợ điện”. 

Anh Trần Quang Việt chia sẻ, vất vả, gian nan là không kể xiết, nhưng những người thợ điện vùng cao cũng vô cùng hạnh phúc. Bởi đến với bản nào, đến với gia đình nào, họ cũng như người nhà, được về nhà mình. Những lần xử lý sự cố thông trưa, hay xuyên đêm, bà con lại cung cấp nước uống, thức ăn... tiếp thêm năng lượng cho các “chú thợ điện”...

Riêng tại các xã vùng biên giới, các hộ dân sống rất thưa thớt, lại thường xuyên đi làm ăn xa, rất khó gặp. Vì vậy, công nhân điện lực phải nhờ chính quyền địa phương, thôn bản, mới nắm được thời gian có mặt ở nhà, để phối kết hợp tuyên truyền, hướng dẫn bà con sử dụng điện an toàn, tiết kiệm. 

Do biến đổi khí hậu, thời tiết ở vùng cao sẽ còn tiếp tục diễn biến bất thường. Những người thợ điện ở Mường Khương nói riêng và Lào Cai nói chung luôn thấu hiểu những vất vả, gian nan của nghề làm điện. Tuy nhiên, niềm vui của khách hàng sử dụng điện chính là động lực để người thợ điện vùng cao tiếp tục bám dân, bám bản, vận hành an toàn, hiệu quả hệ thống điện trên địa bàn. 
 


  • 14/10/2019 10:55
  • Nguồn: TCĐL Chuyên đề Quản lý & Hội nhập
  • 1115